Phát hiện 33 trẻ mắc bạch hầu ở Tây Nguyên: Cho học sinh nghỉ học, điều trị dự phòng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo thông tin mới từ Bộ Y tế, riêng tỉnh Kon Tum hiện đã ghi nhận 23 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, còn tại huyện Đắk Đoa – tỉnh Gia Lai hàng trăm học sinh được cho nghỉ học sau khi có 10 ca mắc…

Khám, lấy mẫu xét nghiệm dịch bạch hầu cho học sinh ở Tây Nguyên (Ảnh: TTX VN)

Ngày 6-7, Bộ Y tế cho biết, trước diễn biến dịch bệnh bạch hầu đang rất phức tạp tại khu vực Tây Nguyên, đặc biệt ở tỉnh Kon Tum và Gia Lai, tiếp theo Công điện số 3592/CĐ-BYT ngày 02/7/2020 gửi đến một số tỉnh miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên, Bộ này vừa có thêm công văn số 3612/ BYT-DP gửi UBND tỉnh Kon Tum đề nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum ghi nhận rải rác 23 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại huyện Đắk Hà, Đắk Tô và Sa Thầy. Riêng từ ngày 27-6 đến ngày 2-7 đã có 14 trường hợp, các trường hợp đều là người đồng bào dân tộc.

Theo Bộ Y tế, bệnh bạch hầu là bệnh lây lan rất mạnh, diễn biến cấp tính, có thể gây biến chứng nặng và tử vong. Vì thế, để chủ động phòng chống dịch bệnh bạch hầu, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát chặt dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu.

Trong đó, cần tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh; cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.

Đồng thời, tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ. Thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong. Tổ chức tiêm vaccine phòng chống bệnh bạch hầu tại khu vực ổ dịch; rà soát các đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ để tiêm bổ sung…

Với ngành giáo dục ở địa phương phải triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục; tổ chức việc theo dõi sức khỏe của trẻ em tại các trường mầm non, trường tiểu học và THCS, thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch…

Cũng liên quan đến dịch bệnh này, ngày 6-7, UBND huyện Đắk Đoa – tỉnh Gia Lai đã yêu cầu địa phương có 10 người mắc bệnh bạch hầu cho học sinh tại vùng này (xã Hải Yang) nghỉ học 1 tuần, bắt đầu từ 6-7. Đồng thời, đề nghị các trường học trên địa bàn xã Hải Yang phải phối hợp với UBND các xã tuyên truyền cho học sinh trong thời gian nghỉ học hạn chế ra ngoài để phòng, chống dịch bệnh.

Cùng ngày, UBND tỉnh Gia Lai cũng có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tập trung phòng, chống bệnh bạch hầu. 

Từ ngày 3-7 đến nay, sau khi phát hiện 1 bệnh nhân 4 tuổi tại làng Bông Hiot (xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) dương tính với bệnh bạch hầu và tử vong, cơ quan chức năng ở địa phương đã lấy 24 mẫu của những người tiếp xúc gần bệnh nhi này để gửi xét nghiệm và kết quả phát hiện thêm 9 ca dương tính.

Tất cả 9 bệnh nhân mắc bạch hầu tại làng Bông Hiot đều đã được ngành y tế đưa đi nhập viện, điều trị theo quy định.