Ứng xử văn minh như thế nào để va chạm giao thông không biến thành bạo lực

ANTD.VN - Thời gian qua, đã xảy ra rất nhiều vụ ẩu đả do người tham gia giao thông trở nên mất bình tĩnh sau va chạm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Do đó, những kỹ năng ứng xử văn minh khi xảy ra va chạm trên đường là vô cùng cần thiết.

Mới đây nhất, tối 5-11, một vụ xích mích xuất phát từ việc tham gia giao thông đã xảy ra tại khu vực vòi phun nước ở Hồ Hoàn Kiếm (phường Hàng Trống, Hà Nội). Trong đó, nam thanh niên tên L. (SN 1999) đèo bạn gái và anh Nguyễn S.T (trú tại quận Ba Đình, làm nghề chuyển phát bưu phẩm) đã có lời qua tiếng lại, khi cho rằng một người “rẽ không xi-nhan, tạt đầu”.

Nhân chứng C. (lái xe Grab) cho biết, anh T. sau đó đã bỏ đi, nhưng bị L. chạy theo chửi bới, nên hai bên đã lao vào ẩu đả. Do khỏe hơn và từng là VĐV võ Pencak Silat nên T. đã quật ngã L., khiến thanh niên này nằm gục tại chỗ. Chứng kiến sự việc, nhiều người dân có mặt tại hiện trường đã yêu cầu T. không được rời đi, đồng thời cấp báo tới CAP Hàng Trống.

Ẩu đả sau va chạm giao thông khiến một người bị thương

Lực lượng công an đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, đưa những người liên quan về trụ sở để làm việc.

Trên thực tế, tình trạng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn là không hiếm gặp trên đường phố, nhất là ở các đô thị lớn. Nhiều nguyên nhân được đưa ra, có trường hợp giải thích do việc lái xe căng thẳng, mệt mỏi, rất bất bình khi chứng kiến nhiều người đi lại, lưu thông hỗn loạn, bất chấp các quy tắc giao thông nên đã thiếu kiểm soát khi có va chạm. Muốn hạn chế bạo lực, mỗi người cần tự trang bị cho mình những kỹ năng ứng xử văn minh sau đây:

Clip: Ứng xử đẹp khi va chạm giao thông. Nguồn: VTC1

Giữ bình tĩnh

Tai nạn có thể khiến bạn căng thẳng, ức chế, nhưng hãy giữ một cái đầu “lạnh” để xử lý tình huống. Giữ bình tĩnh sẽ giúp bạn nhớ được các chi tiết sau tai nạn.

Giữ thái độ bình tĩnh để xử lý tình huống sau va chạm

Kiểm tra vết thương

Hãy chắc chắn việc cơ thể bạn không có vết thương nào. Nếu có, hãy băng vết thương lại, đừng để chảy máu nhiều, tránh nhiễm trùng. Trong trường hợp bị thương nặng, hãy gọi xe cấp cứu.

Không tranh luận

-Khi tai nạn giao thông xảy ra, bất kỳ ai cũng sẽ khó chịu. Do đó, không nên tranh luận để tránh làm tình hình nghiêm trọng hơn. Nếu họ tranh luận về lỗi, hãy bình tĩnh yêu cầu họ nói trước và lắng nghe với thái độ chăm chú, cầu thị.

-Nếu phần lỗi thuộc về mình, cần nhẹ nhàng xin lỗi, nếu họ yêu cầu bồi thường, chấp nhận thương lượng bồi thường hợp lý.

- Trong trường hợp họ đòi bồi thường quá cao, vô lý, có biểu hiện ăn vạ, đám đông gây áp lực, tài xế cần phải tạo cớ trì hoãn để nhờ sự trợ giúp của cơ quan chức năng. Tài xế cũng có thể lấy lý do không đem theo nhiều tiền, cần gọi cho người thân đem tiền lại, sau đó tránh ra xa hoặc vào ôtô khóa cửa gọi cho cơ quan công an gần nhất để xin trợ giúp.

- Nếu phần lỗi thuộc về bên còn lại, sau khi để họ nói xong, tài xế cần nhẹ nhàng phân tích dựa trên cơ sở luật giao thông đường bộ.

Không bỏ trốn

Không nên bỏ trốn khỏi va chạm, mà hãy xuống xe để xem tình trạng sức khỏe của người lái xe bị đâm. Sau khi xuống xe, nếu quan sát thấy người bị va chạm bị thương tích hãy dìu họ vào trong lề đường, đề nghị được đưa đi cấp cứu chứ không tranh cãi về lỗi.

 Nếu nhận thấy người bị va chạm không bị thương, xe không hư hỏng nặng, có thái độ hung hăng…, tài xế không nên tiến đến hiện trường nơi va chạm mà đứng chờ ở lề đường vì chắc chắn người bị va chạm sẽ tìm đến nói chuyện.

Sau va chạm, bạn cần xuống xe kiểm tra tình trạng sức khỏe của người bị đâm

Tai nạn nhỏ

-Khi người điều khiển ôtô va chạm với người điều khiển xe máy, nếu chỉ va chạm nhẹ, không phải tai nạn nghiêm trọng, không cần thiết phải giữ nguyên hiện trường, tài xế cần bình tĩnh và nên làm một số thao tác lái xe an toàn như: bật đèn xin đường, tấp xe vào lề phải, kéo thắng tay, bấm nút khóa cửa xe hoặc khóa cửa xe khi xuống xe… Điều này giúp giải tỏa giao thông và bảo vệ an toàn cho tài sản trên xe.

- Trường hợp va chạm nhưng đối phương không dừng lại để giải quyết mà bỏ chạy, nếu xét thấy không bị thiệt hại quá nghiêm trọng, người lái xe nên bỏ qua. 

Tai nạn nghiêm trọng

Với tai nạn nghiêm trọng, để giúp công an xác minh nguyên nhân va chạm và ai là người sai phạm, bạn cần ghi nhớ đặc điểm xe vi phạm, chụp ảnh hiện trường, sau đó báo với cơ quan Công an gần nhất để được xử lý. Không nên liều lĩnh đuổi theo, có hành vi quá khích dẫn đến hành vi phạm tội hoặc gây tai nạn giao thông.

Cách ứng phó với nguy cơ bị tấn công

-Khi thấy đối tượng có thái độ hung hăng, muốn sử dụng vũ lực, tài xế cần giữ khoảng cách an toàn khoảng 2m.

-Nếu thấy đối tượng gây hấn có đồng bọn trợ giúp, không nên di chuyển vòng quanh xe mà chọn hướng nào dễ chạy nhất để thoát thân, tránh bị các đối tượng đánh hội đồng, gây thương tích. Sau đó, bạn cần báo cho cơ quan Công an gần nhất để xin trợ giúp.

-Nếu xảy ra bạo lực, cần có thể cố thủ trên xe ô tô và gọi cho cơ quan chức năng báo về tình trạng nguy hiểm.

-Nếu đối tượng đập phá, hãy dùng điện thoại thông minh quay lại video clip lấy bằng chứng bảo vệ bản thân. Tài xế sau đó cần tính toán lái xe chạy thoát.

Với đối tượng hung hăng, cần báo cho cơ quan Công an để xin trợ giúp