Phân tích hành vi giả vờ mua hàng, tạo lòng tin rồi chiếm đoạt tài sản

ANTD.VN - Trần Tuấn Q. quen biết anh Nguyễn Hoàng T. qua mạng xã hội Facebook và đặt mua của anh T. một chiếc iPad. Sau đó Q. hẹn anh T. tới địa điểm do Q. chọn. Tối hôm đó, anh T. đi cùng bạn đến gặp Q. Trần Tuấn Q. nói dối là quên chìa khóa và phải ngồi đợi vợ Q. về mở cửa để lấy tiền. 

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Tại đây, hai bên thỏa thuận giá chiếc iPad là 15 triệu đồng. Sau đó Q. bảo anh Nguyễn Hoàng T. mở hộp đưa chiếc iPad cho mình xem. Q. kiểm tra và cùng anh T. có trao đổi và đưa qua lại vài lần để hướng dẫn các chức năng của chiếc iPad. Trong khi đang xem, Q. cầm chiếc iPad trên tay bước đi nhanh ra phía sau nhà, rồi vừa đi vừa nói: “Anh đi lấy chìa khóa”. Anh T. nói: “Anh cầm iPad của em” nhưng Q. vẫn bước nhanh bỏ đi. Một lúc không thấy Q. quay lại, anh T. và bạn đuổi theo nhưng chỉ kịp thấy Q. đi nhanh lên phía trên đồi sau nhà, ra đường chạy thoát. Do đuổi theo không tìm thấy Q. nên anh T. đã đến cơ quan Công an trình báo.

Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là Trần Tuấn Q. đã phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Trong vụ việc này, khi Trần Tuấn Q. đặt mua của anh Nguyễn Hoàng T. một chiếc iPad qua mạng xã hội Facebook, nghĩa là giữa 2 người đã ngầm hình thành một hợp đồng giao dịch. Sau đó, lợi dụng sự tin tưởng của anh T. về hợp đồng miệng này khi mang chiếc iPad đến cho Q. xem, Q. đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt chiếc iPad của anh T. Hành vi này của Q. đã cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản theo Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015.

      Nguyễn Thị Hà (Tiền Hải - Thái Bình)

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trong trường hợp này Trần Tuấn Q. đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi hành vi của Q. đã thể hiện sự gian dối ở chỗ Q. không mua chiếc iPad nhưng nói dối với anh Nguyễn Hoàng T. là mua và hẹn anh T. đem đến địa điểm để giao dịch. Q. bảo anh T. lấy chiếc iPad ra để xem và hướng dẫn cách sử dụng nhưng mục đích để tìm cơ hội chiếm đoạt iPad của anh T. Q. nói với T.: “Anh đi lấy chìa khóa”… làm cho anh T. tin tưởng, nhưng thực tế Q. đã lấy sự giả dối làm phương tiện để tiếp cận và chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, Q. còn thể hiện sự xảo quyệt như việc đã chuẩn bị trước địa điểm là nơi có nhiều lối đi sau nhà nhằm dễ trốn thoát sau khi chiếm đoạt được tài sản. Qua đó cho thấy, hành vi của Q. chiếm đoạt chiếc iPad của anh T. đã hội đủ các yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đinh Quốc Trung (Đống Đa - Hà Nội)

Cướp giật tài sản

Trần Tuấn Q. đã phạm tội cướp giật tài sản theo Điều 171, Bộ Luật Hình sự năm 2015. Theo đó, Trần Tuấn Q. đã có hành vi lừa dối giả vờ thỏa thuận mua một chiếc iPad của anh Nguyễn Hoàng T., để anh T. đưa chiếc iPad cho Q. xem. Khi cầm được chiếc iPad thì Q. đã nhanh chóng chiếm đoạt, tẩu thoát trong khi tài sản vẫn trong sự quản lý của anh T. Hành vi gian dối của Q. là thủ đoạn để Q. tiếp cận tài sản và thực hiện việc chiếm đoạt tài sản. Với hành vi khách quan nhanh chóng chiếm đoạt, tẩu thoát đã thỏa mãn yếu tố cấu thành tội cướp giật tài sản quy định tại Điều 171, Bộ luật Hình sự năm 2015.

 Hoàng Trọng Tình (Việt Trì - Phú Thọ)

Bình luận của luật sư

Về ý kiến cho rằng Trần Tuấn Q. phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015, chúng tôi cho rằng hành vi của Trần Tuấn Q. không cấu thành tội danh này. Bởi lẽ hành vi khách quan của tội phạm này có những điểm chú ý sau: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Như vậy, việc chuyển giao tài sản từ người bị hại sang người phạm tội xuất phát từ một hợp đồng hợp pháp như vay, mượn, thuê tài sản.  Trong trường hợp này giữa Trần Tuấn Q. và anh Nguyễn Hoàng T. mới chỉ dừng lại ở mức thỏa thuận mua bán chứ chưa thể coi là một hợp đồng hợp pháp. Do vậy theo chúng tôi, hành vi của Trần Tuấn Q. không cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Về ý kiến cho rằng Trần Tuấn Q. phạm tội cướp giật tài sản, chúng tôi cho rằng Q. không phạm tội cướp giật tài sản theo Điều 171, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo quy định của pháp luật, cướp giật tài sản là hành vi công khai, nhanh chóng giật lấy tài sản trong tay người khác hoặc đang trong sự quản lý của người có trách nhiệm về tài sản rồi tẩu thoát mà không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản.

Đặc điểm nổi bật của tội cướp giật tài sản là người phạm tội lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản để nhanh chóng giật lấy tài sản mà người quản lý khó có thể giữ được hoặc giằng lại được. Trong vụ việc này, rõ ràng Q. không phải lợi dụng sơ hở của anh Nguyễn Hoàng T. mà đã tự tạo điều kiện thuận lợi để chiếm đoạt chiếc iPad. Cụ thể Q. đã tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm giao hàng để dễ dàng tẩu thoát, Q. trao đổi về chức năng của iPad để tạo lòng tin để anh T. đưa chiếc iPad cho Q. cầm trên tay.

Sau đó Q. mới nhanh chóng tẩu thoát. Tính chất công khai của hành vi cướp giật tài sản là công khai với chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản là bị giật chứ không phải công khai về thân phận của người phạm tội. Tức là lúc Q. cầm iPad bước nhanh ra sau nhà, anh T. vẫn không hề biết là Q. giật iPad của mình. Nếu biết Q. giật anh T. đã không nói: “Anh cầm iPad của em” mà phải nhanh chóng đuổi theo Q. để lấy lại iPad.

Để thực hiện hành vi giật tài sản, người phạm tội có thể sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau, trong đó, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn gian dối để tiếp cận chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản rồi giật tài sản của họ. Ở đây, Q cũng dùng thủ đoạn gian dối tiếp cận anh T. Tuy nhiên, trong trường hợp này anh T đã đưa iPad cho Q chứ Q không có hành vi “giật”. Nếu như lúc A đưa iPad cho B, B cầm lấy rồi chạy nhanh để tẩu thoát hoặc iPad đang trên tay A, B giật lấy rồi chạy nhanh để tẩu thoát thì A mới phạm tội “Cướp giật tài sản”.

Lúc anh T đưa iPad cho Q, Q đã cầm iPad bước nhanh ra sau nhà, anh T vẫn có khả năng đuổi theo, nhưng do đang ở mức độ nghi ngờ nên anh T mới hỏi để xác minh, tức là lúc đó, anh T vẫn chưa tin là Q sẽ chiếm đoạt chiếc điện thoại, trong khi “Tội cướp giật tài sản” đòi hỏi phải công khai, không giấu giếm với người bị hại về hành vi “giật” và hành vi đó phải gây yếu tố bất ngờ đối với người bị hại.

Căn cứ vào những hành vi của Trần Tuấn Q. trong vụ việc này, chúng tôi có cơ sở để cho rằng Q. đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo quy định của pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối.  Đặc điểm riêng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ có hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ở đây, khi thỏa thuận mua bán chiếc iPad với anh  Nguyễn Hoàng T., Q. đã nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc iPad của anh T. Q. đã có sự chuẩn bị từ trước bằng cách chọn địa điểm có nhiều lối đi sau nhà, nói dối là quên chìa khóa và phải ngồi đợi vợ về mở cửa lấy tiền. Rõ ràng, Q. không phải lợi dụng sơ hở của anh T. để chiếm đoạt, mà đã cố ý tạo điều kiện thuận lợi cho việc chiếm đoạt và tẩu thoát. Vấn đề mấu chốt ở đây là thủ đoạn gian dối có từ khi nào? Theo chúng tôi, thủ đoạn gian dối có từ khi Q. và anh T. thỏa thuận về việc giao hàng. Lúc này, anh T. tin Q. là người mua hàng, Q. lừa dối anh T. mình là người mua hàng nhưng thực ra đã nảy sinh ý định chiếm đoạt iPad. Thông qua thủ đoạn gian dối, Q. tiếp cận anh T., trao đổi nhằm cầm được iPad trên tay và tẩu thoát. Có thể có ý kiến cho rằng, lúc Q. bước nhanh ra sau nhà, anh T. nói: “Anh cầm iPad của em”, có nghĩa là Q. lừa dối T., nhưng anh T. chưa tin thì không có hành vi lừa dối để người bị hại tin. Tuy nhiên, hành vi lừa dối đã có từ trước đó, trước khi Q. giao iPad cho anh T. như: Lừa dối mua điện thoại, lừa dối địa điểm thuận lợi để tẩu thoát là nhà của mình, lừa dối không có khóa nên chờ vợ về để lấy tiền. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Nếu sau khi đã có tài sản một cách hợp pháp rồi mới có ý định chiếm đoạt thì không phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy trường hợp cụ thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng như: tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ở đây, Q. đã có ý định chiếm đoạt tài sản từ trước. Tất cả các yếu tố trên đều thỏa mãn tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Như vậy, theo quan điểm của chúng tôi, Trần Tuấn Q. phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng Luật sư Sơn Phạm)