Tín dụng đen bủa vây khiến nhiều người "sập bẫy"

ANTD.VN - Cưỡng ép cho vay với lãi suất cao, sẵn sàng hành xử như xã hội đen, cưỡng đoạt tài sản trắng trợn là những hành động của các đối tượng cho vay tín dụng đen. Mặc dù, đã có rất nhiều đối tượng bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý vì cho vay tín dụng đen nhưng cứ như đến hẹn lại lên, càng vào dịp cuối năm, thị trường tín dụng đen lại sôi động và nhộn nhịp hơn bất cứ lúc nào. Và đằng sau những lời ngọt ngào “cho vay không cần thế chấp, chỉ cần CMND, hộ khẩu, giao tiền tận nơi”… đã khiến nhiều người “sập bẫy” nhận “quả đắng” chỉ vì nghe theo “ngân hàng cột điện”.

Những “con mồi” ngon của tín dụng đen

Theo thông tin trên báo TPO, chỉ cần dạo qua vài con phố ở Hà Nội, người ta dễ dàng nhìn thấy những tờ rơi quảng cáo hấp dẫn, như “cho vay tiền không cần thế chấp tài sản”, “cho vay tiền thủ tục nhanh gọn”... Còn nếu gõ Google tra cứu từ khoá “vay tiền”, sẽ hiện ra một loạt website quảng cáo “cho vay tiền, thủ tục nhanh gọn, nhận tiền trong tích tắc”.

Tín dụng đen bủa vây khiến nhiều người "sập bẫy" ảnh 1 

Những “ngân hàng cột điện” mọc lên như nấm sau mưa khiến nhiều người “sập bẫy”

Vào vai 1 người đang cần vay tiền, phóng viên đã liên hệ tới vài số điện thoại trên tờ rơi dán ở đường phố và trên mạng internet như 09135xxx…, 08641xxx…, 090551… Theo lời giới thiệu từ các số điện thoại này, người vay tiền chỉ cần một số giấy tờ như giấy đăng ký xe máy, ô tô, giấy phép lái xe, CMND… là lập tức được cho vay tiền.

Nếu vay dưới 10 triệu đồng, lãi suất sẽ dao động từ 5.000 đến 6.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Nếu với số tiền từ 30 triệu đồng trở lên sẽ có lãi suất từ 4.000 đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Mức lãi suất còn được áp dụng với thời hạn vay, nhưng thường không quá 50 ngày. Nếu quá hạn, người vay sẽ bị tính lãi suất “cắt cổ” hoặc sẽ có “luật” xử phạt.

Chiêu thức hoạt động của tín dụng đen rất tinh vi chúng thường xây dựng một hệ thống “chân rết” dày đặc, chỉ mất vài phút là có thể biết được hoàn cảnh kinh tế của đối tác. Chính vì thế, người vay được ít, người vay được nhiều… đều phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình mà các đối tượng đã rõ mười mươi qua hệ thống chân rết. Học sinh, sinh viên ham mê lô đề, cá độ cũng là những “con mồi ngon” mà đối tượng tín dụng đen nhắm tới.

Lãi suất khủng: 360%/năm

Giữa năm 2018, Công an tỉnh Đắk Lắk và Công an TP Buôn Ma Thuột triệt phá nhóm đối tượng từ Hải Phòng vào Đắk Lắk, núp bóng tổ chức hỗ trợ tài chính. Băng nhóm này đã cho hơn 260 hộ dân vay với lãi suất lên đến 30%/tháng, tương đương 360%/năm. Nhiều người chậm trả nợ thì bị chúng đến đe dọa, cưỡng đoạt tài sản.

Cho vay như… cướp giật

Bà Nguyễn Thị B ngụ tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, là một trong hàng trăm nạn nhân của nạn cho vay nặng lãi. Bà B kể: Chồng tui bệnh nặng phải chuyển viện lên TPHCM điều trị. Ði vay khắp xóm cũng chỉ được vài triệu bạc. Thấy cái quảng cáo cho vay dán trên cột điện (người dân quen gọi là ngân hàng cột điện) nên điện thoại cho người ta hỏi vay. Tôi cho địa chỉ, và chưa đầy một tiếng sau, một thanh niên xăm trổ đầy mình chở theo một cô gái xách tiền tới. Sau khi coi giấy CMND và sổ hộ khẩu xong họ kêu tôi ký vào tờ giấy vay 10 triệu đồng. Tuy nhiên tôi chỉ nhận được 8 triệu 2 trăm ngàn với lời giải thích: Tiền “giấy tờ thủ tục” hết 1 triệu đồng, hoa hồng cho con em 4 trăm ngàn, và 4 trăm ngàn còn lại là thu tiền góp lần đầu. “Hợp đồng tín dụng” mà bà B vay còn buộc bà phải trả góp hàng ngày 400 ngàn đồng, trong vòng 60 ngày, nhưng nếu chậm 3 ngày trở lên thì quay lại từ đầu. Quả thật là cho vay như… cướp giật!

Tín dụng đen bủa vây khiến nhiều người "sập bẫy" ảnh 2 

Lợi dụng nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, “các ngân hàng cột điện” cắt cổ với giá cao gấp nhiều lần

Một nạn nhân khác, bà Ðặng Ngọc H, ngụ tại Mỹ Tho, Tiền Giang cho biết bà vay của “ngân hàng cột điện” 20 triệu đồng, và cũng với thủ đoạn tương tự như trên, bà mất đứt 18% ngay khi ký nhận tiền. Tuy nhiên do làm ăn khó khăn bà không kịp trả nợ đúng theo thỏa thuận, nhóm cho vay đã xách cả hung khí đến nhà bà dằn mặt. Sợ ảnh hưởng đến tính mạng, bà H phải cắn răng vay mượn để trả lãi mỗi ngày 1 triệu đồng.

Các băng nhóm giang hồ cho vay nặng lãi thường nhắm vào người lao động nghèo, giới cờ bạc, những người thiếu thông tin sống ở vùng sâu, vùng xa… để cho vay. Lý do hết sức đơn giản là những đối tượng này đều khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng.

Đòi nợ theo kiểu xã hội đen

Theo thông tin trên báo LĐO, theo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” có những diễn biến phức tạp, hoạt động với chiêu thức tinh vi, xảo quyệt dưới dạng các ổ nhóm côn đồ, công ty "thu hồi nợ", lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp để hoạt động phạm pháp.

 

Đối tượng Lê Thị Quý

Đơn cử, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) vừa điều tra khám phá vụ án “cưỡng đoạt tài sản” liên quan đến tín dụng đen.

Khoảng giữa năm 2016, chị T (quận Bắc Từ Liêm) có vay của Lê Thị Quý (SN 1982, Ứng Hòa, Hà Nội), chủ cơ sở kinh doanh “Tài chính H.T.Q" tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông, 20 triệu đồng, lãi suất 4.000 đồng/triệu đồng/ngày, thu lãi 10 ngày 1 lần. Đến đầu năm 2017, vì không có khả năng chi trả nên chị T không trả được tiền lãi và gốc cho Quý.

Ngày 6-6-2018, Quý cử các nhân viên tên Sơn, Tú và Tâm đi tìm các con nợ để đòi tiền. Khi gặp chị T và 2 con trai đang đứng chờ xe buýt trên đường, các đối tượng "ép" chị T về cửa hàng “nhận nợ”.

Tại đây, Quý đưa chị T 2 mẫu giấy (vay tiền và mua bán cho tặng xe), "ép" chị T ký và điểm chỉ. Xong xuôi, các đối tượng bắt chị T mở túi kiểm tra tài sản, trong túi chị T có 11 triệu đồng. Quý đã thu 8 triệu đồng của chị T cùng giấy tờ như CMTND, sau đó mới cho chị T và 2 con ra về.

Ngày 12-6, chị T đã đến CA quận Hà Đông trình báo sự việc. CA quận Hà Đông đã kiểm tra hành chính cơ sở của Lê Thị Quý và yêu cầu các đối tượng về trụ sở công an làm việc. Tại cơ quan Công an, Quý và 3 nhân viên đã khai nhận hành vi cưỡng đoạt tài sản của chị T.

Trước đó, đầu tháng 1-2018, CA quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã bắt giữ Hứa Văn Huyên (SN 1976, trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Hoàng Văn Hưng (SN 1984, quê Quảng Ninh) về hành vi “Hủy hoại tài sản”, khi các đối tượng này ném chất bẩn vào cửa hàng kinh doanh quần áo tại phố Hàng Gà (quận Hoàn Kiếm) để “khủng bố” tinh thần chủ cửa hàng, nhằm mục đích đòi nợ.

Ngoài ra, để đòi được nợ các đối tượng còn sai “đàn em” đổ chất bẩn, chất thải vào nhà dân, gia đình “con nợ” để đe dọa, buộc phải trả tiền. Có trường hợp đối tượng đem cả quan tài, vòng hoa, dán cáo phó… để gây sức ép, khủng bố tinh thần người vay nợ...