Siết chặt quảng cáo, xóa bỏ thói quen ép nhau uống rượu bia

ANTD.VN - Sáng 23-5, thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra một số quy định cần hoàn thiện hơn để luật phát huy hiệu quả và gắn liền với thực tế.

Siết chặt quảng cáo, xóa bỏ thói quen ép nhau uống rượu bia ảnh 1Mới đây hàng nghìn người tại Hà Nội đã xuống đường kêu gọi Không uống rượu bia khi lái xe - Ảnh: LAM THANH 

Nguy cơ ai cũng thành nạn nhân, tội phạm

“Nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí trở thành tội phạm”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) nhấn mạnh và bày tỏ băn khoăn về nhóm giải pháp có tính ngăn ngừa trong dự thảo luật. 

Đưa ra một loạt số liệu đáng báo động qua cuộc khảo sát một nhóm trẻ từ 12 đến 16 tuổi ở địa phương với các loại nước uống hiện nay, bà Phạm Thị Minh Hiền đề nghị dự luật cần hạn chế thấp nhất số lượng trẻ em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn, đồng thời kiểm soát nội dung quảng cáo để các em không lầm tưởng rằng rượu bia là tốt, được khuyến khích sử dụng. 

Còn theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương), cần siết chặt hơn nữa quy định quảng cáo rượu, bia, sản phẩm có cồn. Bởi theo ông Phạm Trọng Nhân, việc dễ dàng tiếp cận rượu, bia, đồ uống có cồn sẽ ảnh hưởng tới việc bảo vệ đạo đức xã hội, cùng nhiều hệ lụy khác. Trong khi đó, một số đại biểu cho rằng không nên nhìn nhận cực đoan về quảng cáo rượu bia, xem đó như là nguyên nhân chính dẫn đến tiêu cực trong xã hội hiện nay và cần cân nhắc việc ngành sản xuất rượu bia đang đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người. 

Phát triển làng nghề rượu hay làng không rượu bia?

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa 0 Vũng Tàu) đề nghị nghiên cứu chính sách phát triển các làng nghề sản xuất rượu thủ công truyền thống và đưa vào dự thảo luật để chuyên môn hóa, tăng cường chất lượng, uy tín rượu thủ công cũng như thuận tiện cho công tác quản lý Nhà nước.

Còn đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng không nên khuyến khích xây dựng các làng nghề rượu thủ công. Bà Trần Thị Quốc Khánh kể, tại hội nghị toàn cầu về phòng chống tác hại rượu bia, các tổ chức quốc tế đưa đoàn đi thăm một làng không rượu bia tại Thái Lan. Người dân trong làng sản xuất rất nhiều mặt hàng, riêng rượu bia không có. Cuộc sống trong làng rất trật tự, thanh bình và du khách tìm đến rất đông. 

“Tôi mong muốn ở đất nước chúng ta có những ngôi làng như vậy. Dù không dễ nhưng nếu người dân tâm huyết và cùng chính quyền địa phương nỗ lực thì có thể xây dựng được làng không rượu”, bà Trần Thị Quốc Khánh nói. 

Còn theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), quan trọng nhất là dự luật cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và cộng đồng. “Nếu làm được điều này, chúng ta có thể xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu như nhậu nhẹt tràn lan, uống rượu ép nhau”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh và cho rằng luật cần góp phần xây dựng văn hóa mới, có thể đưa vào những quy tắc, quy chuẩn về uống rượu bia, những thói quen thanh lịch uống rượu bia mà nhiều nơi trên thế giới đã có.

Đề xuất phạt 100 triệu đồng, thu bằng vĩnh viễn lái xe vi phạm

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho hay, dư luận xã hội đang rất bức xúc chuyện lái xe uống rượu bia gây tai nạn. Để tăng tính răn đe, ĐB Nguyễn Ngọc Phương đề nghị bổ sung vào dự thảo luật hình thức xử phạt, kỷ luật từ xử phạt hành chính đến phê bình, khiển trách buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. “Mức xử phạt hành chính khi uống rượu bia gây tai nạn hoặc vi phạm các điều khoản khác nhưng chưa tới mức truy tố thì thu bằng lái xe từ 1-5 năm hoặc thu bằng vĩnh viễn, phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm. Luật pháp của chúng ta chưa nghiêm, vì mức độ xử pháp thường rất nhẹ”, đại biểu NguyễnNgọc Phương kiến nghị.

Đồng tình với việc cần quy định chế tài phạt nặng lái xe uống rượu bia gây tai nạn, đại biểu Bùi Thu Hằng (đoàn Hòa Bình) đề nghị bổ sung hình thức phạt tù không được hưởng án treo trong trường hợp đối với lái xe sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết người. Theo bà Hằng, quy định này buộc lái xe phải nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật hơn để đảm bảo lái xe an toàn và tuyệt đối không sử dụng rượu, bia trước và trong khi lái xe.

11 hành vi bị nghiêm cấm

 Dự thảo luật Phòng, chống tác hại của rượu bia gồm 7 chương, 36 điều, trong đó có quy định 11 hành vi bị nghiêm cấm:

1/ Sử dụng nguyên liệu không bảo đảm chất để sản xuất, pha chế rượu, bia.

2/ Quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên.

3/ Khuyến mại rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

4/ Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký.

5/ Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nhập lậu rượu, bia.

6/ Bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi, người đã có dấu hiệu say rượu, bia.

7/ Cho người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

8/ Người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

9/ Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

10/ Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khoẻ.

11/ Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước và trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa ca làm việc, thời gian học tập, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ. Nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.