Quyết định tạm đình chỉ vụ án cũng có thể bị kháng cáo

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi vừa mới xét xử sơ thẩm xong nhưng không đồng tình với quyết định tạm đình chỉ vụ án hình sự. Tuy nhiên, tôi không biết mình có quyền kháng cáo quyết định đó không. Xin hỏi, những quyết định sơ thẩm nào được quyền kháng cáo? Bùi Văn Thức (Hòa Bình)

Người kháng cáo phải gửi đơn kháng cáo đến tòa án đã xử sơ thẩm hoặc tòa phúc thẩm (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời:

Theo quy định tại Điều 281, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tạm đình chỉ vụ án thì: Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: Có căn cứ quy định tại điểm b và điểm c, khoản 1, Điều 229 của Bộ luật này; Không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử; trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can, bị cáo trước khi tạm đình chỉ vụ án. Việc truy nã bị can, bị cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 231 của Bộ luật này; Chờ kết quả xử lý văn bản pháp luật mà Tòa án kiến nghị.

Tiếp đến là trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để tạm đình chỉ không liên quan đến tất cả bị can, bị cáo thì có thể tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo. Quyết định tạm đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do tạm đình chỉ và các nội dung quy định tại khoản 2, Điều 132 của Bộ luật này. Như vậy là khi có các căn cứ theo quy định tại điều luật thì Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Trường hợp bạn không đồng ý thì bạn có quyền kháng cáo theo quy định tại Điều 331, Bộ luật Tố tụng hình sự.

Cụ thể là người có quyền kháng cáo gồm: Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ. Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.

Luật sư Đặng Văn Sơn Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và Cộng sự (Địa chỉ: Số 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Về thủ tục kháng cáo, người kháng cáo phải gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm. Thời hạn kháng cáo là 7 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định. Và ngày kháng cáo được xác định như sau: Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi; Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Giám thị Trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ thì ngày kháng cáo là ngày Giám thị Trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ nhận được đơn.

Giám thị Trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ phải ghi rõ ngày nhận đơn và ký xác nhận vào đơn; Trường hợp người kháng cáo nộp đơn kháng cáo tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn. Trường hợp người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo.