Thuê thám tử theo dõi hoạt động người khác có vi phạm pháp luật?

ANTĐ - Do nghi ngờ chồng mình ngoại tình nên bà Dương Thị L (52 tuổi) đã nhờ Nguyễn Thị M, Nguyễn Anh T theo dõi, chụp ảnh chồng mình để làm bằng chứng. Bà L đưa cho M số tiền 25 triệu đồng để trả công.

Thuê thám tử theo dõi hoạt động người khác có vi phạm pháp luật? ảnh 1

Nhóm M và T đã rủ thêm Nguyễn Văn D, Nguyễn Thị Thu T, Nguyễn Văn H cùng tham gia. 5 ngày sau, bà L hứa sẽ thưởng thêm nếu nhóm này làm xong việc sớm. Để khỏi mất thời gian theo dõi, M khởi xướng việc dụ chồng bà L đến nhà nghỉ, dàn xếp giống một vụ đánh ghen để chụp ảnh lấy bằng chứng.

M lấy tên giả là H, liên lạc với chồng bà L để nhờ xin việc vào một khu công nghiệp. Sau nhiều lần nhắn tin qua lại, chồng bà L đã rủ cô gái mới quen đến một nhà nghỉ để nói chuyện. Thấy “con mồi” sập bẫy, M liền nhắn tin đồng ý. Sau đó M đã nói với T (đóng vai H) đến nhà nghỉ trước rồi nhắn tin báo cho chồng bà L. Cô ta cùng đồng bọn thuê taxi ngồi phục ở khu vực đối diện. Một lúc sau, thấy người đàn ông đến, M yêu cầu H và D đi theo lên phòng để đánh ghen.

Sau khi đạp cửa xông vào phòng, H và D hành hung, đánh đập khiến nạn nhân bị đa chấn thương và bất tỉnh. Trước khi lên taxi bỏ đi, nhóm côn đồ gọi điện thông báo việc vừa làm cho bà L. Một ngày sau, chồng bà L đã bị tử vong.

Vấn đề cần trao đổi là liên quan đến cái chết của chồng trong vụ việc này bà L có phạm tội hay không, nếu phạm tội phạm tội gì? Giống như hành vi của bà L, hiện nay việc nhiều người thuê công ty thám tử để theo dõi hoạt động của người khác có vi phạm những quy định của pháp luật hay không?

 Ý kiến bạn đọc :

Bà L đồng phạm tội giết người

Trong vụ việc này, những đối tượng được bà L thuê để theo dõi chồng mình đã hành hung, đánh đập nạn nhân là một người không quen biết bị đa chấn thương, bất tỉnh và hậu quả sau đó là tử vong. Hành vi này của các đối tượng thể hiện một thái độ côn đồ, bất chấp pháp luật và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Theo tôi các đối tượng phải bị xử lý về hành vi giết người theo điều 93 - Bộ luật Hình sự.

Bà L tuy không trực tiếp tham gia và việc hành hung, đánh đập dẫn đến cái chết của chồng mình, nhưng lại là người khởi xướng ra vụ việc. Thậm chí bà L còn khuyến khích hành vi của nhóm đối tượng này bằng việc thưởng thêm tiền. Hành vi này của bà L đã gián tiếp tiếp tay cho việc các đối tượng hành hung dẫn đến cái chết của chồng mình. Vì vậy bà L cũng phải bị truy tố về tội giết người.

Trần Gia Linh (TP Việt Trì - Phú Thọ)

Bà L không phạm tội

Theo tôi, trong cái chết của chồng mình, bà L không phạm tội. Mục đích của bà L ban đầu chỉ là thuê nhóm đối tượng theo dõi, chụp ảnh chồng mình để làm bằng chứng về việc ngoại tình. Bà L không có ý định thuê người hành hung, đánh đập chồng mình. Việc chồng bà L bị các đối tượng đánh đập, hành hung là nằm ngoài ý muốn của bà L. Bản thân bà L không hề được các đối tượng thông báo hay có thông tin gì về việc các đối tượng sẽ hành hung, đánh đập chồng mình. Do vậy tôi cho rằng trong vụ việc này bà L không phạm tội.

Đinh Quang Tiến(Q. Liên Chiểu - TP Đà Nẵng)

Bà L đồng phạm tội cố ý gây thương tích

Tôi cho rằng, các đối tượng hành hung, đánh đập chồng bà L đều không mong muốn hậu quả là cái chết của chồng bà L xảy ra. Mục đích ban đầu của các đối tượng này chỉ là đưa chồng bà L “vào bẫy” giàn xếp giống như một vụ đánh ghen để chụp ảnh lấy bằng chứng. Trong quá trình này, có lẽ vì muốn màn đánh ghen giống như thật nên các đối tượng mới tiến hành đánh đập, hành hung chồng bà L.

Trong tình huống này, các đối tượng không có mục đích tước đoạt tính mạng của chồng bà L mà chỉ có mục đích làm ông L bị thương, tổn hại về sức khỏe. Tuy nhiên hậu quả xảy ra là chồng bà L bị chết. Vì vậy các đối tượng đã vi phạm khoản 3 Điều 104 - Bộ luật Hình sự, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác với hình phạt từ 5 năm đến 15 năm tù. Bà L với vai trò thuê những đối tượng theo dõi chụp ảnh chồng mình, theo tôi cũng là đồng phạm về tội cố ý gây thương tích.

Nguyễn Đăng Dương(TP Vinh - Nghệ An)

Theo dõi người khác là vi phạm pháp luật

Theo tôi, tại Điều 38 - Bộ luật Dân sự 2005 đã có quy định thông tin riêng tư, bí mật của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, ngoại trừ trường hợp việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, hoặc được người đó cho phép. Do vậy, việc bà L thuê người bí mật theo dõi, chụp ảnh chồng mình để làm bằng chứng về việc ngoại tình là xâm phạm nghiêm trọng đến đời tư cá nhân. Việc làm này của bà L cũng như của một số công ty thám tử hiện nay chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.

Đỗ Quang Tài (Ba Vì - Hà Nội)

 Bình luận của luật sư:

1/ Bà L có liên quan đến cái chết của chồng trong vụ việc này không, nếu phạm tội thì là tội gì?

Trong vụ án này, bà L là người thuê các đối tượng Nguyễn Thị M, Nguyễn Anh T theo dõi, chụp ảnh chồng mình để làm bằng chứng ngoại tình. Như vậy mục đích của bà L không thuê các đối tượng này đánh chồng mình. Hành vi của các đối tượng Nguyễn Thị M, Nguyễn Anh T đã rủ thêm Nguyễn Thị Thu T, Nguyễn Văn H để dụ chồng bà L đến nhà nghỉ, dàn xếp giống như một vụ đánh ghen để làm bằng chứng là không đúng với mục đích và ý chí của bà L (nghi ngờ chồng ngoại tình với người phụ nữ khác).

Hơn nữa, các đối tượng còn tự ý tham gia hành hung đánh chồng bà L gây tử vong. Hành vi này của các đối tượng đã vượt quá ý chí và yêu cầu của bà L là thuê để theo dõi, chụp ảnh chồng ngoại tình (nếu có). Do đó, các đối tượng này phải chịu trách nhiệm tương ứng với hậu quả đã gây ra về tội giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 93 - BLHS.

Với những dữ liệu đã nêu trên thì bà L không đồng phạm với  nhóm đối tượng đã đánh chết chồng mình. Do đó, bà L không phạm tội giết người với vai trò là người chủ mưu.

Nếu cơ quan điều tra chứng minh được bà L đã thuê các đối tượng đánh chồng mình (có thể đánh cảnh cáo khi bắt quả tang ngoại tình) thì trong trường hợp này bà L mới phải chịu trách nhiệm về hậu quả do các đối tượng gây ra về tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp (nhận thức việc thuê đánh chồng là hành vi nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức bỏ mặc hậu quả. Do vậy, hậu quả xảy ra đến đâu phải chịu trách nhiệm tương ứng đến đó)

Căn cứ vào các dữ liệu trong trường hợp này, có thể bà L sẽ phải chịu trách nhiệm về tội không tố giác tội phạm theo Điều 314 - BLHS (Nếu sau khi sự việc xảy ra, bà L biết rõ chồng mình bị các đối tượng đánh mà không trình báo với các cơ quan pháp luật)

 2/ Hiện nay việc nhiều người thuê công ty thám tử để theo dõi hoạt động của người khác có vi phạm những quy định của pháp luật hay không?

 Theo quy định tại Điều 38 - Bộ luật Dân sự: “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý”

Theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP về hướng dẫn đầu tư thì nhà đầu tư có quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh theo quy định tại Điều 13 - Luật Đầu tư, trừ trường hợp đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực cấm đầu tư, cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 108 này quy định cấm đầu tư trong lĩnh vực thám tử, điều tra.

Như vậy, hiện nay nghề thám tử chưa pháp luật thừa nhận. Do đó, người dân phải rất thận trọng với những dịch vụ thám tử bởi những hậu quả không thể lường trước cho bản thân, gia đình và xã hội.

 Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư  Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)