Phải làm gì khi thấy người bị đuối nước?

ANTD.VN - Sự việc nữ sinh 16 tuổi mất tích khi đi tập văn nghệ ở Nam Định được xác định chết đuối dưới sông khiến gia đình và dư luận không khỏi xót xa. Vậy nếu trong tình huống trường hợp phát hiện người đuối nước phải làm thế nào để cứu được nạn nhân và bản thân không gặp nguy hiểm?

Dấu hiệu nhận biết người đuối nước

Phải làm gì khi thấy người bị đuối nước? ảnh 1

Trong khi đó, để nhận biết một người đuối nước không phải là dễ, ngay cả trong trường hợp có người lớn, người thân xung quanh, chỉ sơ sểnh một chút không quan sát cũng có thể gây những sự cố nguy hiểm vì đuối nước.

Khi nạn nhân đang bị đuối nước, có thể họ không kêu cứu một cách kích động hoặc té nước… mà hầu hết mọi người vẫn kỳ vọng như khi xem thấy trên vô tuyến. Nếu nạn nhân đang thực sự bị đuối nước, họ sẽ không thể tạo ra bất cứ tiếng động nào, do vậy mọi người xung quanh rất dễ bỏ qua, thậm chí ngay cả khi có bạn bè và gia đình đang ở gần.

Thực tế, đã có rất nhiều ca đuối nước xảy ra trong tình huống tương tự. Đuối nước là khi nạn nhân không thể thở được vì mũi và miệng của họ chìm trong nước hoặc bất cứ chất lỏng nào khác, báo Dân Trí cho hay.

Làm gì khi có người bị đuối nước?

Phải làm gì khi thấy người bị đuối nước? ảnh 2

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đuối nước là một dạng của ngạt, do nước bị hít vào phổi hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Khi ngạt nước, nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại theo phản xạ. Tình trạng ngừng thở tiếp tục dẫn đến thiếu oxy máu, gây tăng nhịp tim, huyết áp. Hậu quả cuối cùng là nhịp tim chậm dần lại, rối loạn nhịp, ngừng tim và tử vong.

Khi bị đuối nước, khả năng tử vong rất cao hoặc có thể để lại di chứng tổn thương não nặng nề. Tuy nhiên nếu nạn nhân được sơ cứu kịp thời, tích cực và đúng phương pháp có khả năng được cứu sống. Vì vậy, việc xử trí cấp cứu đúng cách trong trường hợp này là rất quan trọng.

Bác sĩ Dũng hướng dẫn sơ cứu nạn nhân đuối nước như sau:

Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.

Bước 2: Cho nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí và giữ ấm. Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.

Nếu nạn nhân có dấu hiệu ngưng thở thì nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo: Đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ và nghiêng mình sang bên trái, dùng gạc hay khăn vải lau sạch dãi, chất thải hoặc dị vật ở miệng và mũi nạn nhân. Tiếp đến người cấp cứu cần thực hiện hà hơi thổi ngạt cho nạn nhân. Sau 5 lần hô hấp nhân tạo khi bắt mạch mà tim vẫn ngừng đập thì bước tiếp theo là phải ép tim ngoài lồng ngực.

Bước 3: Sau khi hô hấp nhân tạo mà mạch vẫn ngừng đập, người cấp cứu cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo công thức 15:2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người thực hiện, hoặc 30/2 nếu có một người. Kiên trì thực hiện cho đến khi mạch đập và nạn nhân thở trở lại.

Bước 4: Sau khi nạn nhân tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước nên cần đặt họ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để tránh bị ngạt thở.

Bước 5: Sau sơ cứu ban đầu, người bị đuối nước đã tỉnh lại, cần đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, mục đích xem nạn nhân có bị phù phổi cấp không. Cần lau khô người cho họ, thay quần áo và ủ ấm sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo, theo VnExpress.

Một số lưu ý khi sơ cứu người bị ngạt nước

Theo Tuổi Trẻ, phần lớn người bị nạn tử vong hoặc bị di chứng não do thiếu oxy vì không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách trước khi đưa đến cơ sở y tế. Do đó, cần tránh những cách xử trí không đúng sau đây:

- "Xốc nước": Động tác dốc ngược nạn nhân để xốc nước ra là không cần thiết và không nên thực hiện vì thông thường nước vào phổi rất ít và sẽ được tống xuất ra ngoài khi người bị nạn tự thở lại. Ngoài ra, việc xốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và làm tăng nguy cơ hít sặc nước vào phổi.

- Thực hiện việc thổi ngạt và ấn tim không đúng cách như: dang 2 tay nạn nhân sang 2 bên rồi ép vào ngực để ấn tim mà không thổi ngạt, động tác sơ cứu này không nên thực hiện vì không hiệu quả. Ngoài ra, việc chậm trễ trong cấp cứu thổi ngạt - ấn tim làm cho não và các cơ quan bị thiếu oxy kéo dài, có thể gây chết tế bào não, dẫn đến tử vong hoặc di chứng não nặng nề.

- Hơ lửa hoặc "lăn lu" người bị nạn (để nạn nhân nằm vắt ngang qua lu rồi đốt lửa phía trong lu) vì nghĩ rằng sẽ giúp làm ấm người bị nạn, nhưng thực ra cách này sẽ làm nặng thêm tình trạng của nạn nhân vì họ có thể bị phỏng, và quan trọng nhất là làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt.