Tháng "cô hồn" và những chuyện kiêng kị "dở khóc, dở cười"

ANTD.VN -Với quan niệm tháng 7 âm lịch là tháng “cô hồn” - tháng có nhiều vận hạn, đen đủi nên không ít người đã kiêng làm những việc quan trọng như xây nhà, cưới xin, mua xe…Tuy vậy, việc kiêng kị thái quá, thiếu căn cứ khoa học của một số cá nhân đã tạo ra nhiều tình huống dở khóc, dở cười.

 Từ kiêng cưới đến kiêng …đẻ

Yêu nhau được gần 5 năm, chị Đào Thanh Mai, 28 tuổi ở đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội cùng người yêu đã tính đến chuyện cưới xin. Do tháng tới người yêu chị Mai sẽ đi công tác nước ngoài 2 năm nên hai người dự định tổ chức cưới trong tháng 7 Âm lịch. Tuy vậy, khi nghe con trai nói chuyện cưới xin, bố mẹ người yêu chị lại phản đối lịch liệt.

“Lấy lý do tháng 7 là tháng “cô hồn”, bố mẹ chồng tương lai của tôi kiên quyết không cho chúng tôi tổ chức cưới cũng như đăng ký kết hôn. Trong khi đó, tháng sau người yêu của tôi phải bay rồi. Việc chúng tôi phải xa nhau 2 năm đằng đẵng không nói trước được điều gì. Bố mẹ tôi khi biết tin nhà trai phản đối đã giận dỗi, tự ái yêu cầu tôi chia tay người yêu, không cho cưới xin gì nữa” – chị Mai thở dài.

Việc đốt vàng mã vô tội vạ trong ngày Rằm tháng bảy là không nên

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, hơn 1 tuần nay gia đình anh Nguyễn Hải Cường ở khu đô thị Mỹ Đình, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội luôn trong tình trạng căng như dây đàn. Dù vợ anh Cường sắp đến ngày sinh, được bác sỹ chẩn đoán sinh mổ do ngôi thai ngược nhưng bố mẹ anh quyết không cho con dâu đến viện làm thủ tục sinh trong tháng 7 âm lịch mà yêu cầu lui lại sang tháng sau do sợ cháu sinh vào tháng “cô hồn” thì lớn lên sẽ không được thông minh, khỏe mạnh.

“Dù vợ chồng tôi đã giải thích sinh con phải theo bác sỹ chỉ định, việc trì hoãn mổ có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của cả mẹ và con nhưng bố mẹ tôi vẫn bảo thủ cho rằng, đằng nào cũng sinh mổ thì việc nhanh chậm vài ngày đâu có vấn đề gì. Điều đó khiến không khí gia đình vô cùng căng thẳng. Vợ tôi vì quá mệt mỏi đã phải về nhà ngoại tạm lánh ít ngày. Cứ tình hình này, có lẽ tôi phải đưa vợ trốn đi đẻ mất” – anh Cường chia sẻ.

Không chỉ kiêng cưới, kiêng đẻ, nhiều gia đình còn kiêng mua sắm đồ đạc, xe cộ, đồ dùng gia đình, không ký kết hợp đồng, không đi lại quá khuya,  không cắt tóc, không cho trẻ bơi lội, không phơi quần áo vào ban đêm, thậm chí có đôi vợ chồng còn kiêng cả chuyện “quan hệ”…trong tháng “cô hồn’. Lợi dụng sự yếu bóng vía của một số người, để tăng like, câu views, không ít cá nhân đã đăng tải những câu chuyện mang tín mê tín dị đoan, những điều kiêng kị, cần tránh trong tháng “cô hồn” lên mạng gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ cho mọi người. Cũng nhân cơ hội này, việc rao bán những món đồ được quảng cáo là có thể “tránh ma, trừ tà” như bật lửa, vòng đuổi ma cầu an, bùa hộ mệnh, nước trừ tà, tỳ hưu, muối…cũng diễn ra khá nhộn nhịp trên mạng xã hội.

Đừng vì kiêng kị mà đánh mất cơ hội

Về sự kiêng kị thái quá của một số người Việt trong tháng 7 Âm lịch, PGS-TS Trịnh Hòa Bình – Phó Tổng Thư ký Hội xã hội học Việt Nam cho rằng, rằm tháng 7 hay còn gọi là lễ Xá tội vong nhân trùng với lễ Vu Lan. Bản chất của ngày rằm rất nhân văn, là dịp để con cái báo hiếu, bày tỏ tình yêu thương với cha mẹ. Trong ngày này, mọi người sẽ tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn với tổ tiên và những người đã khuất.

Sở dĩ nhiều gia đình kiêng làm những việc quan trọng như cưới, hỏi, động thổ, xây nhà, cất nóc…là do tháng 7 Âm lịch là tháng mưa nhiều, thời tiết bất lợi. Tuy vậy, điều này đã bị một số cá nhân mê tín dị đoan thổi phổng lên coi tháng này là tháng “cô hồn”, từ đó “sáng tác” ra những điều kiêng kỵ nhảm nhí, khiến những người yếu bóng vía cũng tin và làm theo. Không những vậy, nhiều đối tượng còn lợi dụng điều này hòng trục lợi.

Cũng theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, đức tin là cần thiết và tâm niệm “có kiêng có lành” của người Việt cần được tôn trọng, song đó không phải là mê tín dị đoan. Không ít người chỉ vì kiêng kị đã làm mất đi cơ hội hiếm có của chính bản thân mình. Mặt khác, theo quan niệm của đạo Phật, ngày nào cũng là ngày tốt, tháng nào cũng là tháng tốt và không có ngày tháng nào xấu. Họa hay phúc chủ yếu do bản thân mỗi người mà ra, nếu chúng ta sống lương thiện, chan hòa, không làm những điều trái lương tâm, đạo đức thì không cần phải lo lắng, sợ hãi.

Thực tế cho thấy không ít phong tục tập quán, quan niệm vốn mang ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn nay đã biến tướng trầm trọng theo hướng mê tín dị đoan. “Để tránh những rủi ro không đáng có, mỗi cá nhân cần sáng suốt nhìn nhận sự việc, không nên quá kiêng kị, tin vào những điều không có cơ sở khoa học để rồi ảnh hưởng đến hạnh phúc, tương lai, sức khỏe, kinh tế của chính mình và người thân trong gia đình” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình khuyến cáo.