Tiểu đường thai kỳ dễ tiến triển thành tiểu đường: Làm sao để ngăn chặn?

ANTD.VN - Theo các chuyên gia y tế, 50% số người đã bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao mắc tiểu đường tuýp 2 vào 5-10 năm sau đó. Do vậy, những người này cần tiến hành theo dõi đường huyết sau sinh thường xuyên để tránh gặp phải những hậu quả đáng tiếc.

Một bài viết trên VTV cho biết, theo các bác sĩ chuyên khoa, những năm gần đây, tỷ lệ tiểu đường thai kỳ cả trên thế giới lẫn tại Việt Nam đều tăng nhanh, trung bình có 16% phụ nữ mang thai trên thế giới mắc tiểu đường thai kỳ. Tại Việt Nam, con số này còn cao hơn, lên đến 20% (trung bình cứ 5 thai phụ thì có 1 người mắc tiểu đường thai kỳ).

Vì sao phụ nữ mang thai dễ mắc tiểu đường?

Phụ nữ mang thai dễ mắc tiểu đường thai kỳ do tác động của các hormone

Trên Vnexpress, Tiến sĩ Trần Nhật Thăng, Trưởng đơn vị Chẩn đoán trước sinh, Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết, nguyên nhân gây bệnh tiểu đường ở người bình thường là do tuyến tụy không sản xuất, hoặc sản xuất không đủ insulin. Còn tiểu đường thai kỳ là bệnh lý thoáng qua ở phụ nữ có thai, do tác động của các hormone kích thích được sản xuất ra từ bánh nhau trong giai đoạn hình thành bào thai. Những hormone này chính là tín hiệu kích thích chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ truyền sang thai nhi, đồng thời làm cho bà bầu thèm ăn thực phẩm chứa nhiều đường. Vì lý do này mà nhiều phụ nữ có lối sống lành mạnh và ăn uống hợp lý trước khi mang thai, nhưng đến khi bước vào thai kỳ lại muốn ăn nhiều đồ ngọt hoặc các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.

Bệnh lý tiểu đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, mà còn để lại nhiều hậu quả trên thai nhi

Bệnh lý tiểu đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, mà còn để lại nhiều hậu quả trên thai nhi, thậm chí kéo dài đến khi đứa bé trưởng thành. Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ dễ bị đa ối, sảy thai, sinh non, cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật, nhiễm trùng thận, quá trình chuyển dạ kéo dài, sinh khó, sang chấn và băng huyết sau sinh, rối loạn đường huyết dẫn tới hôn mê. Bệnh còn làm gia tăng tỷ lệ dị tật thai, rối loạn tăng trưởng (thai quá to hoặc quá nhỏ). Thai quá to có thể gặp phải các sang chấn lúc sinh như trật khớp vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay. Thậm chí thai có thể chết lưu đột ngột do đường huyết tăng quá cao mà không có dấu hiệu báo trước.

Sau khi chào đời, trẻ sơ sinh có mẹ bị tiểu đường thai kỳ dễ bị suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ canxi, vàng da. Các bé này có nguy cơ cao mắc bệnh béo phì, cao huyết áp, tim mạch khi trưởng thành.

Ngăn chặn tiểu đường thai kỳ tiến triển thành bệnh tiểu đường

Thông tin trong một bài viết trên Báo Dân trí cho biết, theo các chuyên gia y tế, tuy chỉ có 5% đến 10% các bà mẹ mắc tiểu đường thai kỳ sẽ bị tiểu đường tuýp 2 ngay sau sinh, nhưng có đến 50% những người được chuẩn đoán tiểu đường thai kỳ sẽ mắc tiểu đường tuýp 2 trong vòng từ 5 đến 10 năm sau đó. Điều này thực sự rất nguy hiểm. Bởi nó gây ra tâm lý chủ quan cho người bệnh.

Đa phần phụ nữ sau sinh cho rằng mình đã khỏi bệnh, và họ lãng quên việc kiểm tra đường huyết những năm sau đó. Hậu quả là, nhiều trường hợp phát hiện ra bị tiểu đường (trong những tình huống rất tình cờ ví dụ khi đi khám một bệnh khác) thì đã có dấu hiệu tổn thương của các biến chứng.

Sự can thiệp phù hợp sẽ giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 cho người bị tiểu đường thai kỳ

Các chuyên gia cũng phân tích, nếu người bị tiểu đường thai kỳ theo dõi và phát hiện từ giai đoạn tiền tiểu đường sẽ cho phép thực hiện các biện pháp can thiệp phù hợp giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2.

Ở những trường hợp đã bị tiểu đường rồi, việc phát hiện sớm cũng giúp cho người bệnh có các biện pháp phù hợp nhằm kiểm soát tốt đường huyết. Từ đó làm giảm các nguy cơ tổn thương cơ quan đích như mắt, chân, não, thận…

Ngoài ra, việc sàng lọc tiểu đường tuýp 2 cũng giúp giảm hậu quả của tiểu đường thai kỳ ở những lần mang theo tiếp theo như tử vong chu sinh, dị tật bẩm sinh, tăng huyết áp, sinh non, thai to, hạ đường huyết sau sinh…

Theo khuyến cáo của hiệp hội tiểu đường Canada, phụ nữ được chuẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ cần khám sàng lọc tiểu đường tuýp 2 ở những mốc thời gian sau:

- Trong vòng 6 tuần hoặc 6 tháng sau sinh

- Trước khi mang thai những lần tiếp theo

- 3 năm một lần hoặc thường xuyên đối với những trường hợp có yếu tố nguy cơ khác của bệnh tiểu đường tuýp 2.

Các bà mẹ bị tiểu đường cần kiểm soát lượng đường huyết bằng cách có chế độ ăn uống hợp lý

Bên cạnh đó, các bà mẹ bị tiểu đường cũng cần kiểm soát lượng đường huyết bằng cách có chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo tuân thủ theo những nguyên tắc như sau để tránh tăng đường huyết, giảm liều thuốc cần sử dụng, ngăn chặn và làm chậm sự xuất hiện của các biến chứng, kéo dài tuổi thọ:

- Chia khẩu phần thành nhiều bữa trong ngày để không làm tăng đường huyết sau khi ăn.

- Ăn uống điều độ, đúng giờ, không nên để quá đói và cũng không ăn quá no.

- Không nên thay đổi quá nhanh, nhiều cơ cấu cũng như khối lượng các bữa ăn.

Ngoài ra người bệnh không nên lười vận động, ngồi một chỗ quá nhiều. Cần dành khoảng 30 - 45 phút để tập thể dục mỗi ngày, chơi các môn thể thao phù hợp với sức khỏe, đây cũng được xem là phương pháp rất tốt giúp hạn chế các biến chứng của bệnh tiểu đường.