Văn hóa mạng xã hội thời hội nhập: Thật hơn, nhân văn hơn

ANTD.VN - Không thể phủ nhận, mạng xã hội mang lại quá nhiều lợi ích cho mọi người, nhưng kèm theo đó là vô số phiền toái, rắc rối do vướng phải vấn đề về đạo đức, thậm chí là vi phạm pháp luật. 

Văn hóa mạng xã hội thời hội nhập: Thật hơn, nhân văn hơn ảnh 1

Không gian mạng thật hơn cả cuộc sống thật

Có thể nói, không gian mạng ngày càng phát triển xa so với dự báo của nhiều người, thậm chí ngay chính những người khai sinh ra mạng xã hội cũng không hình dung nổi. Giờ thì hầu như ai cũng là thành viên trong một nhóm của gia đình, dòng họ, cơ quan. Rồi hội những người chơi hoa, chơi chim, nuôi chó, đi du lịch bụi, hội những người bỏ vợ, chia tay chồng, hội những người bị bồ đá… Hội yêu cái này, ghét cái kia, không thiếu bất cứ thứ gì.

Tóm lại cuộc sống thực có gì, thế giới mạng có đó. Một thời không gian mạng bị coi là thế giới ảo, nhưng nay quan niệm này không còn đúng nữa. Bởi có rất nhiều thứ trong không gian mạng còn thật hơn cả cuộc sống thật. Nói khác đi là mạng xã hội đã trở thành một phần của cuộc sống mỗi người. Và thật khó hình dung xã hội sẽ ra sao nếu một sáng mai thức dậy, tất cả wifi, sóng 3G, 4G hay dây cáp mạng không còn, tức là ta không thể tham gia vào thế giới mạng?

Từ những hội nhóm, bạn bè trên mạng xã hội, có rất nhiều câu chuyện cảm động đã xảy ra. Vô số trường hợp khó khăn, hoạn nạn đã được chính những người “bạn phây”, bạn mạng xã hội chung tay sẻ chia, giúp đỡ. Sự giúp đỡ, sẻ chia ấy là thực, và mạng xã hội trở thành công cụ tuyệt vời để gắn kết yêu thương, chung vui khi hạnh phúc, sẻ chia khó khăn, buồn khổ... Nếu mà ngồi viết về cái hay của mạng xã hội thì biết bao nhiêu bài báo cho hết được, trong khi mặt trái, những cái xấu của không gian mạng cũng nhiều vô kể.

Giới hạn về đạo đức và luật pháp

Từng có ý kiến cho rằng xã hội bây giờ tối quá, loạn quá, khủng khiếp quá. Thực ra không phải vậy, hoặc ít nhất cũng là không hẳn thế. Rất nhiều chuyện động trời trong đời sống xã hội hiện nay được lan tỏa với tốc độ khủng khiếp trên mạng xã hội, thực ra, thời nào cũng có. Tuy nhiên, vì xưa không có mạng xã hội, câu chuyện bị giới hạn trong phạm vi hẹp hơn mà thôi.

Vì sao mạng xã hội có nhiều điều hay, lợi ích, nhưng lại luôn bị người đời nghi ngại? Ấy là do nhiều người đã lợi dụng khả năng lan tỏa, tính tương tác của mạng xã hội, lợi dụng việc còn thiếu các quy định, chế tài quản lý không gian ảo mà thật này để tung tin xấu, hoặc làm việc không tốt. 

Không thể biết có bao nhiêu thông tin sai trái, bịa đặt được người ta cố ý đưa lên mạng xã hội nhằm nói xấu, hạ nhục một tổ chức hay cá nhân, làm ảnh hưởng nặng nề đến cộng đồng. Có những người vì không chịu nổi sự xỉ nhục của những nhà “đạo đức học”, những “anh hùng bàn phím” trên không gian mạng, đã tìm đến cái chết để giải thoát. Rồi có vô số những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng ngày càng tinh vi hơn. Mạng xã hội bị lợi dụng để tập hợp những đối tượng quá khích, kêu gọi biểu tình, thậm chí hướng dẫn chế tạo vũ khí để tấn công khủng bố, phá hoại.

Từ chỗ biện hộ cho tính mở của không gian mạng, Facebook, Google cũng như một số mạng xã hội khác, đã phải phối hợp với cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, xử lý những thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội. Cụ thể, Google và Facebook đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video, đường link vi phạm pháp luật Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2018, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 6.700 trong tổng số 7.800 video khỏi YouTube. Có 6 kênh YouTube bị chặn hoàn toàn. Trong khi đó, Facebook đã chặn, gỡ bỏ gần 1.000 trong tổng số 5.500 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Facebook cũng gỡ bỏ 107/107 tài khoản giả mạo, 137 tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Ở nhiều nước trên thế giới, các mạng xã hội cũng bị lên án do vướng phải các vấn đề đạo đức và luật pháp. Các mạng xã hội này đã phải nhiều lần thay đổi thuật toán nhằm bảo vệ người dùng hơn, xử lý các thông tin vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, vi phạm pháp luật, đặc biệt là các thông tin liên quan đến trẻ em. Google thậm chí còn xây dựng Youtube Kids, ứng dụng được thiết kế riêng để loại trừ các nội dung không phù hợp với trẻ em…

Những giải pháp này rõ ràng chưa giải quyết được triệt để những mối nguy cơ đối với người dùng mạng xã hội, nhất là trẻ em, dễ bị tổn thương nhất khi tham gia không gian mạng. Tuy nhiên, đó là những nỗ lực đáng ghi nhận. Đó là chỉ dấu cho thấy các nhà quản trị mạng xã hội đã nhận ra một điều: Nếu không hạn chế được thông tin sai, thông tin vi phạm về đạo đức, thậm chí là vi phạm pháp luật… chắc chắn nó sẽ bị người dùng tẩy chay, để đến với những mạng xã hội thật hơn, nhân văn hơn. Không gian mạng vốn là một thế giới vô cùng rộng mở. Và chắc chắn nó sẽ ngày càng gắn chặt hơn với cuộc sống của mỗi người.

17 nhóm hành vi bị cấm trên không gian mạng

Theo Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, có thể gom lại thành 17 nhóm hành vi bị cấm. Nắm rõ các thông tin này để tránh vô tình vi phạm hoặc tiếp tay cho vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

1. Đăng tải, phát tán thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

2. Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

3. Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.

4. Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

5. Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội, hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

6. Thông tin có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng. Có hành vi khác sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

7. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống.

8. Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

9. Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Thực hiện hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật Nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân.

10. Có hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng    Internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền Internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng.

11. Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng các phương tiện thanh toán trái phép.

12. Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật.

13. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt, hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

14. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

15. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

16. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

17. Có hành vi khác vi phạm quy định của Luật An ninh mạng.