Nhìn lại diễn biến Dịch tả lợn châu Phi trên thế giới:

Tả lợn không gây bệnh trên người, nhưng vẫn phải cảnh báo ngăn ngừa mối nguy hiểm

ANTD.VN - Đã có 20 quốc gia ghi nhận xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Trung Quốc.

Tả lợn không gây bệnh trên người, nhưng vẫn phải cảnh báo ngăn ngừa mối nguy hiểm ảnh 1

Khởi phát từ Kenya

Tả lợn châu Phi là bệnh xuất huyết dễ lây lan ở lợn mọi độ tuổi. Virus có độc lực cao, gây sốt cao, chán ăn, xuất huyết da và nội tạng. Tỷ lệ tử vong của lợn nhiễm bệnh có thể lên tới 100%. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết dịch tả lợn hiện không có vaccine và không thể chữa.

Tả lợn châu Phi được phát hiện lần đầu ở Kenya năm 1921 và nhanh chóng lan sang các quốc gia châu Phi khác. Năm 1957, dịch tấn công Bồ Đào Nha. Đây là lần đầu tiên tả lợn châu Phi ảnh hưởng đến châu Âu song lập tức được kiểm soát.

Ba năm sau, tả lợn châu Phi lại trỗi dậy ở Bồ Đào Nha với quy mô lớn. Từ đây, bệnh lan sang Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Malta, Bỉ, Hà Lan rồi vượt đại dương đến Trung và Nam Mỹ (Cuba, Cộng hòa Dominica, Haiti, Brazil).

Cách phòng trị tả lợn châu Phi hiệu quả nhất là vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn côn trùng và loài gặm nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác.

Không mua bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, thịt lợn bệnh. Mua thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn chưa nấu chín.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Năm 2007, tả lợn châu Phi vào Georgia qua cảng và lan sang các nước láng giềng như Armenia và Azerbaijan. Cuối năm đó, dịch xâm nhập Nga qua những con lợn rừng mắc bệnh ở biên giới với Georgia. Ban đầu, dịch chỉ ảnh hưởng đến quần thể lợn rừng phía nam nước này, sau đó lây sang lợn nuôi. Từ năm 2009 đến 2011, Nga trải qua hai đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi.

Tháng 7-2012, Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) nhận báo cáo của Ukraine về lần đầu tiên dịch xuất hiện trên lợn nuôi. Tháng 6-2013, đến lượt Belarus bị ảnh hưởng. 

Từ năm 2014 đến 2015, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục xuất hiện ở các nước châu Âu nhưng chủ yếu ảnh hưởng tới lợn rừng. Năm 2017, dịch lan sang hai nước mới là Czech và Romania.

Theo thống kê của OIE, tính từ năm 2017 đến ngày 18-2-2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Trung Quốc - nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới.

Tháng 8-2018, Trung Quốc phát hiện ổ dịch đầu tiên tại tỉnh Hắc Long Giang. Đến cuối tháng 2-2019, Trung Quốc có 105 ổ dịch tại 25 tỉnh, nhiều ổ dịch nằm tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông, ngay gần biên giới với Việt Nam. Tổng cộng, Trung Quốc đã tiêu hủy hơn 950.000 con lợn.

Thịt lợn được sản xuất và tiêu thụ rất nhiều tại các nước châu Á nên gần như chắc chắn virus tả lợn sẽ xâm nhập vào các nước khác trong khu vực.

Xâm nhập vào Việt Nam và cảnh báo phòng ngừa

Tại Việt Nam, ngày 19-2-2019, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông báo phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Ngày 5-3, cơ quan chức năng cho biết 202 hộ tại 7 tỉnh thành có dịch, 4.200 con lợn bị tiêu hủy.

Không giống như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi không đe dọa trực tiếp sức khỏe con người. Theo Phó giáo sư Nguyễn Bá Hiên từ Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tả lợn không gây bệnh trên người nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi ăn tiết canh, ăn thịt heo bệnh, chưa nấu chín kỹ.

Khi lợn mắc bệnh tai xanh, liên cầu khuẩn tồn tại trong miệng, mũi con vật sẽ bùng lên. Người bị trầy xước hoặc có vết thương, tiếp xúc với lợn bệnh sẽ bị vi khuẩn xâm nhập. Khi nhiễm khuẩn, người bệnh thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, xuất huyết ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc tiêu hóa, nặng hơn là viêm màng não.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết cách phòng trị tả lợn châu Phi hiệu quả nhất là vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn côn trùng và loài gặm nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác.

Không mua bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, thịt lợn bệnh. Mua thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn chưa nấu chín.