Nỗi lòng chủ nhà cho thuê trong mùa dịch Covid-19: "Đừng đổ tiếng ác cho chúng tôi!"

ANTD.VN - Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc kinh doanh của nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, người ta nói nhiều tới câu chuyện "giá thuê mặt bằng" - khoản tiền luôn khiến mọi chủ kinh doanh phải đau đầu. Đã có rất nhiều lời kêu gọi chủ nhà giảm giá, nhưng ở chiều ngược lại, người cho thuê nhà cũng đang bị ảnh hưởng, và thậm chí phải than: "Đừng đổ tiếng ác cho chúng tôi!"

Covid-19: Muôn chuyện kể về... chủ nhà

Từ khi dịch bệnh Covid-19 gây ra những xáo trộn trong cuộc sống xã hội (từ tháng 2-2020 tới nay), việc kinh doanh của nhiều cửa hàng, công ty dịch vụ... đã gặp khó khăn đáng kể.

Từ việc lượng khách giảm mạnh, nguồn cung nguyên - nhiên liệu không ổn định, doanh thu hằng tháng cũng bị kéo tụt nghiêm trọng. Trong hoàn cảnh này, khoản tiền thuê mặt bằng vốn luôn "ngốn" phần đáng kể trong chi phí hoạt động kinh doanh trở thành một gánh nặng thường trực trong suy nghĩ của các chủ cửa hàng, công ty.

Tình trạng kinh doanh khó khăn khiến mối quan hệ chủ nhà - người thuê trở nên căng thẳng (ảnh minh họa)

Anh Nguyễn Hoàng - chủ quán cafe ở quận Hoàn Kiếm - chia sẻ: "Giá thuê nhà một tháng ở chỗ tôi là 20 triệu đồng. Bình thường, cộng thêm các chi phí thuê nhân viên, tiền điện, tiền nước thì chi phí bỏ ra khoảng 30 triệu đồng. Tới lúc bị ảnh hưởng vì Covid-19, lượng khách ở chỗ tôi giảm tới 90%, và kể từ lúc có chỉ thị giãn cách xã hội thì đóng cửa hoàn toàn. Việc bán hàng qua kênh trực tuyến không hiệu quả, vì tôi không đầu tư kênh này từ đầu. Gánh nặng mặt bằng khi không phát sinh doanh thu thực sự đau đầu".

Ở tình thế hiện nay, một số câu chuyện về "chủ nhà tốt bụng" đã được chia sẻ nhiều.

Chẳng hạn, chị Lê Nhung (Đà Nẵng) thuê nhà để kinh doanh dịch vụ du lịch Homestay, với mức phí dao động 10-25 triệu đồng/tháng. Khi Covid-19 bùng phát trên thế giới, lĩnh vực của chị Nhung bị ảnh hưởng nặng nề.

"Do thường xuyên chia sẻ, trao đổi với chủ nhà nên tôi nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời. Ban đầu, chủ nhà cho tôi trả tiền thuê từng tháng, không phải theo gói 3-6 tháng như trước. Lúc tình hình khó khăn hơn, chủ nhà thậm chí còn miễn phí tiền thuê một tháng để chia sẻ khó khăn. Tôi vô cùng cảm kích, biết ơn", chị Nhung cho biết.

Hay anh Hải Sang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho một thương hiệu cửa hàng tiện lợi thuê nhà, với giá hơn 50 triệu đồng/tháng. Khi "khủng hoảng" Covid-19 xuất hiện, phía thuê đã chủ động gửi văn bản đề nghị được giảm 35% chi phí thuê mặt bằng, với lý do kinh doanh khó khăn.

Anh Sang đã đồng ý, chia sẻ hình ảnh văn bản đề nghị lên mạng xã hội Facebook với lời bình: "Ai cũng khó khăn, hỗ trợ được chút nào, hay chút ấy".

Từ những câu chuyện ý nghĩa như vậy, rất nhiều chủ kinh doanh đã chia sẻ và "bóng gió", thậm chí thẳng thắn lên tiếng kêu gọi các chủ nhà cần giảm giá, cảm thông cho thị trường dịch vụ đang bị "đóng băng".

"Đừng đổ tiếng ác cho chúng tôi!"

Từ câu chuyện kêu gọi các chủ nhà thông cảm, giảm giá, đã xuất hiện một số trường hợp "cực đoan" hơn. Khi không được đáp ứng theo đề nghị, những người thuê mặt bằng này đã dành lời lẽ nặng nề cho chủ nhà.

Bà Hiền Mai - chủ một ngôi nhà cho thuê trọn tầng ở đường Đê La Thành (quận Đống Đa, Hà Nội) - cho biết: "Mỗi tháng, tôi thu được khoảng 25 triệu đồng. Đây là khoản tiền rất quan trọng, vì vợ chồng tôi đều đã về hưu, thu nhập chủ yếu dựa vào nguồn này. Khi để ra được thì còn hỗ trợ thêm cho con cái. Giờ khó khăn, tôi thông cảm, nhưng người thuê đề nghị giảm đến 50% tiền nhà thì quá khó. Người đi thuê muốn nghĩ cho họ, nhưng ai nghĩ cho những chủ nhà như chúng tôi?"

Một mặt bằng của dịch vụ Homestay đã thuê. Bình thường, đây là mô hình ăn khách, nhưng khi Covid-19 xuất hiện thì dịch vụ gắn với du lịch này gặp nhiều khó khăn

Theo anh Hải Sang (đã đề cập ở trên), mức đề nghị giảm chi phí thuê nhà hiện nay phổ biến khoảng 30%, và đó là mức "có thể chấp nhận được".

"Nhà tôi thì mọi người vẫn đi làm, thu nhập qua nhiều kênh nên khi nhận đề nghị hỗ trợ giảm 35% giá tiền nhà, gia đình tôi chấp nhận khá thoải mái. Nhưng gia đình nào sống với nguồn thu chủ yếu là khoản cho thuê nhà đó mà lại bị giảm mạnh thì họ khó gật đầu dễ dàng như chúng tôi. Quan trọng là sự hài hòa, tìm được tiếng nói chung của 2 bên, chứ không thể ép buộc chủ nhà phải chấp thuận được, vì còn có hợp đồng giao kết ban đầu", anh Hải Sang bày tỏ.

Câu chuyện về mối quan hệ chủ nhà - người thuê kinh doanh như của chị Lê Nhung ở trên cũng có nhiều điều đáng suy nghĩ. Theo chị Nhung, để được chủ nhà thông cảm, dành ưu đãi trong giá thuê thì người sử dụng mặt bằng cũng cần "biết điều", giữ mối quan hệ tốt.

"Đầu tiên, tôi nghĩ bản thân mình may mắn nên gặp được chủ nhà tốt bụng, hiểu chuyện. Thứ đến, tôi cho rằng mình cũng biết điều, cân đối phù hợp trong cuộc sống. Chẳng hạn, khi kinh doanh tốt thì tôi chủ động gửi thêm tiền thuê nhà. Tôi cũng thường hỏi han, nói chuyện với chủ nhà, biết chủ nhà có khó khăn thì chủ động đóng tiền nhà sớm trước hạn để cô chú giải quyết khó khăn. Nên khi mình gặp khó khăn thì cũng được chủ nhà giúp lại", chị Nhung chia sẻ.

"Giảm giá thuê nhà hay không? Giảm bao nhiêu là đủ?" có lẽ sẽ là câu chuyện không có hồi kết, một khi chủ nhà và người thuê không tìm được tiếng nói chung. Sự hòa hợp, thông cảm đôi bên là những yếu tố cần nhất lúc này, để hai bên cùng vượt qua khó khăn.

Bà Hiền Mai - chủ nhà đã đề cập bên trên - tâm sự: "Khó khăn chung cho tất cả, có giai đoạn khó nhiều, có lúc khó ít. Những người cho thuê mặt bằng như chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và chung tay hỗ trợ người thuê, miễn sao mức giảm giá hợp lý. Xin đừng đổ tiếng ác cho chúng tôi!".