Sau vụ hiệu trưởng nghi xâm hại nam sinh, vấn đề quản lý trường nội trú lại nóng

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, vụ hiệu trưởng bị tố xâm hại học sinh ở Phú Thọ là lời cảnh tỉnh về đạo đức nhà giáo trong trường phổ thông dân tộc nội trú.

Ngày 18-12, tại hội nghị tổng kết 10 năm trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ một lần nữa bày tỏ bản thân ông rất đau lòng trước sự việc hiệu trưởng bị tố cáo xâm hại học sinh gây chấn động dư luận.

"Với các cháu trong trường nội trú, xa nhà, do vậy các thầy cô phải đóng vai trò như bố mẹ trong gia đình, nhưng nếu các thầy cô không gương mẫu, mà còn có những hành vi phi đạo đức như trên thì không thể chấp nhận được, đành rằng đây là trường hợp cá biệt", ông Nhạ bày tỏ.

Bộ trưởng cho rằng, do đặc thù khi vào học trong trường nội trú, học sinh còn nhỏ nên bản thân các em và và gia đình đều coi các thầy cô như cha mẹ, chăm sóc, giáo dưỡng học sinh như cha mẹ trong gia đình. Do vậy, các trường nội trú phải có trách nhiệm đảm bảo cho học sinh được an toàn, được yêu thương như chính trong gia đình mình.

Vụ xâm hại hàng chục nam sinh ở trường PTDTNT Thanh Sơn, Phú Thọ là hồi chuông cảnh tỉnh về công tác nội trú trường học

Bộ trưởng nhấn mạnh nếu không chuẩn hoá đội ngũ, không rèn luyện thường xuyên, nhắc nhở kịp thời, sẽ dẫn đến một số giáo viên không đáp ứng yêu cầu về chuẩn mực đạo đức từ nhận thức đến hành động, dẫn đến sự vụ rất đau lòng như vừa rồi. Mặc dù phòng, chống, giới thiệu giáo dục giới tính cho học sinh là cần thiết nhưng về phía nhà trường, sự gương mẫu của các thầy cô là quan trọng.

Hiện trên toàn quốc có có 315 trường PTDTNT ở 49 tỉnh, thành phố với tổng số 109.245 học sinh nội trú (HSNT). Trong đó, có 59 trường PTDTNT cấp tỉnh, 256 trường cấp huyện (trong số này có 67 trường PTDTNT liên cấp học THCS và THPT); có 03 trường PTDTNT trực thuộc Bộ GD&ĐT, gồm: Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Hữu nghị 80 và trường T78).

Quy mô trung bình của trường cấp tỉnh khoảng 600 HS/trường, trường cấp huyện khoảng 290 HS/trường.

Theo Bộ GD-ĐT, trong giai đoạn hiện nay, mô hình trường PTDTNT đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học còn hạn chế, thiếu đồng bộ; chất lượng và hiệu quả đào tạo của hệ thống trường PTDTNT chưa cao; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chưa được bồi dưỡng thường xuyên các chuyên đề về giáo dục đặc thù phù hợp với nhiệm vụ nuôi, dạy học sinh ở trường PTDTNT; một số chính sách, chế độ đối với trường PTDTNT còn chưa phù hợp, thiếu một số chính sách đặc thù cần thiết...

Về vấn đề phòng chống xâm hại trong trường học, bà Mai Thị Bưởi, Quản lý chương trình trẻ em Trung tâm CASGA chia sẻ, có tình trạng các em học sinh không nhận diện được đâu là hành vi xâm hại. Hơn nữa, phía các nhà trường cũng không phổ biến những thông tin đó và cũng không hề có quy chế rằng khi học sinh gặp phải những tình huống không an toàn thì có thể tìm đến ai.

Theo bà Mai Thị Bưởi, học sinh không biết tìm đến ai và kẻ xâm hại thì thường có nhiều cách để khống chế. Vì vậy, khi rơi vào tình huống đó, phần đa các em cảm thấy sợ hãi, không dám kể với ai. Biện pháp khắc phục là cần tăng cường truyền thông cho học sinh đối với hành vi xâm hại đồng thời bắt buộc phải có cơ chế rõ ràng khi có chuyện thì báo cho ai.

“Ở trường nội trú nên có một người phụ trách riêng về vấn đề này, nếu không thể trực tiếp thì có thể tổ chức bằng hình thức viết giấy hòm thư, thư điện tử… Nhưng hiện tại, ở nhiều trường, những điều cơ bản nhất như thế đã không có" – bà Mai Thị Bưởi nói.