Tăng "sức đề kháng" cho giới trẻ trước những tác động xấu

ANTD.VN - Có một nghịch lý là trái ngược với sự chăm lo ngày càng nhiều của gia đình và xã hội, dường như thế hệ trẻ ngày nay lại có xu hướng phản kháng yếu ớt, thiếu đề kháng trước những tác động xấu của tệ nạn xã hội.

Ngày nay, dù đầu tư không ít tiền của, công sức cho con cái học hành, nhưng điều các bậc cha mẹ, thầy cô luôn lo lắng chính là con em, học trò của mình có thể sa ngã vào ma túy, nghiện game hay mắc vào những mối quan hệ yêu đương, quan hệ tình dục quá sớm... bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể nhiều người phàn nàn vì giới trẻ ngày nay ngày càng vô cảm, thích sống ảo, dễ bị lôi kéo. 

Hiện trạng nói trên đã được không ít chuyên gia cảnh báo. Nguyên nhân chính là sự mất cân bằng trong giáo dục khi học sinh hàng ngày đến trường chịu sức ép về thành tích, phải nỗ lực hết sức để có điểm số tốt nhất sau này du học hay đỗ vào những trường đại học hàng đầu. Trong khi đó, những giá trị sống, tính nhân văn cùng những kỹ năng mềm như giao tiếp, hòa nhập, đối phó, giải quyết những tình huống xấu lại ít được quan tâm.

Ai cũng biết, bố mẹ, nhà trường không thể bao bọc con cái suốt đời. Rời khỏi cổng trường, bước ra ngoài nhà của mình, sẽ có biết bao vấn đề có thể xảy ra, tác động đến các em. Chỉ khi nào các bạn trẻ được giáo dục đúng cách, được trao cho những giá trị đích thực, được hưởng thụ những tình cảm chân thành, được sự chia sẻ của cộng đồng, thì lúc đó tự bản thân họ sẽ có được sức đề kháng với mọi tệ nạn, mọi mặt xấu của xã hội. 

Khi ấy, sẽ không có những câu chuyện đau lòng thậm chí là những cái chết vô nghĩa của những thanh, thiếu niên vốn được gia đình, xã hội đặt vào bao niềm hy vọng khi mà bản thân họ được thụ hưởng những điều tốt đẹp, những giá trị thực từ môi trường gia đình, nhà trường.

Nhiều năm gần đây, một trường học ở Hà Nội vẫn đang theo đuổi, nuôi dưỡng những giá trị sống trong học sinh của mình, đó là sự trung thực, tôn trọng, yêu thương, trách nhiệm, hợp tác, nỗ lực, cầu thị, dũng cảm. Ở đây không hề nhắc tới thành tích, bởi quan điểm của nhà trường là học trò không phải ai cũng xuất sắc ở tất cả các môn học, các em có thể học giỏi hoặc học chưa tốt nhưng không thể thiếu những giá trị thực của con người cần có.

Có lẽ đã đến lúc cần phải nhìn thẳng vào thực trạng của nền giáo dục hiện nay, cần nhân lên những mô hình giáo dục nghiêng về những giá trị sống của con người, vì suy cho cùng, đó là là mục đích cao nhất của một nhà trường, của nền giáo dục để xây dựng, nuôi dưỡng được những thế hệ trẻ phát triển một cách toàn diện.