Phạt tiền, phạt tù đối với đối tượng bình luận, đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội

ANTD.VN -Thời gian qua, trên mạng xã hội đã có không ít người đăng tải những lời nhận xét, bình luận, chia sẻ thậm chí tự dựng lên những câu chuyện sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân khác. Trước hiện tượng này nhiều người dân đặt câu hỏi, phải chăng pháp luật hiện hành chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý những hành vi  trên?

Thực tế cho thấy, việc đưa thông tin sai sự thật hay những lời bình luận ác ý, thiếu khách quan trên mạng xã hội đã dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Đã có không ít trường hợp nữ  sinh phải bỏ học, tự tử còn cha mẹ suy sụp tinh thần, không dám bước chân ra khỏi nhà chỉ vì những bức ảnh, những lời quy kết, chửi bới, lăng nhục trên mạng xã hội xuất phát từ những thông tin ban đầu thiếu căn cứ.

Phạt nặng hành vi đăng tin sai sự thật trên facebook

Do hậu quả của việc đưa thông tin thiếu khách quan sai sự thật trên mạng xã hội, một số cá nhân đã bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Mới đây, CAH Kỳ Sơn, Nghệ An tiến hành triệu tập Lương Ngọc Tuấn vì đã có hành vi bình luận về một bức ảnh đăng trên Facebook với nội dung: “Đê Mường Mộc cách Nậm Nô 90 cây sắp vỡ, khả năng thị trấn Mường Xén xóa sổ trong đêm nay. Anh em di dời đi còn kịp. Đường vào bản lúc này đã biến mất khỏi tầm nhìn” khiến người dân tại khu vực hoang mang, lo lắng. Tại cơ quan điều tra, Tuấn thừa nhận thông tin này là không đúng sự thật, chỉ bình luận với bạn bè cho vui. Do vậy, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng đối với Lương Ngọc Tuấn.

Mỗi cá nhân cần thận trọng khi đăng tin, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội

Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Nam cũng đã xử phạt 10 triệu đồng đối với đối tượng Nguyễn Văn Thắng, SN 1993, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội về hành vi trao đổi, truyền đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội Facebook làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm đối với chị V.T.H.Y. Cụ thể là, trên mạng xã hội Facebook, Thắng đã tung tin: “Công an huyện Duy Tiên ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng V.T.H.Y về tội cướp tài sản và hiếp dâm...” với mục đích làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của chị Y, làm cho chị Y phải nghỉ làm, không giao tiếp, tiếp xúc với ai trong một thời gian dài.

Tương tự, tại Thái Nguyên, Công an tỉnh này đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng đối với Nguyễn Sơn Tùng (SN 1985, ở phường Trung Thành, thành phố Thái Nguyên) vì đã đăng lên mạng xã hội Facebook thông tin về vụ bắt cóc trẻ em tại khu vực Trường mầm non 19-5, thuộc phường Hoàng Văn Thụ và nạn bắt cóc trẻ em, bắt cóc người để lấy nội tạng, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Tại cơ quan công an, Tùng đã thừa nhận thông tin đã đăng không có căn cứ và nhận thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật.

Có thể xử lý hình sự

Có thể khẳng định, hành vi  đăng tin, bình luận sai sự thật, lăng mạ, bôi nhọ, làm nhục người khác trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự - Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho biết.

Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Luật Công nghệ thông tin, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự cũng có những quy định về vấn đề này.

Về xử phạt hành chính, khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin quy định, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (điều 155) hoặc Tội vu khống (Điều 156) BLHS 2015.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, thẩm quyền quản lý những nội dung, hoạt động trên mạng Internet, mạng xã hội thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông và Sở Thông tin -Truyền thông các địa phương. Do vậy, cá nhân khi danh dự, nhân phẩm của mình bị xâm hại cần có đơn khiếu nại gửi đến đơn vị này hoặc cơ quan công an nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. “Về phía người sử dụng, mạng xã hội, mỗi cá nhân cần hết sức thận trọng khi đăng tải, chia sẻ, bình luận về những thông tin chưa được kiểm chứng, tránh việc tự đẩy mình vào vòng lao lý” - Luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo.

Luật An ninh mạng mới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2019 không cấm người tham gia mạng xã hội lên tiếng, bày tỏ quan điểm cá nhân, song phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật. Điều 15 Luật An ninh mạng đã quy định cụ thể 5 nhóm thông tin trên không gian mạng bị coi là vi phạm pháp luật, bao gồm: Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác…