Thực hiện thủ tục ly hôn thế nào khi vợ bỏ đi biệt tích?

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Vợ tôi bỏ nhà đi gần 3 năm, thi thoảng lắm cô ấy mới ghé về thăm con một lát, rồi lại đi ngay. Nay tôi muốn ly hôn mà không thể nào liên lạc được với cô ấy. Xin hỏi luật sư, tòa án sẽ giải quyết việc ly hôn của vợ chồng tôi như thế nào? Nguyễn Cao Phong (Hà Nội)

Cần xác định và có căn cứ chứng minh là vợ hoặc chồng bỏ đi nhưng không bị mất tích để giải quyết thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời:

Trường hợp của bạn, bạn cần xác định và có căn cứ chứng minh là vợ bạn không bị mất tích. Cụ thể là vẫn về thăm nhà và có thể bạn không thể liên lạc hoặc bạn liên lạc nhưng vợ bạn không nghe điện thoại. Tuy nhiên, nếu người khác biết và gọi thì vợ bạn vẫn nghe hoặc vẫn biết, vẫn gặp vợ bạn. Không chứng minh được việc đó thì rất có thể vợ bạn đã bị mất tích. Trong trường hợp mất tích thì việc ly hôn sẽ kéo dài và theo một thủ tục tố tụng khác.

Trường hợp không phải mất tích thì theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, bạn có quyền ly hôn theo Điều 56. Cụ thể: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Theo những gì bạn nêu thì rõ ràng vợ bạn đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của một người vợ và mục đích hôn nhân không đạt được. Do đó, Tòa án sẽ giải quyết việc ly hôn của vợ chồng bạn. Về thẩm quyền giải quyết được quy định tại khoản 1, Điều 39 - Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Đó là: “Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”. Như vậy là về mặt nguyên tắc, Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, nếu có thể thỏa thuận bằng văn bản thì bạn có thể yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của bạn giải quyết.

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và Cộng sự Số 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Hà Nội)

Trong khi ấy, căn cứ vào khoản 1, Điều 12 - Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi bổ sung 2013 thì: “Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú”. Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú. Còn nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.

Ngoài ra, Luật Cư trú cũng quy định, mọi thay đổi về cư trú phải được đăng ký; mỗi người chỉ được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại một nơi… Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 24 tháng phải có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú. Do đó, có căn cứ để xác định vợ bạn vẫn chưa thay đổi nơi cư trú hoặc nếu thay đổi nơi cư trú nhưng không thông báo địa chỉ nơi cư trú mới thì được coi là cố tình giấu địa chỉ. Khi đó, Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.