Tràn lan kênh YouTube nhảm: Càng kệch cỡm view càng cao, hệ lụy khó lường

ANTD.VN - Hiện nay, các kênh YouTube "bà Tân Vlog", "Tam Mao TV", "Ẩm thực Tam Mao", "NTN Vlog"... đang là tâm điểm, thu hút hàng triệu người theo dõi. Đáng chú ý, các kênh này đều có nội dung khá đơn thuần, phô trương, thậm chí là nhảm nhí, không truyền tải được giá trị thông điệp cuộc sống nhưng lại có số lượng người đăng kí theo dõi ngày càng tăng. Nhiều kênh YouTube còn núp dưới dạng hoạt hình dành cho trẻ nhỏ, nhưng nội dung thì "người lớn", mang lại hệ lụy khó lường đối với con trẻ. 

Nội dung hời hợt, nhảm và độc hại

Thực tế cho thấy, bên cạnh những kênh YouTube hài hước có nội dung nhân văn, ý nghĩa thì nhiều kênh YouTube có nội dung quá đơn giản, hời hợt, kệch cỡm, độc hại lại đang là tâm điểm thu hút mọi người, số "view" không ngừng gia tăng.

Kênh YouTube của Bà Tân Vlog vừa lọt vào danh sách top 3 kênh lên “sub” (subscribers - người đăng ký theo dõi) nhanh nhất thế giới trên YouTube trong 24 giờ. Theo đó, chỉ 20 ngày sau khi đăng tải video, kênh “Bà Tân Vlog” đã đạt được 1 triệu đăng kí. Mặc cho những nội dung trong video của bà Tân khá hời hợt, đơn giản, pha trò nhưng số lượng người đăng kí vẫn tăng chóng mặt.

           Bà Tân cùng cậu con trai xuất hiện trong vlog với các món ăn “khổng lồ” thu hút hàng triệu lượt xem

Theo Báo Lao động, kênh YouTube "Bà Tân Vlog" được lập từ ngày 7-2-2019 nhưng đến đầu tháng 5 mới chính thức đăng tải video đầu tiên. Đến ngày 26-5, kênh của "Bà Tân Vlog" đã đạt gần 1,2 triệu lượt theo dõi. Chỉ sau hơn 20 ngày, kênh YouTube này đã đạt tổng hơn 47 triệu lượt xem. Trong các video, bà Tân đều gây ấn tượng mạnh với người xem bằng việc làm những món ăn siêu cay, khổng lồ như: trà sữa khổng lồ, cá viên chiên khổng lồ, cơm sườn siêu cay khổng lồ. Các câu chào của bà Tân đang trở thành xu hướng của dân mạng: "Bà chào các cháu nhá", "Các cháu có thấy bà ngầu không?", "Cuộc đời bà gần 60 nồi bánh chưng rồi"...

Nguyên nhân giúp kênh “Bà Tân Vlog” nhảy bước nhanh chóng trên bảng xếp hạng chính là nhờ cậu con trai của bà. Theo đó, bà thường xuất hiện trong các vlog của cậu con trai. Con trai bà Tân là một vlog có triệu người theo dõi trước đó. Do vậy, kênh “Bà Tân Vlog” ra đời nhanh chóng thu hút hàng triệu người đăng kí theo dõi, dù cho nội dung không có ý nghĩa truyền tải thông điệp cuộc sống. Đây cũng chính là cách kiếm tiền trên YouTube.

Tương tự hai kênh “Ẩm thực Tam Mao” và “ Tam Mao TV” nội dung đơn giản, không mang giá trị thông điệp cuộc sống hay bài học ý nghĩa, nhưng cũng thu hút rất đông người đăng kí theo dõi.

Các clip xoay quanh hai nhân vật chính là Mao đệ đệ và Mao đại ca. Nội dung khá đơn thuần, thậm chí, có clip còn quay cảnh chặt trộm chuối, đu đủ, đập phá máy móc, ăn uống chim quý hiếm, phóng xe máy không đội mũ bảo hiểm…. Nhờ số lượng người theo dõi kênh lên đến hàng triệu người, thu nhập qua YouTube của hai anh em ước tính lên đến hàng trăm triệu đồng một tháng.

         Anh em Tam Mao trong các video YouTube thu hút hàng triệu lượt xem

Kênh nhảm nhiều như “nấm mọc sau mưa”

Năm 2018, dân mạng rộ trò hưởng ứng những trào lưu thách thức trong các video YouTube.

Điển hình, trong một video, nam thanh niên đã quăng chiếc mũ bảo hiểm từ tầng 81 một toà nhà ở TP.HCM xuống đất. May mắn, chiếc mũ bảo hiểm vỡ tan trên lề đường, không làm ai phía dưới bị thương. Có một dòng chữ cảnh báo ở đầu video rằng mọi người không nên làm theo. Tuy nhiên rõ ràng video này không đưa lại giá trị thông điệp gì ngoài sự nhảm nhí, câu view. Đến ngày 5-10-2018, nội dung này đã bị xóa khỏi YouTube.

Theo báo Thanh niên, một tài khoản YouTube NTN Vlogs (chủ nhân là N.T.Nam) từng khiến người xem thót tim khi anh này đăng video “Thử làm nhà trên không”Căn nhà có khung sắt, vỏ bằng gỗ, sơn màu vàng, cheo leo giữa không trung, cách mặt đất gần chục mét chỉ được nâng đỡ duy nhất bằng một chiếc cột thẳng đứng.

          Tài khoản YouTube tên Nam đang trong căn nhà khung sắt cách mặt đất chục mét chỉ được nâng bằng một chiếc cột thẳng đứng vô cùng nguy hiểm

Nam trèo thang lên căn nhà như tổ chim trên cao, sau đó đẩy thang ra xa, một mình ngồi trong căn nhà chơ vơ giữa trời và nói chuyện với các khán giả qua chiếc máy quay. "Tôi sẽ còn làm video thử thách 24 giờ sống ở trong căn nhà này", anh giới thiệu trong video. Video thu hút hơn 4 triệu lượt xem sau 2 tuần. Nhiều bình luận chê trách Nam quá liều lĩnh khi tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm. Bên cạnh đó, nhiều bình luận còn châm biếm khi “khen ngợi” tinh thần dũng cảm, "biết hy sinh vì nghề nghiệp" của Nam.

Bảo vệ con trẻ thế nào?

Các video trên YouTube không chỉ đơn thuần là đăng với mục đích giải trí mà còn với mục đích lợi nhuận. Bởi “cơ chế mở” nên việc kiếm tiền trên YouTube cũng rất dễ dàng với những người “sành” công nghệ. Nhiều người xem đồng nghĩa với việc các YouTuber sẽ kiếm được nhiều tiền, do đó, nhiều người đã không ngần ngại làm ra các video nhảm nhí, độc hại nhằm câu view.

           Nhiều kênh YouTube mang hình ảnh và nội dung tục tĩu, trẻ em dễ dàng truy cập

Theo báo Dân trí, các bậc cha mẹ muốn bảo vệ con mình khỏi những điều nguy hiểm trên mạng, không gì tốt hơn là dành thời gian bên cạnh chúng. Chính cha mẹ mới là những người cần phải giám sát các hoạt động của con trên Youtune nói riêng và trên mạng xã hội nói chung, bởi lẽ không chỉ Youtube mà các nội dung nguy hại, không phù hợp với trẻ đang được chia sẻ tràn lan trên các trang mạng xã hội ngày nay. Phụ huynh cần biết được trẻ đã tiếp xúc với những nội dung nào trên Internet để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Quan trọng nhất vẫn chính là việc phụ huynh dành nhiều thời gian hơn cho con em của mình để giúp trẻ có thể khám phá cuộc sống thông qua thế giới và trải nghiệm thực tế, hơn là nhìn ngắm thế giới thông qua màn hình smartphone hay TV.

Theo báo Tuổi trẻ, để mỗi đứa trẻ có thể tự chọn các video tốt, những nội dung hướng thiện và phù hợp, các phụ huynh không chỉ phải biết và xem cùng con mình mà còn tránh là các tác nhân phát tán, lây nhiễm nữa. Để yên tâm hơn,  nhiều phụ huynh cài ứng dụng YouTube Kids, một ứng dụng được cho chỉ tuyển lựa các nội dung phù hợp với trẻ em. Cùng với đó, các bậc làm cha mẹ nên hướng dẫn con cách truy cập mạng sao cho an toàn, tránh những thông tin nhảm nhí và có nội dung tục tĩu, độc hại.