Sàm sỡ phụ nữ, phạm tội gì?

ANTĐ - Ngày 22-2-2016, Công an huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đã tạm giữ đối tượng Trần Đình Thái (SN 1991) về hành vi sàm sỡ phụ nữ.

Sàm sỡ phụ nữ, phạm tội gì? ảnh 1

Theo hồ sơ ban đầu, trong nhiều ngày, Trần Đình Thái phục chờ ở khu vực xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa để quan sát người đi lại vào sáng sớm. Khi xác định “con mồi” là những phụ nữ có thân hình gợi cảm đi qua đường, Trần Đình Thái bịt khẩu trang kín mặt, đi xe máy và thực hiện hành vi “động chạm” vào cơ thể phụ nữ rồi nhanh chóng tẩu thoát.

Vấn đề cần trao đổi là với hành vi này, thì áp dụng hệ thống pháp luật nào để xử lý đối tượng Trần Đình Thái? 

 Ý kiến bạn đọc :

Sàm sỡ phụ nữ phạm tội làm nhục người khác:

Theo quan điểm của tôi hành vi của đối tượng Trần Đình Thái đã phạm tội làm nhục người khác. Bởi giữa địa điểm công cộng, có nhiều người qua lại, hành vi được thực hiện nhiều lần đã làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của những người bị hại, gây hoang mang trong dư luận. Pháp luật cần xử lý nghiêm đối tượng Trần Đình Thái để có tính răn đe vì hành vi này vẫn đang diễn ra khá phổ biến trong xã hội. 

Phạm Mạnh Tiệp (Văn Giang, Hưng Yên)  

Có thể xem xét nhiều tội danh 

Đối tượng Trần Đình Thái thường ra tay chớp nhoáng vào những thời gian, địa điểm vắng người rồi bỏ chạy, chính vì vậy cơ quan chức năng cần làm rõ nạn nhân cụ thể, bởi nếu sàm sỡ với bé gái dưới 16 tuổi đối tượng đã phạm tội Dâm ô với trẻ em.

Trong trường hợp bị hại là những phụ nữ trưởng thành có thể xem xét xử lý đối tượng với tội danh Làm nhục người khác theo Điều 121, Bộ luật Hình sự. Để truy cứu tội danh hay áp dụng hệ thống pháp luật nào còn tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể bởi theo luật, việc sàm sỡ phải gây hậu quả nghiêm trọng và người bị xâm hại có cảm giác bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm. 

Đỗ Thị Mỵ (Yên Bình, Yên Bái) 

Đó là hành vi quấy rối tình dục

Trong trường hợp này cần phải cân nhắc kỹ trước khi xử lý đối tượng Trần Đình Thái bởi cơ quan điều tra phải xem xét hành vi của đối tượng đã xúc phạm nghiêm trọng như việc tấn công tình dục, hay mới chỉ dừng lại ở mức sàm sỡ, hoặc có những hành vi khác để nạn nhân cảm thấy mình bị nhục nhã, ê chề trước đám đông.

Hành vi này thường diễn ra ở những nơi, trong hoàn cảnh mà chỉ có người sàm sỡ và nạn nhân và biểu hiện ở rất nhiều dạng hành vi khác nhau, do đó việc thu thập bằng chứng để chứng minh hành vi này không đơn giản. Nói như vậy không có nghĩa là không thể xử lý được hành vi này. Cần phân loại mức độ nhẹ, nặng của hành vi để quy định những mức phạt khác nhau. Theo tôi phải thấy rõ đó là hành vi quấy rối tình dục, và khi đã xác định được hành vi cần làm rõ thêm về hậu quả để xử lý, áp dụng pháp luật. 

Đỗ Mạnh Hùng (Ý Yên, Nam Định) 

Xử phạt hành chính 

Cơ quan có thẩm quyền có thể xử lý hành chính đối tượng Trần Đình Thái theo Nghị định 167/2013 của Chính phủ trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội. Điều 4 Nghị định 167 quy định xử phạt cảnh cáo hoặc tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi: có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại mới hướng xử lý hành chính, nếu chỉ dừng lại ở mức xử phạt vài trăm nghìn đồng sẽ khó có tính răn đe đối với đối tượng vi phạm. Đến nay thật sự chưa nhiều trường hợp bị các cơ quan chức năng xử phạt về hành vi sàm sỡ hay quấy rối tình dục. Chính vì vậy tôi cho rằng phải xử lý nghiêm hành vi sàm sỡ này. 

Lê Bảo Châu (Đoan Hùng, Phú Thọ) 

 Bình luận của luật sư: 

Hành vi “sàm sỡ với phụ nữ” đối với nhiều người, trong một thời gian dài mà đối tượng Trần Đình Thái đã thực hiện tại xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ xâm phạm đến uy tín, nhân phẩm, danh dự của người phụ nữ mà còn gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho nhân dân, gây mất trật tự trị an tại địa phương, cần phải được điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Hành vi vi phạm trong vụ việc này có thể được xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, qua đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội, tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, nhân thân của đối tượng vi phạm...

Trong trường hợp xử lý hành chính: Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, trật tự xã hội, điểm a, khoản 1, Điều 5 quy định về vi phạm quy định về trật tự công cộng, theo đó: “1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000đ đến 300.000đ đối với các hành vi sau: a. Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.

Trong trường hợp sau khi điều tra, xác minh, có đủ căn cứ kết luận hành vi “sàm sỡ với phụ nữ” của đối tượng được thực hiện nhiều lần, đối với nhiều người là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự, trị an tại địa phương thì có thể quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự để đảm bảo sự răn đe, tính nghiêm minh của pháp luật. 


Trong trường hợp xử lý hình sự: Đối tượng có thể bị truy cứu về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245, Bộ luật Hình sự, bởi vì: Hành vi phục chờ những người phụ nữ qua đường tại những địa điểm vắng người rồi, hành vi “đụng chạm, sàm sỡ” với họ rồi bỏ chạy đã gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ cho những người phụ nữ có việc phải đi một mình nơi đường vắng, xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội được pháp luật bảo vệ. 

Có quan điểm cho rằng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” được vì hành vi của đối tượng chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta thường quan niệm rằng “Hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến các thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng...

Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự, trong đó Điều 5 quy định về các tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 245, Bộ luật Hình sự, theo đó: “...

Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khỏe và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội ...”. Theo quy định trên thì mặc dù trong vụ việc này, đối tượng chưa gây ra thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng... cho người khác, nhưng hành vi của đối tượng được thực hiện nhiều lần, đối với nhiều người, trong thời gian dài đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho nhiều người dân, gây mất trật tự, an ninh tại địa phương...

Về mặt pháp lý, các hậu quả phi vật chất trên đối với xã hội có thể được coi là “Hậu quả nghiêm trọng” để xem xét trách nhiệm hình sự của đối tượng theo Điều 245, Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt cao nhất được quy định đối với tội danh này có thể lên đến 7 năm tù.

Có quan điểm cho rằng hành vi “sàm sỡ với phụ nữ” của đối tượng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội “Làm nhục người khác” được quy định tại Điều 121, Bộ luật Hình sự bởi vì hành vi của đối tượng xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của các nạn nhân. Đúng là hành vi “đụng chạm, sàm sỡ” của đối tượng xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của các nạn nhân, là khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ.

Tuy nhiên, khi truy cứu theo tội danh này thì về mặt chủ quan, cần chứng minh ý thức của đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội là nhằm mục đích để để nạn nhân cảm thấy nhục nhã, thường là trước đám đông, nơi công cộng. Trong vụ việc này, xét về bản chất, đối tượng thực hiện hành vi “sàm sỡ với phụ nữ” là do sở thích “biến thái” của mình, đối tượng không có mục đích làm nạn nhân “bị nhục” ở nơi công cộng, đông người. Do đó, chưa đủ căn cứ để truy cứu đối tượng về tội “Làm nhục người khác”.

Luật sư CHU MẠNH CƯỜNG,(Trưởng VP Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)