Rượt đuổi khiến người khác tử vong - có phạm tội giết người?

ANTD.VN - Nguyễn Văn T (SN 1985) và Đoàn Quốc H (SN 1984) là bạn bè. Tuy nhiên vì nợ nần nên giữa hai người đã xảy ra xích mích. Khi T đang chạy xe máy trên đường thì gặp H. Nhìn thấy H, T đòi tiền nhưng không được nên chửi H. Bị Nguyễn Văn T chửi, Đoàn Quốc H ấm ức lấy khúc gỗ dài khoảng 80cm rồi chạy xe máy với vận tốc khoảng 80km/h đuổi theo để đánh. 

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Nguyễn Văn T phát hiện H lạng lách đánh võng đuổi theo phía sau nên hoảng sợ phóng nhanh. Vừa chạy T vừa quay đầu lại rồi hô to: “Cứu với, cứu với”. Đến đoạn đường cong, do xe chạy tốc độ cao Nguyễn Văn T không làm chủ được tay lái nên đã chạy xe về phía bên trái đường theo hướng đang đi và đâm vào xe máy ngược chiều. Hậu quả T tử vong ngay tại chỗ. Sau khi phát hiện xảy ra vụ việc, H không những không dừng lại xem xét, đưa nạn nhân đi cấp cứu mà lên xe bỏ về nhà. Sau đó, H bỏ đi nơi khác kiếm việc làm, đồng thời bán luôn chiếc xe dùng để truy đuổi T. Sau đó, H bị Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt giữ để phục vụ công tác điều tra.

Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này, Đoàn Quốc H có phạm tội giết người không?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội gây rối trật tự

Theo nội dung vụ án, Đoàn Quốc H vì mâu thuẫn cá nhân đã đuổi đánh Nguyễn Văn T. Nạn nhân T chết vì đã tự đâm xe vào người khác. Như vậy hậu quả chết người là do lỗi của chính T. Xét về hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả thì thấy Đoàn Quốc H không trực tiếp gây ra cái chết đối với Hùng. Tuy nhiên, vì H đã có hành vi lấy khúc gỗ đuổi theo xe máy để đánh Nguyễn Văn T. Vì vậy Đoàn Quốc H đã phạm tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Nguyễn Thị An (Ba Đình - Hà Nội)

Có dấu hiệu của tội đe dọa giết người

Trong vụ việc này, hành vi của Đoàn Quốc H có dấu hiệu của tội đe dọa giết người theo Điều 133, Bộ luật Hình sự năm 2015. Nguyễn Văn T có mâu thuẫn với Đoàn Quốc H từ trước nên khi gặp nhau, T chửi H và H cầm khúc gỗ dài 80cm rượt đuổi T. Chính những tình tiết này và hành vi của H đủ để chứng minh rằng H đe dọa giết T. T có căn cứ để lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện nên đã vừa chạy vừa kêu cứu. Theo Điều 133, Bộ luật Hình sự: “Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện”. Theo tôi hành vi của H đã làm cho T thực sự lo sợ rằng H sẽ giết mình và dẫn tới hậu quả là làm cho T bị tai nạn chết. Vì vậy tôi cho rằng trong vụ việc này H đã phạm tội đe dọa giết người.

Huỳnh Quốc Thư (Hương Sơn - Hà Tĩnh)

Không phạm tội

Trong vụ việc này, hành vi của Đoàn Quốc H không cấu thành tội phạm vì mục đích mà H hướng tới là để đánh Nguyễn Văn T chưa xảy ra. H mới chỉ có hành vi đuổi đánh người khác mà chưa đánh được tức là chưa phát sinh hậu quả. Hậu quả chết người là do lỗi của T khi T chạy xe rẽ trái và tự đâm vào xe khác gây tai nạn. Nói cách khác, nguyên nhân gián tiếp của tai nạn là do H đuổi nhưng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của T lại không do hành vi truy đuổi của H gây ra. Ý chí chủ quan của H cũng không mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Vì vậy, theo tôi hành vi của H không có dấu hiệu của tội phạm mà chỉ có thể xem xét xử phạt hành chính về hành vi chạy xe quá tốc độ.

Đỗ Văn Minh (Kiến An - Hải Phòng)

Phạm tội giết người

Căn cứ vào vụ việc, tôi cho rằng hậu quả việc Nguyễn Văn T chết có quan hệ nhân quả đối với hành vi của Đoàn Quốc H. Chính vì việc H lấy khúc gỗ rồi đuổi theo để đánh T đã khiến T đâm xe vào người khác dẫn đến tử vong. Trong trường hợp này tuy H không mong muốn nhưng đã để mặc cho hậu quả xảy ra. Ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra của H thể hiện ở việc H biết hành vi đuổi theo có thể nguy hiểm đến tính mạng của T nhưng H vẫn đuổi theo cho đến khi T xảy ra tai nạn mới dừng lại, quay xe về mà không cứu giúp. Do đó theo tôi, Đoàn Quốc H đã phạm tội giết người.

Vi Quốc Hưng (Cao Phong - Hòa Bình)

Bình luận của luật sư

Qua nội dung vụ việc, có thể thấy vấn đề cần phải làm rõ ở đây đó là nạn nhân bị tai nạn giao thông chết trong khi bị rượt đuổi, vậy người rượt đuổi có phạm vào tội giết người hay không? Trước hết, cần khẳng định rằng không phải trường hợp nào rượt đuổi dẫn đến cái chết của nạn nhân cũng phạm tội giết người. Về lý luận, không nhất thiết người phạm tội phải có hành vi tác động vào thân thể nạn nhân dẫn đến nạn nhân chết thì mới là giết người.

Có nhiều trường hợp người phạm tội không có hành vi tác động đến nạn nhân nhưng vẫn có thể xác định hành vi của người phạm tội là hành vi giết người. Lý luận gọi hành vi này là “không hành động”. Ví dụ: A là bác sĩ bệnh viện, do có thù tức với B nên khi B bị đau ruột thừa, A biết rằng nếu không mổ kịp thời thì B sẽ chết nhưng A vẫn bỏ mặc cho B chết trong khi A có điều kiện cứu B. Đây cũng không phải là trường hợp không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, vì A mong muốn cho B chết và không cứu.

Một ví dụ khác: A, B và C đuổi D để đánh nhưng khi đuổi đến giữa cầu thì C chạy vọt lên chặn đầu, D phải chạy quay trở lại thì gặp A và B. Bị đuổi cùng đường, D phải nhảy xuống sông; do không biết bơi nên D bị chết đuối. Trường hợp này nếu A, B và C biết rõ D không biết bơi nhưng vẫn truy sát dồn D phải nhảy xuống sông thì hành vi của A, B và C phải coi là hành vi giết người (dồn người khác vào chỗ chết). Đây là trường hợp phạm tội do cố ý trực tiếp. Nếu A, B và C không biết D có biết bơi hay không nhưng vẫn dồn D phải nhảy xuống sông thì hành vi của A, B và C cũng là hành vi giết người (lỗi cố ý gián tiếp).

Khoa học luật hình sự còn gọi là lỗi cố ý không xác định, tức là người phạm tội chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra chứ không chắc chắn nhất định xảy ra. Về lý luận, trường hợp này người phạm tội cũng chỉ thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Nếu A, B và C biết chắc là D biết bơi, khi D nhảy xuống sông, A, B và C còn đứng trên bờ nhìn D chới với và còn nói “Nó giả vờ đấy” rồi bỏ về thì hành vi của A, B và C không phải là hành vi giết người, mà tùy vào điều kiện và khả năng cứu giúp của A, B và C mà truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Trở lại vụ án trên, mặc dù nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho Nguyễn Văn T là do tai nạn nhưng vì sao T bị tai nạn? Nếu không có hành vi truy đuổi của Đoàn Quốc H thì T không thể vừa chạy vừa kêu cứu. Hành vi của H không còn là điều kiện gây ra cái chết cho T nữa mà nó đã trở thành nguyên nhân (nguyên nhân gián tiếp) gây ra cái chết cho T. Về lý luận, nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong vụ án này, H đã dùng khúc gỗ dài 80 cm rượt đuổi T.

Không ai dám chắc và cũng không có tình tiết nào xác định nếu đuổi được T thì H chỉ để hỏi T về việc chửi H rồi mới đánh dằn mặt. Việc H đuổi đánh T phải coi là nguyên nhân làm cho  bị tai nạn chứ không còn là điều kiện nữa. Vì điều kiện khi có những yếu tố khách quan và chủ quan thì điều kiện sẽ trở thành nguyên nhân gây ra hậu quả. Trong hướng dẫn xét xử các vụ án có tội danh giết người (Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015) cũng như các văn bản pháp luật về tội danh này, chúng ta thấy: Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật.

Điều luật chỉ quy định giết người mà không quy định cố ý giết người, vì từ “giết” đã bao hàm cả sự cố ý. Các dấu hiệu khách quan cơ bản của tội giết người bao gồm cả hành vi hành động và không hành động trực tiếp gây ra cái chết của người bị hại. Hành vi có dấu hiệu giết người phải có quan hệ dẫn đến cái chết của người bị hại. Mối quan hệ nội tại tất yếu đó thể hiện ở chỗ: khi cái chết của nạn nhân có cơ sở ngay trong hành vi của người phạm tội; hành vi của người phạm tội đã mang trong nó mầm mống sinh ra hậu quả chết người; hành vi của người phạm tội trong những điều kiện nhất định phải dẫn đến hậu quả chết người chứ không thể khác được.

Khi H cầm gậy điều khiển xe mô tô chạy với tốc độ cao đuổi theo T thì H phải nhận thức được hành vi của mình là rất nguy hiểm. T do hoảng sợ cũng phải điều khiển xe chạy với tốc độ cao để tránh sự truy đuổi của H có thể xảy ra tai nạn nguy hiểm dẫn đến chết người, nhưng H không những không dừng đuổi mà còn lạng lách đánh võng đuổi đánh T. Khoảng cách giữa H và T ngày càng gần thì sự hoảng loạn của T càng tăng lên, buộc T phải tăng tốc độ xe mô tô, vừa chạy vừa quay đầu nhìn lại và kêu: “Cứu với, cứu với…” nhưng H cũng không dừng lại mà vẫn tiếp tục đuổi theo cho đến khi T gặp tai nạn mới dừng lại.

Với hành vi nguy hiểm nêu trên, chúng tôi cho rằng có đủ cơ sở để xác định hành vi phạm tội của H là rất quyết liệt, chứng tỏ về mặt chủ quan H không mong muốn nhưng có ý thức chấp nhận hậu quả chết người xảy ra, và thực tế khi thấy T bị tai nạn, H bỏ mặc không đưa T đi cấp cứu mà quay xe đi về, hậu quả T chết. Do đó, theo chúng tôi có đủ cơ sở để cho rằng H đã phạm tội giết người theo Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015 với lỗi cố ý gián tiếp.

Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng Luật sư Sơn Phạm)