Tự nguyện phá bỏ, giao nộp cây thuốc phiện có thể được miễn trách nhiệm hình sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Bạn em có trồng cây thuốc phiện, số lượng nhỏ để làm thuốc Nam. Hành vi của bạn em có bị xử lý hình sự không, xử lý như thế nào? Cấn Văn Cường (Thạch Thất, Hà Nội)

Luật sư Đặng Thành Chung trả lời:

Tự nguyện phá bỏ, giao nộp cây thuốc phiện có thể được miễn trách nhiệm hình sự ảnh 1Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh; Phòng 305, toà nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)

Căn cứ điều 247 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy như sau:

“1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.

4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Tự nguyện phá bỏ, giao nộp cây thuốc phiện có thể được miễn trách nhiệm hình sự ảnh 2Người dân phá bỏ cây thuốc phiện khi được chính quyền địa phương vận động (Ảnh minh họa)

Như vậy, các dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm về tội này bao gồm:

Đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống.

(“Đã được giáo dục nhiều lần” là đã được cơ quan Nhà nước, tổ chức, người có trách nhiệm ở địa phương từ hai lần trở lên vận động, thuyết phục, nhắc nhở về việc không được trồng cây có chứa chất ma túy hoặc phổ biến đường lối, chính sách, quy định của pháp luật về cấm trồng cây có chứa chất ma túy. Các biện pháp giáo dục này phải được thể hiện bằng biên bản. Chỉ bị coi là “đã được giáo dục nhiều lần” nếu việc giáo dục được thực hiện trước khi bị xử phạt hành chính).

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

(“Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” được hiểu là trước đó đã có hành vi trồng cây có chứa chất ma túy và đã bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, mà lại tiếp tục có hành vi trồng cây có chứa chất ma túy và bị phát hiện. (Theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì có 2 hình thức xử phạt vi phạm hành chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền).

Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

Do bạn không nói rõ tình huống nên bạn có thể căn cứ vào các dấu hiệu đã nêu ở trên để xác định gia đình mình có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không. Mặt khác, trong trường hợp phạm tội nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.