Quan niệm sai lầm về bệnh sốt xuất huyết

ANTD.VN - Sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine hay thuốc điều trị đặc chủng nhưng nếu phát hiện và điều trị theo đúng phác đồ thì sẽ khỏi bệnh, không để lại di chứng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người có những nhận thức không đúng về bệnh dịch nguy hiểm này.

Ốm phải dùng thuốc kháng sinh. Sốt xuất huyết là do virus gây ra, mà kháng sinh là thuốc chữa trị bệnh do vi khuẩn gây ra vì thế, phải bỏ ngay  quan điểm phải uống thuốc kháng sinh cho nhanh khỏi. Ngoài ra, khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt..., đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Bị một lần sẽ không bị lại. Hiện lưu hành 4  tuýp  virus sốt xuất huyết nên nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại. Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong cả đời người. 

Giảm sốt là hết bệnh. Theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, từ ngày thứ tư, bệnh nhân sẽ không còn sốt cao nhưng đó mới là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh do có thể gây biến chứng nặng như tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu; Xuất huyết do giảm tiểu cầu. Bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế làm các xét nghiệm cần thiết để bác sỹ cân nhắc phương án điều trị.

Tiếp xúc với người bị sốt xuất huyết sẽ lây bệnh. Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh. Sốt xuất huyết chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Muỗi truyền bệnh chỉ xuất hiện ở những nơi ao tù, nước đọng. Mọi người hay nhầm tưởng chỉ những nơi cống rãnh, mất vệ sinh, ao tù là địa điểm sinh sôi, cư trú của muỗi vằn. Nhưng không phải, muỗi vằn cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày ngay trong chính ngôi nhà chúng ta ở như: bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước để trên ban thờ, nước mưa đọng  trên sân thượng... Vì vậy, cần dọn dẹp, không để nước lưu cữu tạo môi trường cho bọ gậy phát triển, sinh nở thành muỗi vằn. 

Phun thuốc muỗi một lần là hàng tháng sau vẫn hết muỗi. Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian và bay đi hết, những đàn muỗi khác vẫn tiếp tục bay vào nhà, tấn công và truyền bệnh cho người. Vì vậy, nếu phun thuốc muỗi dập dịch, cần phải phun tổng thể, đồng loạt ở cả cụm dân cư mới có tác dụng triệt để.