Quy định của pháp luật về việc đầu cơ, tích trữ hàng hóa

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi là người bán hàng online. Sau Tết Nguyên đán, tôi “gom” được ít hàng hóa thiết yếu nay muốn tung ra bán vì nhu cầu người dân tăng cao... Xin hỏi luật sư, quy định pháp luật về việc đầu cơ, tích trữ như thế nào? Nguyễn Thị Bảo Ngọc (Hà Nội)

Quy định của pháp luật về việc đầu cơ, tích trữ hàng hóa ảnh 1Đầu cơ, tích trữ hàng hóa có thể bị áp dụng hình phạt lên đến 15 năm tù (Minh họa: Internet)

Luật sư Giang Hồng Thanh trả lời:

Đầu cơ hàng hóa là hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính. Găm hàng là việc người không có lý do chính đáng mà thực hiện một trong những hành vi sau: Cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường; Ngừng bán hàng hóa ra thị trường; Không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; Mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng… và một số hành vi khác được quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013.

Theo đó, người đầu cơ hàng hóa, găm hàng hóa có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy thuộc vào giá trị hàng hóa. Trong trường hợp bị xử phạt hành chính về hành vi đầu cơ hàng hóa, người vi phạm sẽ bị áp dụng Điều 46, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 với mức phạt như sau:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá; Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác. Tiếp đến là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, Điều này có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng. Và nhất là phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, Điều này có giá trị hàng hóa từ 1.000.000.000 đồng trở lên”.

Quy định của pháp luật về việc đầu cơ, tích trữ hàng hóa ảnh 2Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh - Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội)

Đối với hành vi găm hàng, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây, thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 1, Điều 46 của Nghị định này mà không có lý do chính đáng: Cắt giảm địa điểm bán hàng; Cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ) khác với thời gian trước đó; Quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó; Cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó.

Vi phạm ở mức cao hơn sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường; Ngừng bán hàng hóa ra thị trường; Không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; Mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng.

Nếu việc đầu cơ hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá mà trị giá mặt hàng đó từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, người đầu cơ có thể bị xử lý hình sự về tội “Đầu cơ”, theo Điều 196, Bộ luật Hình sự. Hình phạt đối với người phạm tội trong trường hợp này là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Giá trị hàng hóa càng cao hoặc thu lời bất chính càng lớn thì hình phạt càng nặng, có thể lên đến tối đa 15 năm tù.