Trẻ 15 tuổi giao cấu với cháu bé 7 tuổi, có được miễn trách nhiệm hình sự không?

ANTĐ - Câu chuyện của hai trẻ đã làm xôn xao cả xã hẻo lánh, thuần nông thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. 

Cậu bé Nguyễn Văn Thắng (đã đổi tên), sinh năm 2000. Sáng ngày 1-3, cả nhà cậu bé phải đi làm, giao cho cậu ở nhà trông nhà. Ở nhà, không được đi chơi, nhìn sang hàng xóm, thấy cô bé Hoa (đã đổi tên), sinh năm 2008, cũng đang ở nhà một mình, Thắng rủ Hoa sang nhà mình chơi. Hai đứa trẻ chơi ngoài vườn chán lại vào trong nhà, lên giường đùa nghịch.

Vốn đã xem nhiều phim sex trên mạng, lại thấy cô bé Hoa ngây thơ, không hiểu chuyện, cứ vô tư đùa nghịch, Thắng cảm thấy ham muốn quan hệ tình dục. Cậu ta ôm ấp rồi cởi quần cháu Hoa thực hiện hành vi giao cấu. Cô bé Hoa còn quá nhỏ, không biết đó là việc nguy hiểm. Đến khi thấy đau quá, cháu Hoa òa lên khóc.

 Vừa lúc đó, cha mẹ cháu Thắng cũng vừa tới. Cháu Thắng thú nhận với cha mẹ về hành vi  của mình. Mẹ cháu Thắng liền đưa cháu Hoa đến cơ sở y tế, còn cha cháu Thắng đưa cháu Thắng đến Công an xã 

đầu thú. 

Công an huyện Tri Tôn (An Giang) đã tạm giữ nghi can Thắng và lập hồ sơ điều tra vụ việc.

Vấn đề cần trao đổi là nghi can Thắng đã phạm tội gì và sẽ bị pháp luật xử lý ra sao?

 Ý kiến bạn đọc 

* Nghi can Thắng phạm tội hiếp dâm trẻ em

Hành vi của nghi can Thắng giao cấu với một trẻ gái mới có 7 tuổi là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đây là hành vi coi thường pháp luật; coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác do ảnh hưởng của văn hóa phẩm kích động, bạo lực; phim, ảnh khiêu dâm, kích dục… mà bị kích thích, mất kiểm soát hành vi bản thân dẫn đến phạm tội.. Một lần nữa, vụ án báo động tình trạng đạo đức trẻ vị thành niên đang ngày càng xuống cấp. Bài học không dừng ở mức án nghiêm khắc mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh dành cho các bậc sinh thành trong việc chăm sóc, quan tâm, dạy dỗ, uốn nắn để con cái không bị “trật đường ray” đạo đức. Nghi can Thắng đã vi phạm khoản 4 điều 112 Bộ luật Hình sự, tội danh Hiếp dâm trẻ em với nội dung: Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. 

Nguyễn Văn Bắc 
(Tri Tôn, An Giang)

* Đây là lỗi lầm do nhận thức kém, cần có sự tha thứ

Từ nội dung vụ án, chúng ta thấy, nghi can Thắng sống trong một vùng hẻo lánh, kiến thức pháp luật hạn chế. Nghi can cũng chỉ mới 15 tuổi, non nớt về thể chất và trí tuệ cần được bảo vệ, chăm sóc đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lí. Nghi can Thắng là những đối tượng còn thiếu kinh nghiệm sống và thiếu khả năng tự bảo vệ mình trước các cạm bẫy của xã hội. Do vậy, có thể nói, tội lỗi của nghi can Thắng là bột phát, do nông nổi không kiềm chế được bản thân. Đề nghị giao nghi can Thắng cho gia đình giáo dục. Không nên để lỡ cơ hội học tập của cháu bé.

Phạm Thị Hoài 
(Viện Giáo dục Sức khỏe cộng đồng) 

* Có thể được miễn trách nhiệm hình sự

Theo điều 69 Bộ luật Hình sự: Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. Trong vụ án này, cháu Hoa đã được cấp cứu kịp thời, nghi can Thắng cũng đã nhận ra tội lỗi của mình, theo cha đến cơ quan công an thú nhận tội lỗi của mình. Nghi can Thắng thể hiện không phải là một kẻ xấu gây nguy hiểm cho xã hội. Theo đúng tinh thần điều luật này, có thể miễn trách nhiệm hình sự cho nghi can Thắng.

 

Phạm Văn Ngũ
(Long Xuyên An Giang)

* Cần nghiêm trị 
Tình trạng những người vị thành niên phạm tội đang gây nhức nhối xã hội.  So với tổng số vụ phạm pháp hình sự trong toàn quốc thì số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm gần 20%. Một trong những lý do để tội phạm vị thành niên phát triển là do chúng ta đã không nghiêm khắc với tội phạm vị thành niên. Trở lại vụ án này, nghi can Thắng đã 15 tuổi, có được gia đình cho ăn học, có hiểu biết, nhưng nghi can Thắng cố tình thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi của nghi can Thắng không chỉ gây tổn thương tinh thần suốt đời đối với cháu Hoa mà còn có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe của bé Hoa. Cần phải truy tố và trừng trị nghiêm khắc này theo đúng điều 112 Bộ luật Hình sự.

 

Nguyễn Thị Liên 
(Vĩnh Linh, Quảng Trị)

 Bình luận của luật sư 

Theo đúng nội dung vụ án, chúng ta nhận thấy, nghi can Thắng đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nghi can Thắng đã giao cấu với một bé gái mới 7 tuổi, gây tổn thương cả về thể chất và tinh thần cho bé gái. Theo khoản 4 điều 112 Bộ luật Hình sự: Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ở đây có một chi tiết, nghi can Thắng mới 15 tuổi, tuy nhiên, điều 12, khoản 2 Bộ luật Hình sự đã khẳng định: Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 Điều 8 khoản 3 Bộ luật Hình sự ghi rõ: Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Như vậy, nghi can Thắng phải chịu trách nhiệm hình sự, chắc chắn phải bị truy tố và xét xử trước tòa án. Tuy nhiên, cần lưu ý, nghi can Thắng có một tình tiết giảm nhẹ là chủ động đầu thú khai báo hành vi phạm tội và nghi can Thắng đang ở độ tuổi vị thành niên, nên khi xử lý cần phải dựa trên các quy định khác của pháp luật áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. 

Điều 69. Bộ luật Hình sự:  Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội –đã quy định: 1. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. 2. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. 3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

Chính sách đối với người chưa thành niên trong lĩnh vực hình sự chủ yếu liên quan đến năng lực chịu trách nhiệm hình sự, mục đích áp dụng trách nhiệm hình sự nặng về giáo dục, giúp họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh để họ trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội chứ không nặng về trừng phạt. Đây là nguyên tắc bao trùm mang tính chất chỉ đạo, thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam lấy giáo dục làm nền tảng, trọng tâm trong quá trình xử lý vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên.

 Trong quá trình xử lý và áp dụng biện pháp hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, những người tiến hành tố tụng phải cân nhắc thận trọng để bảo đảm được mục đích giáo dục, uốn nắn, răn đe các hành vi lệch lạc, làm cho họ thấy rõ những sai phạm của mình và tự giác sửa chữa với sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường và xã hội. Nguyên tắc này đòi hỏi người tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên phải thấy được rằng việc xử lý hình sự là vì sự phát triển lành mạnh của người chưa thành niên và mức độ xử lý phải đảm bảo sự phát triển lành mạnh của người đó. Điều này thể hiện rõ trong các quy định từ Điều 69 đến Điều 77 của Bộ luật Hình sự.

Áp dụng đúng điều khoản này, xem xét điều kiện sống, nhận thức về tội phạm của nghi can cũng như tình tiết giảm nhẹ do đầu thú khai báo tội phạm, theo chúng tôi không cần cách ly tội phạm ra khỏi cộng đồng mà nên có mức án treo hoặc giáo dục tại cộng đồng là thích hợp. 

Luật sư Nguyễn Văn Hướng
 (Đoàn Luật sư Hà Nội)