Thanh tra chuyên ngành ra quân, tối thiểu 50% cơ sở thực phẩm ở xã, phường bị kiểm tra

ANTD.VN - Bắt đầu từ 10-7-2019, Hà Nội chính thức triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã. Với hơn 3.000 thanh tra chuyên ngành ra quân, mục tiêu đặt ra là rất lớn…

Sau hơn 6 tháng khẩn trương chuẩn bị, đến nay Hà Nội đã đủ các điều kiện cơ bản theo quy định để tiến hành thanh tra chuyên ngành ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội nhấn mạnh mục tiêu, với một địa bàn rộng, tập trung số lượng lớn các cơ sở kinh doanh thực phẩm, việc nhân rộng mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP không chỉ cần thiết trong việc phát hiện, xử lý sai phạm mà còn huy động tối đa lực lượng chức năng cùng vào cuộc, đồng thời góp phần nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm.

Thanh tra chuyên ngành ra quân, tối thiểu 50% cơ sở thực phẩm ở xã, phường bị kiểm tra ảnh 1Hơn 3.000 thanh tra chuyên ngành ATTP sẽ tiến hành kiểm tra ở tất cả xã, phường

Tuyến quận, huyện phải kiểm tra ít nhất 25% cơ sở

TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội cho biết, trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với trường Cán bộ thanh tra Chính phủ tổ chức triển khai 35 lớp đào tạo, cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành ATTP cho trên 3.000 công chức, viên chức, phó chủ tịch, chủ tịch xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

Với lực lượng hùng hậu như vậy, mục tiêu trong đợt triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP lần này là: ở tuyến quận, huyện, thị xã phải kiểm tra được ít nhất 25% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tuyến xã, phường, thị trấn phải kiểm tra được ít nhất 50% số cơ sở theo kế hoạch.

Ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh, việc thanh tra phải minh bạch, xử phạt phải công minh và nếu cơ sở, doanh nghiệp không đồng ý kết quả thanh tra phải tiến hành xem xét, thanh tra lại. Nhằm đảm bảo hiệu quả, ông Nguyễn Khắc Hiền đề nghị các Tổ công tác, kiểm tra giám sát liên ngành của thành phố phải kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP của các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; đôn đốc tiến độ thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP của các đơn vị; tích cực hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP; duy trì đường dây liên lạc, tư vấn hỗ trợ nghiệp vụ cho các đoàn thanh tra trong những tình huống cụ thể. 

Các Tổ công tác, kiểm tra giám sát liên ngành của thành phố phải kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP của các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; đôn đốc tiến độ thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP của các đơn vị; tích cực hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP; duy trì đường dây liên lạc, tư vấn hỗ trợ nghiệp vụ cho các đoàn thanh tra trong những tình huống cụ thể.

TS Nguyễn Khắc Hiền, (Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội )

Khắc phục tình trạng nể nang hay chồng chéo trong kiểm tra

Thực tế không phải đến bây giờ Hà Nội mới bắt đầu triển khai mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP mà trước đó, từ cuối năm 2015, thành phố đã thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên quy mô nhỏ. Cụ thể, từ ngày 15-11-2015 đến 15-11-2016, Hà Nội và TP.HCM đã thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, huyện với 10 xã, phường. Trong thời gian đó, Hà Nội đã thành lập 65 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ATTP, kiểm tra được hơn 3.500 cơ sở, phát hiện 786 cơ sở vi phạm, trong đó phạt tiền 371 cơ sở, với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng. So với trước khi thí điểm, số cơ sở bị phạt tiền tăng 237% và tổng số tiền phạt tăng 240%. 

Tuy vậy, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đánh giá, trong đợt triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP này vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Đơn cử như, thời gian đào tạo lực lượng thanh tra ngắn, thiếu nhân lực, nên thanh tra viên tại các địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm. Ở tuyến xã, phường, việc thanh tra, kiểm tra vẫn còn nể nang, đôi lúc xử lý vi phạm chưa quyết liệt. Đặc biệt ở các huyện, xã, cán bộ được huy động kiêm nhiệm thanh tra chuyên ngành ATTP khi làm nhiệm vụ còn tâm lý “tình làng, nghĩa xóm”, vì đa phần các hộ kinh doanh là người quen biết nên dù phát hiện sai phạm cũng chủ yếu là nhắc nhở chứ không xử phạt. 

Rút kinh nghiệm từ đợt thí điểm ở 5 quận, huyện, lần này công tác thanh tra chuyên ngành ATTP của Hà Nội sẽ được triển khai trên toàn thành phố, với số lượng thanh tra lớn hơn nhiều lần, được đào tạo bài bản hơn. Cũng vì thế, Ban chỉ đạo công tác ATTP thành phố đề nghị tất cả  quận, huyện, xã, phường phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt. Song ngay ở những ngày đầu ra quân cũng đã xuất hiện một số vướng mắc mới, đó là nhiều cơ sở, doanh nghiệp lo ngại việc lạm quyền, máy móc trong hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP, hoặc sự chồng chéo các đoàn kiểm tra gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của người dân…

Về vấn đề này, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên yêu cầu, theo quy định của Luật Thanh tra và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc thanh tra không được trùng lặp. Đối với doanh nghiệp, thanh tra không quá 1 lần/năm, trừ trường hợp có vi phạm rõ ràng hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. 

“Sau những lần thanh tra, phải có đánh giá về những yếu tố nguy cơ cao mất ATTP. Từ đó xác định mục đích thanh tra trong những lần sau. Điều này vừa tránh tình trạng thanh tra chồng chéo, vừa bảo đảm hiệu quả công việc”, ông Nguyễn Văn Nhiên nhấn mạnh.

Quý II-2019, Hà Nội xử phạt 1.350 cơ sở, số tiền gần 5 tỷ đồng vi phạm về ATTP 

Thanh tra chuyên ngành ra quân, tối thiểu 50% cơ sở thực phẩm ở xã, phường bị kiểm tra ảnh 2

Theo Ban chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội, trong quý II-2019 vừa qua, lực lượng chức năng của thành phố đã xử phạt 1.350 cơ sở không đảm bảo ATTP, phạt hành chính gần 4,9 tỷ đồng.

Trong đó, Sở Y tế Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 70 cơ sở (29 nước uống đóng chai, 39 bếp ăn tập thể, 1 cơ sở suất ăn sẵn, 1 cơ sở kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe); trong đó có 15 cơ sở vi phạm, đã xử lý vi phạm 11 cơ sở 119 triệu đồng, đang hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm của 4 cơ sở còn lại. Sở Công Thương đã thanh kiểm tra, xử lý vi phạm 20 doanh nghiệp 311,5 triệu đồng. Sở NN&PTNT đã thanh tra, kiểm tra tại 429 tổ chức sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản, xử phạt vi phạm hành chính 27 tổ chức với hơn 171 triệu đồng…

Để làm tốt hơn nữa công tác quản lý ATTP, Hà Nội  xác định rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Một là, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, gắn trách nhiệm về ATTP của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương. Hai là, tiếp tục triển khai các chương trình, dự án, mô hình điểm về ATTP trên địa bàn. Ba là, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông kịp thời về thực trạng ATTP, nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật ATTP của các tổ chức, cá nhân. Bốn là, chú trọng thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định ATTP. Năm là, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.