"Nữ sinh hoa khôi trường Luật TP.HCM" và câu chuyện cổ tích 40 năm khiến nhiều người ứa nước mắt

ANTD.VN - Được mệnh danh là “hoa khôi trường Luật” ở TP.HCM hồi thập kỷ 1970, bà Phạm Thị Nụ đã bỏ qua nhiều lời tán tỉnh của những người đàn ông si mê, để quyết định đến với “đại ca Thanh” – anh chàng gây ấn tượng bởi vẻ lãng tử, thậm chí giang hồ và có cá tính rất khác người. Sự lựa chọn đó đã trở thành tiền đề cho một câu chuyện cổ tích kéo dài 40 năm, vừa được tái hiện trong vở kịch ngắn "Chuyện nhà Dr. Thanh”. Với một dàn diễn viên “lần đầu lên sân khấu”, vở kịch này có gì đặc biệt để người xem nhiều lần ứa nước mắt đến vậy?

19 giờ ngày 23-9-2018, vở kịch “Chuyện nhà Dr. Thanh” chính thức bắt đầu.

Là người từng nghiền ngẫm cuốn tự truyện của tác giả Trần Uyên Phương nhiều lần, và đã tìm hiểu những chia sẻ của Tân Hiệp Phát trên thương trường, tôi tự hỏi: Vở kịch chuyển thể đó sẽ… như thế nào? Bởi những điều thú vị trong sách, e khó có thể diễn tả đầy đủ trên sân khấu, và thế mạnh của Tân Hiệp Phát là ngành hàng nước giải khát, làm sao để vở kịch nói về gia đình ông chủ tập đoàn này đủ hấp dẫn giữ chân khán giả…

Với băn khoăn mơ hồ đó, tôi quyết định tới rạp sớm hơn gần một giờ đồng hồ so với lịch diễn, để quan sát mọi người và lắng nghe sự kỳ vọng, mong mỏi của họ đối với vở kịch được ví như một câu chuyện cổ tích với nhân vật trung tâm là bà Phạm Thị Nụ - vợ ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Và quyết định tới sớm của tôi quả không uổng phí chút nào. Tập đoàn nước giải khát có giá trị hàng tỉ USD đã không chọn một sân khấu rình rang, phô trương, thay vào đó là sự ấm cúng ngay từ khi bước chân tới cửa.

"Nữ sinh hoa khôi trường Luật TP.HCM" và câu chuyện cổ tích 40 năm khiến nhiều người ứa nước mắt ảnh 1

Không khí ấm cúng trong khán phòng, trước buổi biểu diễn

Sự ấm cúng thể hiện ở không gian, ở những nụ cười niềm nở, cái ôm thật chặt của những “cô gái tỉ đô” Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích, ở cái bắt tay thô ráp nhưng đầy chân tình của “Dr. Thanh”, ở cái vịn nhè nhẹ của bà Phạm Thị Nụ, dù bà vẫn bước đi khó nhọc vì sức khỏe không còn tốt…

Ở đó, trước buổi diễn, tôi nhìn thấy vợ chồng nghệ sỹ Hương Lan, ca sĩ Phi Nhung hay từng khách mời được chào đón như người thân trong gia đình tới chia sẻ. Và ngay từ khi vở kịch chưa diễn ra, tôi đã thấy nụ cười của tác giả cuốn “Chuyện nhà Dr. Thanh” – chị Trần Uyên Phương – tươi rói lạ kỳ.

Dường như không có bất kỳ áp lực, căng thẳng nào trước vở kịch đặc biệt, do những tên tuổi trong làng sân khấu Việt đảm nhiệm – nhà biên kịch Lê Chí Trung viết kịch bản, đạo diễn Phùng Nguyên chỉ đạo diễn xuất. Điều đó càng khiến tôi muốn vở kịch bắt đầu sớm hơn…

Và câu chuyện cổ tích kể về người phụ nữ được mệnh danh là “hoa khôi trường Luật” ở TP.HCM hồi thập kỷ 1970 đã bắt đầu thật… lạ! Lạ là bởi ngay từ đầu, đoạn giới thiệu xướng lên cho thấy, tất cả diễn viên tham gia đều là… nhân viên của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, kể cả những khâu âm thanh, ánh sáng cũng là do “người Tân Hiệp Phát đảm nhiệm”.

“Có lẽ đây sẽ là vở kịch đơn giản…”, tôi thoáng nghĩ vậy khi thấy tập thể diễn viên đều là những người lần đầu lên sân khấu.

Nghĩ vậy, quả đúng vậy, mà lại… chưa hẳn như vậy!

"Nữ sinh hoa khôi trường Luật TP.HCM" và câu chuyện cổ tích 40 năm khiến nhiều người ứa nước mắt ảnh 2

Ba cha con "Dr. Thanh" cùng hòa giọng trong một bài hát ý nghĩa

Vở kịch “Chuyện nhà Dr. Thanh” bắt đầu với nhân vật ông Thanh hồi trẻ - Gầy, xốc nổi, lãng tử và… giang hồ, ông Thanh khi trung niên – quyết đoán, mạnh mẽ, song có phần cứng rắn khi ra những quyết định liên quan tới thành viên gia đình, và ông Thanh hiện tại – do chính ông Trần Quí Thanh nhập vai.

Những hoạt cảnh đơn giản, nhưng lại rất tinh tế, khi nhân vật chính là ông Thanh luôn có hình ảnh của bà Phạm Thị Nụ song hành. Thành ra, người xem tiếp nhận câu chuyện với vai diễn trực diện của “anh chàng Thanh giang hồ, lãng tử”, song ở mỗi bước cởi nút, mỗi đoạn cao trào, vai trò của bà Nụ lại xuất hiện, rất nhẹ nhàng, ý nghĩa và giàu cảm xúc.

"Nữ sinh hoa khôi trường Luật TP.HCM" và câu chuyện cổ tích 40 năm khiến nhiều người ứa nước mắt ảnh 3

Ca sĩ Phi Nhung - khách mời của chương trình - bày tỏ sự xúc động sau khi xem

Vở kịch tái hiện hình ảnh của một chàng trai Trần Quí Thanh ham chơi, luôn tự tin vì là “con nhà giàu”. Nhưng điều khiến anh chàng không trượt xuống vũng lầy chính là cá tính khác người: Biết xấu hổ khi bị chê bai vì mải chơi, lười học, kém tri thức; Biết vươn lên theo cách cực đoan, quyết liệt khó tin để đạt được mục tiêu đề ra – giành lấy những thứ tưởng chừng như “không thể”.

Sự tức giận đến mức cuồng nộ của Thanh khi bị bạn gái chê bai, sự quyết tâm vùi đầu vào sách vở, bất chấp những thú vui khó người đàn ông nào từ chối, đã giúp anh chàng lêu lổng, bị mọi người coi như “công tử phá phách” làm được một việc động trời: Đỗ Đại học Bách Khoa TP.HCM.

"Nữ sinh hoa khôi trường Luật TP.HCM" và câu chuyện cổ tích 40 năm khiến nhiều người ứa nước mắt ảnh 4

Cô nữ sinh trường Luật rung động trước "đại ca Thanh" lãng tử

Cũng trong những ngày tuổi trẻ xốc nổi đó, Thanh còn làm được một chuyện… động trời khác: “Tán đổ” cô nữ sinh hoa khôi của trường Luật TP.HCM. Thông minh, xinh xắn và có ý chí khác người, cô nữ sinh tên Nụ đã quyết định bỏ qua muôn vàn lời tán tỉnh của những kẻ si mê, để nhận lời yêu và lấy anh chàng Thanh luôn có câu cửa miệng “con gái nó phải thích tao, chứ đời nào tao… thích trước”. Có lẽ, chính cá tính khác người đó của Trần Quí Thanh đã khiến cô hoa khôi không thể chối từ, và cũng từ đây, câu chuyện cổ tích về gia đình ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát bắt đầu, với rất nhiều nước mắt của sự hờn giận, của cảm thông, chia sẻ, với những nụ cười và cái nắm tay thật chặt để vượt qua mỗi cuộc giông tố…

Những hoạt cảnh của vở kịch tiếp tục trôi qua, và người ta thấy cô nữ sinh hoa khôi thuở nào bắt đầu ôm bụng bầu, đạp xe giao hàng đi… bỏ mối. Cô nặng nhọc di chuyển, thậm chí liều lĩnh đẩy xe khi vào cung đường khó. Chứng kiến cảnh tượng lạ lùng đó, có anh chàng đẹp trai sẵn lòng dừng lại, giúp cô đạp xe qua đoạn đường dốc, và đèo luôn cô hoa khôi bụng bầu phía sau.

"Nữ sinh hoa khôi trường Luật TP.HCM" và câu chuyện cổ tích 40 năm khiến nhiều người ứa nước mắt ảnh 5

Cô nữ sinh hoa khôi thuở nào giờ vừa mang bầu, vừa đạp xe... bỏ mối hàng

“Chồng cô đâu mà để cô phải vất vả thế này? Mà… cô đẹp thật đấy!”, lời nói của anh chàng tốt bụng không quen biết ở giữa đường, khiến cô Nụ ngồi sau bật khóc tức tưởi.

Cô khóc, vì chợt nhận ra rằng có thời mình đã là hoa khôi, được rất nhiều người theo đuổi, và giờ, khi ôm bụng bầu nặng trĩu, ngồi trên chiếc xe đạp giao hàng cọc cạch, cô thấy thật… ngang trái. Cái tủi thân rất “người” ấy, khiến tôi nín lặng. Nó quá đời, quá thực, và rất ý nghĩa.

Bởi khi nữ sinh hoa khôi thuở nào bật khóc tủi thân vì hoàn cảnh, nhưng không rũ bỏ tất cả, mà vẫn bám chặt đôi tay vào càng xe chở hàng, để tiếp tục gắn bó với người chồng “lúc nào cũng chỉ biết tới công việc”, thì đó là một sự thể hiện tâm niệm vô cùng chân thực về đức tính tuyệt vời của bà Phạm Thị Nụ.

"Nữ sinh hoa khôi trường Luật TP.HCM" và câu chuyện cổ tích 40 năm khiến nhiều người ứa nước mắt ảnh 6

Khoảnh khắc đẹp, rất 'người' của nữ hoa khôi, khi tủi thân nghĩ về hoàn cảnh của mình

Theo thời gian, những người con trong gia đình ông Thanh, bà Nụ lớn dần lên, mâu thuẫn cũng theo đó mà tăng lên. Đó là mâu thuẫn giữa một người cha nuôi chí lớn, quyết không để tình thân chi phối, làm hỏng doanh nghiệp với hàng nghìn người lao động, với một người mẹ thương con, “dù nó có làm gì sai trong điều hành doanh nghiệp chăng nữa, nó vẫn là con mình”. Rồi cả mâu thuẫn gia đình với một người cha quá yêu công việc, tới mức con gái lớn đã phải thốt ra với mẹ rằng: “Li dị ba đi. Má định sống khổ như thế này cả đời à? Tại sao chứ? Bỏ đi, và má có thể sống cuộc đời hạnh phúc của riêng mình”.

Trong vở kịch ấy, cô gái Trần Uyên Phương đã nhìn thẳng vào mắt mẹ mình, và hỏi: “Má hãy nói thật cho con, má thấy ba có còn yêu má nữa không?”. Câu trả lời của bà Nụ khiến tất cả phải lặng người, vì sự hy sinh và yêu thương vô điều kiện: “Má tin là có, theo cách riêng của ba con!”.

"Nữ sinh hoa khôi trường Luật TP.HCM" và câu chuyện cổ tích 40 năm khiến nhiều người ứa nước mắt ảnh 7

Sau tất cả, ông Trần Quí Thanh đã phải thốt lên: "Anh sẵn sàng đánh đổi tất cả để có sức khỏe của em, đối tác ưng ý nhất cuộc đời anh!"

Vở kịch kết lại đầy cảm xúc, khi từng người trong gia đình “Dr.Thanh” nhận ra giá trị và sức mạnh của thứ tình cảm thiêng liêng, không gì có thể chối bỏ. Và người tạo ra chất keo gắn kết thứ tình cảm đó, không ai ngoài khác ngoài “cô nữ sinh hoa khôi” năm nào – bà Phạm Thị Nụ, người chấp nhận lùi lại phía sau để hy sinh, làm chỗ dựa vững chắc cho chồng con.

“Má hãy nói thật cho con, má thấy ba có còn yêu má nữa không?”

"Má tin là có, theo cách riêng của ba con!", bà Phạm Thị Nụ - vợ ông Trần Quí Thanh.

Kết kịch, tôi ngả người ra ghế, từ từ ngẫm lại từng hoạt cảnh từ đầu tới cuối. Đây thực sự là một vở kịch đơn giản, nhưng ý nghĩa sâu xa và những cảm xúc gửi gắm trong đó, lại không hề giản đơn chút nào. Khi ấy, tôi đã tin rằng những người may mắn có mặt trong khán phòng sẽ về nhà, gối đầu lên tay và nghĩ lại về vở kịch. Rồi họ sẽ nhận ra những lớp nghĩa đẹp được xếp tuần tự dưới bề ngoài giản đơn ấy.

"Nữ sinh hoa khôi trường Luật TP.HCM" và câu chuyện cổ tích 40 năm khiến nhiều người ứa nước mắt ảnh 8

Dù sức khỏe yếu, bà Phạm Thị Nụ (áo đỏ) vẫn lên sân khấu chia sẻ cảm xúc về vở kịch ý nghĩa

Tác giả cuốn “Chuyện nhà Dr. Thanh” – chị Trần Uyên Phương – nói rằng vở kịch là món quà đặc biệt mà chị và Tân Hiệp Phát gửi tặng bà Phạm Thị Nụ, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10. Nhưng tôi nghĩ không chỉ có vậy. Vở kịch thực sự là món quà gắn kết gia đình nhỏ của ông Trần Quí Thanh, gắn kết  đại gia đình nhân viên Tân Hiệp Phát, và gắn kết cả những người bạn yêu quý các giá trị mà ông Trần Quí Thanh và gia đình đã, đang tạo ra mỗi ngày.

Bởi thế, khi bước chân ra về, tôi tin rằng vở kịch diễn ra trong một sân khấu ấm cúng, sẽ có sức lan tỏa, truyền cảm hứng với quy mô gấp hàng trăm, nghìn lần. Khi những nhân viên Tân Hiệp Phát được truyền thứ cảm hứng đặc biệt đó, họ sẽ là nhân tố góp phần đưa tập đoàn vươn ra biển lớn như chiến lược mà ông Trần Quí Thanh đề ra. Vì họ không làm việc cho một doanh nghiệp. Họ đang làm trong một đại gia đình giàu tình cảm, sẻ chia và luôn biết yêu thương nhau. Như tình cảm mà bà Phạm Thị Nụ đã trao đi trong câu chuyện cổ tích tình yêu 40 năm vậy!

Tin cùng chuyên mục