Nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia:

Thuận tiện, nhanh chóng, chính xác nhưng người dân vẫn chưa tự giác thực hiện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau 3 tháng thí điểm ở 5 tỉnh, thành phố lớn gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận, hiện việc nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia đã được triển khai trên cả nước. 

Có quá nhiều tiện ích từ dịch vụ này, song đến nay số người dân sử dụng dịch vụ trên vẫn rất ít ỏi.

Nâng cao hiệu lực cải cách hành chính

Sáng 1-7 vừa qua, Văn Phòng Chính phủ đã công bố bổ sung thêm năm dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, trong đó việc nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được mở rộng trên toàn quốc.

Phải khẳng định rằng, việc phối hợp giữa Cục CSGT và các đơn vị liên quan của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài Chính đã tiến hành nâng cấp và cung cấp dịch vụ thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia là một bước tiến rất lớn, để nâng cao hiệu lực cải cách thủ tục hành chính. Tất cả những sự thay đổi này đều hướng tới mục tiêu nhằm phục vụ hiệu quả, tốt nhất cho nhân dân.

CSGT nhập dữ liệu vi phạm lên Cổng dịch vụ công Quốc gia nhằm phục vụ cho việc nộp phạt trực tuyến, giúp người dân thuận tiện trong xử phạt

Trước đây, việc nộp phạt vi phạm giao thông phải qua khá nhiều bước. Sau khi nhận quyết định xử phạt bằng văn bản phải ra Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng được Kho bạc Nhà nước ủy quyền để nộp phạt, người vi phạm phải mang biên lai thu tiền được Kho bạc Nhà nước, hoặc ngân hàng cấp quay lại Đội/ phòng Cảnh sát giao thông đã ra quyết định xử phạt để nhận lại giấy tờ, hoặc phương tiện bị tạm giữ.

Sau khi triển khai nộp phạt qua cổng dịch vụ công Quốc gia, người vi phạm được phục vụ mọi nơi, mọi lúc. Việc áp dụng thanh toán trực tuyến đối với các loại thuế, lệ phí hay tiền phạt trong lĩnh vực giao thông vừa nhanh gọn, lại có thể tiết giảm được đến mức tối đa chi phí thực hiện về thời gian, thành phần hồ sơ nếu được thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia. Không chỉ tạo điều kiện tối đa cho người dân, việc nộp phạt qua cổng dịch vụ công Quốc gia còn giảm được đội ngũ nhân sự liên quan trong các thủ tục nhận tiền, ghi biên lai…

Thời gian qua, số lượng người tra cứu để thực hiện nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tương đối lớn, khoảng hơn 16.000 lượt tra cứu, thực hiện. Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT: Lực lượng CSGT toàn quốc đã đăng vào Cổng dịch vụ công quốc gia 13.000 trường hợp, trong đó 11.000 trường hợp có quyết định xử phạt. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng nộp tiền phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia còn hạn chế, mới chỉ nhận được 97 trường hợp. Đây là con số vô cùng ít so với những dữ liệu được nhập lên.

Cần thay đổi nếp suy nghĩ cũ

Trước đó, tại Hà Nội, nhằm phục vụ cho công tác thí điểm cũng như triển khai, Phòng CSGT, CATP Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn hoạt động trên đến các đơn vị thuộc Phòng; đồng thời tập trung nhập dữ liệu lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đại úy Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6 cho biết: "Trong 3 tháng thí điểm, đơn vị đã nhập khoảng gần 200 dữ liệu vi phạm của lái xe lên cổng dịch vụ công Quốc gia. Tuy nhiên, số lượng lái xe nộp phạt qua “kênh” này là không có. Chỉ có 129 tài xế đã đến trực tiếp đơn vị nộp phạt, 47 tài xế còn lại chưa nộp phạt do vẫn đang trong thời gian hẹn giải quyết.

Được đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm, cải cách hành chính, cũng như phòng ngừa tiêu cực song hiện nay số lượng người vi phạm nộp phạt giao thông qua cổng dịch vụ công Quốc gia vẫn rất ít

Đánh giá của đại diện Cục CSGT cho thấy, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên do phạm vi thực hiện thí điểm còn hẹp (chỉ phạm vi xử lý của cấp Phòng trở lên của 5 địa phương đối với xử phạt của CSGT và các đơn vị thuộc Tổng cục đường bộ của Thanh tra giao thông). Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của các đơn vị thực hiện dịch vụ còn hạn chế; tâm lý, thói quen của người dân còn e ngại khi thực hiện theo hình thức trực tuyến…

Nhiều lái xe còn chưa quen với việc nộp phạt trực tuyến, cũng như không nắm rõ các thao tác trong việc ứng dụng công nghệ mặc dù với người chưa sử dụng chỉ mất khoảng 10 phút, đã có thể hoàn thành một lệnh đăng nhập và nộp phạt thành công.

Ngoài ra, hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định hướng dẫn và các quy định hiện hành không quy định điền số điện thoại trong mẫu biên bản vi phạm hành chính. Trong khi đây là điều rất quan trọng, để cung cấp nhanh nhất thông tin cho người dân. Việc có số điện thoại hay không trên biên bản vi phạm, phụ thuộc rất lớn vào công tác vận động của CSGT với người vi phạm.

Người dân mong việc kiểm tra, nhập dữ liệu ngay từ ban đầu của CSGT phải được số hóa, hiện đại hơn nữa

Để nâng cao chất lượng phục vụ, ngày 1-7-2020, việc nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trực tuyến sẽ được mở rộng phạm vi thực hiện. Cụ thể, thực hiện trên toàn quốc đối với thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông. Đồng thời thực hiện trên toàn quốc đối với thẩm quyền xử phạt của chỉ huy cấp Đội trở lên thuộc phòng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương và các đơn vị trực thuộc Cục Cảnh sát giao thông.

Cục CSGT cũng kiến nghị các ngành, chức năng như Kho bạc Nhà nước… cần số hóa, điện tử hóa những biên bản nộp phạt giúp cho người dân và các bên liên quan dễ tra cứu, thuận tiện trong việc kiểm tra, xác minh, chuyển dữ liệu.