Tăng lương tối thiểu sẽ khiến doanh nghiệp cắt giảm lao động?

ANTD.VN - Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, nên hạn chế sự gia tăng của lương tối thiểu để tạo điều kiện phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cấp nền móng công nghiệp.

Tăng lương sẽ dẫn đến chi phí lao động tăng

Theo các nhà nghiên cứu chính sách, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Tốc độ tăng năng suất cũng khiêm tốn ở mức 4,7% giai đoạn 2011-2017.

Trong khi đó, lương tối thiểu vùng tăng bình quân đối với các doanh nghiệp trong nước là 20,4%, đối với các doanh nghiệp FDI là 14,4% trong giai đoạn 2008 – 2018. Chính vì vậy, để đảm bảo sức cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp đề nghị tạm dừng điều chỉnh lương tối thiểu trong 2019.

Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH khuyến nghị không nên điều chỉnh tăng lương tối thiểu trong năm 2019. Hiệp hội này bày tỏ quan điểm không phản đối việc người lao động được hưởng cuộc sống đầy đủ và lương tối thiểu là yếu tố cần thiết đối với việc thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, Việt Nam đang có mức lương tối thiểu vượt các khu vực trọng điểm của Philippines, sự chênh lệch với Malaysia và Thái Lan cũng đang có xu hướng thu hẹp lại. Việc các ngành ngành công nghiệp may, giày dép và ngành sản xuất, chế tạo loại hình công nghiệp xuất khẩu chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc tăng lương sẽ dẫn đến chi phí lao động tăng.

Như vậy, ưu thế về chi phí lao động so với các nước Đông Nam Á khác đang giảm dần. Mức lương tối thiểu ở Việt Nam hiện chỉ sau Campuchia, Indonesia và Trung Quốc đang được coi là thách thức kinh doanh lớn nhất. Điều này có nguy cơ khiến doanh nghiệp cắt giảm lao động trong tương lai.

Dù không đề xuất cụ thể mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2019, nhưng Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị hạn chế sự gia tăng của lương tối thiểu nhằm phục vụ phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cấp nền móng công nghiệp.

Việc điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm cần dựa vào tình hình thực tế của kinh tế trong và ngoài nước, đồng thời cần cân nhắc các yếu tố để có thể xây dựng tiêu chuẩn hợp lý không làm suy giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trước đó, bày tỏ quan điểm về đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 của phía doanh nghiệp, TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện công nhân – công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng đề nghị trên là vô lý.

Vô lý ở chỗ trong các báo cáo của Chính phủ hay từ chính Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đều khẳng định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2018 tăng khoảng 4% và trong năm 2019 dự báo có thể cao hơn nếu như tăng trưởng nền kinh tế tăng lên thì mức giá cũng sẽ tăng.

Mà giá đã tăng thì không lý gì không bù đắp vào lương cho người lao động bởi đây là khoản lấy ra khỏi lương của người lao động, phần mà chính giá cả đã tăng làm cho lương thực tế của người lao động bị tụt xuống.

Do giá cả tăng lên từng nào thì lương thực tế giảm đi từng ấy nên phải bù đắp khoản thiếu hụt này. Bên cạnh đó, dự báo tăng trưởng kinh tế (GDP) trong năm 2018 khoảng 6,8%. Nếu tăng trưởng kinh tế đạt 6,8% thì phần năng suất lao động của người lao động tạo ra tăng trưởng này cũng chiếm từ 3%-4%.

Mà tăng trưởng kinh tế do tăng năng suất lao động thì người lao động cũng phải được hưởng một phần thành quả. Chính vì vậy, chủ sử dụng lao động phải trả phần này cho người lao động, chứ không thể nói tăng hay không tăng, bởi đây không phải là quyền của chủ sử dụng lao động.

Dự kiến, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ 2 vào cuối tháng 7 tới đây.