Quy định của pháp luật về việc cho vay lãi và mức lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Con tôi vay 20.000.000 đồng của một người và mỗi tháng phải trả họ 1,6 triệu đồng, bao gồm tiền lãi và một phần số tiền gốc. Xin hỏi luật sư, pháp luật quy định thế nào về việc cho vay lãi và mức lãi suất bao nhiêu thì bị coi là cho vay nặng lãi? Hoàng Ngọc Khánh  (Hà Nội)

Quy định của pháp luật về việc cho vay lãi và mức lãi suất ảnh 1Cá nhân cho vay tiền, lãi suất không được vượt quá 20%/năm (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời:

Hiện nay, nhu cầu vay vốn để giải quyết các công việc trước mắt và lâu dài là rất lớn. Nắm bắt được nhu cầu này nên không ít tổ chức, cá nhân đã tranh thủ cơ hội để cho vay với lãi suất rất cao mà các thủ tục vay lại cực kỳ đơn giản.

Hiện nay, kiểu cho vay lãi cao được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như công ty tư vấn tài chính, tiệm cầm đồ, vay cá nhân… Khi vay, người vay tiền chỉ cần có những giấy tờ rất đơn giản là đều được giải quyết nhanh gọn. Ở chiều ngược lại, do cần tiền để giải quyết gấp công việc nên nhiều người vay tiền xong mới biết đã vướng vào các ràng buộc của bên cho vay và thường phải chịu tính rất nhiều khoản phí vô lý. Thực tế cũng chứng minh rằng hoạt động tín dụng tự phát này đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh rất đau buồn. 

Về việc cá nhân cho nhau vay mượn tiền, Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định về lãi suất vay như sau: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác… Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Trường hợp của bạn lãi suất do các bên thỏa thuận đã vượt quá 20%/năm. Do đó nếu các bên có tranh chấp thì bên vay chỉ phải trả cho bên cho vay lãi suất 20%/năm.

Quy định của pháp luật về việc cho vay lãi và mức lãi suất ảnh 2Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và Cộng sự. Số 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Hà Nội)

Còn về quy định hình sự đối với tội “Cho vay lãi nặng” thì theo Điều 201, Bộ luật Hình sự: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.

Như vậy, theo quy định về mức lãi suất tối đa của Bộ luật Dân sự, nếu lãi suất cho vay gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất tối đa nói trên, tức là từ 100%/năm trở lên thì hành vi cho vay có dấu hiệu của tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Tuy nhiên, số tiền thu lợi bất chính có được từ hành vi này phải từ 30.000.000 đồng trở lên. 

Nếu trong giao dịch dân sự, người cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự nhưng thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng thì cũng không bị coi là phạm tội và cũng không cấu thành tội phạm này.

Riêng với trường hợp cho vay lãi gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định, thu lợi bất chính chưa đến 30.000.000 đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng hoặc đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì vẫn bị xử lý hình sự.