Phương án mới cho kỳ thi THPT quốc gia 2018

ANTD.VN - Bộ GD-ĐT vừa đưa ra 2 phương án mới tổ chức bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 để lấy ý kiến các trường đại học.

Trước nhiều ý kiến đề xuất xem xét lại phương án tổ chức bài thi tổ hợp, Bộ GD-ĐT đã đưa ra phương án theo hướng bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất của toàn bài thi.

Phương án mới cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 ảnh 1Bộ GD-ĐT lấy ý kiến thay đổi cách tính điểm bài thi tổ hợp

Tách riêng hay gộp lại?

Rút kinh nghiệp về kỳ thi THPT quốc gia 2017, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội đề xuất Bộ GD-ĐT cần điều chỉnh khâu kỹ thuật đối với bài thi tổ hợp. “”Không nên chia thành từng môn trong bài thi tổ hợp 3 môn/3 bài nữa mà thay vào đó chỉ cần 1 bài thi với kiến thức của 3 môn là đủ”. Theo ông Hoàng Minh Sơn, cách tổ chức bài thi này sẽ hạn chế được khả năng gian lận thời gian làm bài của môn này dành cho môn khác, gây khó khăn trong việc xét tuyển của các trường đại học.

Theo đề xuất của ông Hoàng Minh Sơn, thay vì làm 3 môn thi thành phần trong 1 bài thi lớn với thời gian riêng rẽ và các câu hỏi tách biệt thì thí sinh sẽ chỉ phải làm 1 bài thi duy nhất với kiến thức 3 môn hoặc nhiều môn trộn lẫn. Với hình thức thi này, thí sinh cần phải có kiến thức vững chắc, tỉnh táo khi vào phòng thi, đồng thời phải biết kết hợp kiến thức liên môn, liên ngành mới có thể đạt điểm cao.

Nhận xét kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT cùng các trường xem lại phương án tổ chức 2 bài thi tổ hợp. Theo Phó Thủ tướng, việc tổ chức thành 3 môn thi tách biệt thực chất là giúp các trường ĐH, CĐ thuận lợi trong xét tuyển nhưng lại khiến công tác ra đề, tổ chức thi cho tới chấm thi trở nên phức tạp trong khi thí sinh lại mệt mỏi vì phải thi 3 môn liên tiếp trong cùng một khoảng thời gian.

Lấy ý kiến về phương án thi THPT quốc gia 2018

Cũng liên quan tới nội dung trên, Bộ GD-ĐT vừa gửi các trường đại học, học viện, các trường cao đẳng tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên phương án dự kiến tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để lấy ý kiến. Theo đó, kỳ thi vẫn có 5 bài thi như năm 2017 nhưng điểm mới nhất là dự kiến điều chỉnh ở bài thi tổ hợp.

Trước nhiều ý kiến về cách thức tổ chức thi THPT quốc gia 2017 cần tạo thuận lợi cho việc xét tuyển đại học, Bộ GD-ĐT đưa ra 2 phương án đề nghị hiệu trưởng các trường trực tiếp cho ý kiến. Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần như năm 2017. Phương án 2: Mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành 1 bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với 1 đầu điểm thống nhất của toàn bài thi. Như vậy, cách thi này sẽ khác với năm 2017. 

Bộ GD-ĐT đánh giá, phương án này giúp việc tổ chức thi và chấm thi đơn giản, dần phát triển thành bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh. Nếu theo phương án 2, các trường có thể chọn 2 hoặc 3 bài thi trong số các bài thi của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển (trong đó bắt buộc phải có một bài thi Văn hoặc Toán).

Bộ GD-ĐT dự kiến phương án tổ chức thi năm 2018 gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp: Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Đối với giáo dục thường xuyên, bài thi Khoa học Xã hội là tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý.

Riêng với thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng có thể chọn thi bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và/hoặc bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội, phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường đại học, cao đẳng.