Trâu ăn lúa hàng xóm, bị nhiều người đuổi đánh, rồi xẻ thịt chia nhau

ANTD.VN - Ông Đinh Quốc T (SN 1963) cùng một số người trong xóm thường thả trâu lên núi ăn rồi đến chiều mới tìm trâu về. Một lần, ông T lên núi tìm trâu thì không thấy, do trời tối nên ông đành đi về. Sáng hôm sau gia đình ông T nhờ nhiều người cùng đi tìm thì phát hiện con trâu đã bị kẻ gian xẻ thịt. 

Nội dung vụ việc

Kết quả điều tra của cơ quan công an cho thấy, Hoàng Chí Q (SN 1979) cùng đồng phạm (15 người) cho rằng trâu bò thường xuyên xuống ruộng phá hoại hoa màu, nên khi phát hiện con trâu của ông T ăn lúa, Q cùng 15 người đã đuổi đánh trâu chết trên núi, cách ruộng lúa 200m, rồi cùng xẻ thịt chia nhau đem về nhà sử dụng. Con trâu được định giá là 30 triệu đồng.

Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này là Hoàng Chí Q cùng đồng phạm đã phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội Hủy hoại tài sản 

Theo tôi, Hoàng Chí Q và đồng phạm trong vụ việc này đã phạm tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015. Do bực tức vì cho rằng trâu của ông Đinh Quốc T thường xuyên phá hoại hoa màu nên khi phát hiện con trâu tiếp tục xuống ăn lúa, Hoàng Chí Q cùng 15 người đã đánh chết trâu. Con trâu được định giá 30 triệu đồng, là tài sản của gia đình ông T nên việc Q và đồng phạm giết con trâu, tôi cho rằng có dấu hiệu của tội Hủy hoại tài sản. Khi con trâu chết thì tội Hủy hoại tài sản đã hoàn thành.

 Nguyễn Thị Thuý (Đông Hà - Quảng Trị) 

Trộm cắp tài sản

Theo nội dung vụ việc có thể thấy, Hoàng Chí Q và đồng phạm đã có hành vi lén lút giết con trâu, sau đó cùng xẻ thịt rồi chia nhau đem về nhà sử dụng. Tôi cho rằng đây là hành vi chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu trâu là ông Đinh Quốc T. Việc Q và đồng phạm lùa con trâu lên núi cách ruộng lúa 200m khiến cho chủ của trâu không thể tìm thấy nó, và trâu cũng không thể tự về với chủ là hành vi lén lút để chiếm đoạt nên tội trộm cắp tài sản đã hoàn thành từ lúc này. Còn việc sau khi trâu chết, Q và đồng bọn xẻ thịt đem về ăn, tôi cho rằng đây là hành vi sử dụng tài sản đã lấy trộm được.

Nguyễn Toàn Thắng (Đoan Hùng - Phú Thọ)

Phạm một lúc 2 tội

Tôi cho rằng trong vụ việc này Hoàng Chí Q và đồng phạm đã đồng thời phạm một lúc cả 2 tội. Ban đầu khi Q cùng 15 người cùng nhau đuổi đánh con trâu chết trên núi cách ruộng lúa khoảng 200m thì đó là tội Hủy hoại tài sản. Nhưng khi trâu chết rồi, về nguyên tắc nguồn thịt của nó vẫn thuộc quyền sở hữu của chủ là ông Đinh Quốc T. Việc Q và 15 người khác nổi lòng tham lén lút xẻ thịt mang về tiêu thụ là Trộm cắp tài sản. Tức là các hành vi của Q cùng đồng phạm chia ra làm 2 giai đoạn tiếp nối nhau nhưng hoàn toàn độc lập: Hủy hoại tài sản (đuổi đánh con trâu chết) và Trộm cắp tài sản (xẻ thịt mang về tiêu thụ). Vì vậy theo tôi phải xử Hoàng Chí Q đồng thời cả 2 tội mới không bỏ lọt tội phạm.

Vũ Anh Tú (Ba Đình - Hà Nội)

Bình luận của luật sư

Theo chúng tôi hành vi của Hoàng Chí Q và đồng phạm đã có dấu hiệu của tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể trong cấu thành tội phạm của tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định như sau:

Về chủ thể của tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản: Phải là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự, người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 1 và 2 của Điều luật, vì 2 khoản này chỉ là tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, nhưng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 3 và khoản 4 của Điều luật vì 2 khoản này là tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Về khách thể của tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản: Không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu.

Về mặt khách quan của tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản: Hành vi khách quan: Làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng không thể khôi phục lại được và như vậy toàn bộ giá trị tài sản không còn như lúc ban đầu. Làm hư hỏng tài sản: Làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản và giá trị sử dụng bị giảm đó có thể khôi phục được (có thể khôi phục lại như cũ, nhưng có thể chỉ khôi phục lại được một phần).

Hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau tùy thuộc vào thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện như: Đốt cháy, đập phá, dùng thuốc nổ, dùng chất độc, hóa chất hoặc lợi dụng thiên tai để hủy hoại tài sản... Hậu quả là yếu tố bắt buộc phải có ở tội này, nếu chưa có hậu quả xảy ra thì chưa cấu thành tội phạm và tội phạm này cũng không có giai đoạn phạm tội chưa đạt và chuẩn bị phạm tội. Hậu quả nghiêm trọng do hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản gây ra là những thiệt hại về thể chất, tinh thần, nếu là thiệt hại về vật chất thì những thiệt hại này không phải là thiệt hại về tài sản do hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng trực tiếp gây ra. 

Về mặt chủ quan của tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản: Người phạm tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Nghĩa là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra, hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Người phạm tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau như: để trả thù, vì ghen tuông... nhưng chủ yếu là vì tư thù. Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, mà nó chỉ có ý nghĩa trong việc xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm.

Trở lại nội dung vụ việc, căn cứ theo những tình tiết của vụ việc có thể thấy hành vi của Q và các đồng phạm đã phù hợp với các yếu tố cấu thành của tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như đã nêu trên. Cụ thể khi phát hiện con trâu của ông Đinh Quốc T xuống ruộng ăn lúa, Q cùng 15 người đã đuổi đánh trâu. Hậu quả khiến con trâu của ông T có giá trị 30 triệu đồng bị chết trên núi cách ruộng lúa khoảng 200m.

Q cùng các đồng phạm trong vụ việc này đã thực hiện hành vi đánh chết trâu của ông T với lỗi cố ý xuất phát từ động cơ để trả thù vì cho rằng trâu bò của ông T thường xuyên xuống ruộng ăn lúa, phá hoại hoa màu. Vì vậy, hành vi của Q và đồng phạm đã đủ yếu tố để cấu thành tội Hủy hoại tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015. Trong vụ việc này, theo chúng tôi Q và đồng phạm không phạm phải một lúc 2 tội là Hủy hoại tài sản và Trộm cắp tài sản.

Bởi về nguyên tắc, 1 hành vi không thể truy tố 2 tội và hậu quả tới đâu thì xử lý tới đó. Việc Q và đồng phạm đuổi và giết trâu nhà ông T là do bực tức, muốn trả thù cho chuyện lúa nhà thường xuyên bị trâu phá nên chỉ phạm tội hủy hoại tài sản. Việc sau đó Hoàng Chí Q cùng đồng phạm xẻ thịt trâu mang về sử dụng không cấu thành thêm tội Trộm cắp tài sản.

Luật sư Phạm Thái Sơn Văn phòng luật sư Sơn Phạm