Những thông tin cần biết khi dịch sốt xuất huyết "vào mùa"

ANTD.VN - Sốt xuất huyết không chỉ là căn bệnh nguy hiểm với trẻ em mà ngay cả với người lớn. Sự chủ quan đối với sức khỏe của bản thân cũng như không tuân thủ đúng quy trình chữa bệnh là những nguyên nhân trực tiếp khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn.

Bên cạnh việc phòng ngừa dịch bệnh, công tác chữa trị cho người bệnh cũng cần được quan tâm và tuân thủ các bước nghiêm ngặt để tránh được những biến chứng nguy hiểm cũng như hạn chế lây lan cho những người xung quanh. 

Không tự ý dùng thuốc hạ sốt

Khi chưa xác định sốt do bệnh gì thì không nên tự ý sử dụng các thuốc hạ nhiệt, như aspirin hay ibuprofen. Trường hợp không mong muốn, hai loại thuốc này sẽ khiến tình trạng chảy máu ở bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue trở nên trầm trọng hơn, thậm chí xuất huyết dạ dày nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng.

Hạ sốt liên tục

Lo lắng khi thấy người bệnh sốt cao nên người nhà thường muốn giảm sốt cấp tốc, nhất là đối với trẻ em. Tuy nhiên, vì là bệnh do virus nên nhiệt độ sau khi hạ xong lại tiếp tục tăng trở lại. Trong quá trình điều trị cần tránh thực hiện các biện pháp hạ sốt cấp tốc vì sẽ có nguy cơ tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể.

Ra nơi có gió to, tắm nước lạnh

Hiện tượng xuất huyết có thể xảy ra ở ngày thứ 2 hoặc thứ 3 và kéo dài vài ngày. Bệnh nhân cần ở nhà nghỉ ngơi, không ra gió, không tắm nước lạnh, chỉ nên lau người bằng nước ấm. vì nước lạnh có thể làm co mạch ngoài da nhưng lại làm giãn mạch trong nội tạng dễ dẫn đến tử vong.

Sử dụng phương pháp dân gian để chữa bệnh

Cạo gió, xông hơi hoặc những phương pháp dân gian, truyền miệng,… đều chưa được chứng minh hiệu quả rõ ràng trong thực tiễn. Vì vậy, không nên tùy tiện áp dụng các biện pháp trên đối với người bệnh để tránh dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Không ăn các thực phẩm có màu đen, nâu, đỏ

Khi ăn hoặc uống các loại thực phẩm hay thức uống có màu, phân của bệnh nhân sốt xuất huyết có thể bị nhuộm màu tối. Vì thế, chúng ta sẽ khó phân biệt với phân có lẫn máu trong trường hợp người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa. Đôi khi bệnh nhân nôn ra bệnh phẩm có màu thâm đen bất thường thì cũng khó phân biệt được đó là màu của thực phẩm hay màu của máu do tình trạng xuất huyết tiêu hóa.

Không ăn trứng 

Trứng có thể sinh ra một lượng nhiệt lượng lớn tích trữ trong cơ thể người bệnh. Đối với bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue, nhất là trẻ em, khi ăn trứng gà sẽ làm thân nhiệt tăng lên, nhiệt lượng không phát tán ra ngoài được, khiến cho tình trạng sốt lâu khỏi. Chính vì vậy, ăn trứng là điều kiêng kỵ khi bị nhiễm virus Dengue.

Một số đồ uống cần tránh

Tất cả những thức uống này đều có chứa cafein, khiến cho não bị kích thích, làm tăng huyết áp, tim đập nhanh và cơ thể trở nên mệt mỏi hơn. Bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết Dengue khi uống trà đặc còn làm giảm tác dụng của một số loại thuốc hạ sốt. Hơn nữa, trong trà có chứa một số chất có tác dụng tăng nhiệt độ của cơ thể, khiến cho tình trạng sốt trở nên trầm trọng hơn.

Không ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ngọt

Dầu mỡ là tác nhân hàng đầu gây ra đầy bụng, khó tiêu. Điều này khiến cho cơ thể người bệnh ì ạch, mệt mỏi, bệnh chậm hồi phục hơn. Nước ngọt có gas, bánh kẹo ngọt, mật ong và các thực phẩm có chứa đường là những thứ mà bệnh nhân nên tránh. Việc hấp thụ quá nhiều đường vào cơ thể sẽ khiến các tế bào bạch cầu hoạt động chậm chạp, khả năng diệt khuẩn yếu ớt và bệnh sốt xuất huyết càng lâu khỏi.

Không ăn đồ cay nóng

Khi bị bệnh, sức đề kháng của cơ thể chúng ta bị giảm và năng lượng cũng bị hao hụt đi rất nhiều. Ăn các món cay nóng không chỉ khiến bệnh nặng thêm mà còn ảnh hưởng đến sự hồi phục của bệnh nhân.

Hạn chế muỗi tiếp xúc với da

Nguyên nhân gây ra sốt xuất huyết Dengue chính là muỗi truyền virus. Khi đã mắc bệnh tức là nhiều khả năng bạn đang nằm trong vùng bùng phát dịch bệnh. Do vậy, không được để muỗi tiếp xúc với da, không những bị truyền thêm một lượng virus làm bệnh nặng thêm, mà còn xảy ra nguy cơ lây bệnh cho những người thân xung quanh.

Cách phòng ngừa sốt xuất huyết 

Hiện nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng bệnh, do đó mỗi người cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp sau đây để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh:

- Giữ vệ sinh nơi sinh sống, diệt lăng quăng.

- Mặc quần áo dài tay.

- Ngủ trong màn tránh muỗi đốt kể cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun thuốc diệt muỗi phòng chống dịch sốt xuất huyết.

- Đặc biệt, sử dụng các sản phẩm chống muỗi khiến muỗi tránh xa là lựa chọn hoàn hảo để bảo vệ mọi thành viên trong gia đình.

Số ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội vẫn đang tiếp tục gia tăng mạnh, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, nhất là các quận có tốc độ đô thị hóa mạnh. Trước diễn biến trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội và các TTYT quận, huyện, thị xã đang tiếp tục duy trì hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân tại các bệnh viện được phân cấp giám sát và tại cộng đồng; giám sát véc tơ và côn trùng truyền bệnh; giám sát tác nhân gây bệnh; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết.

Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố đã tổ chức 1.128 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy; kiểm tra 4.824.690 dụng cụ chứa nước trong các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học, công trường,... trong đó phát hiện 243.270 dụng cụ chứa nước có bọ gậy và đã xử lý loại trừ ổ bọ gậy được 228.958 dụng cụ. Chiến dịch đã huy động 106.981 lượt người tham gia.

Không dùng aspirin để hạ sốt

Hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết. Người mắc bệnh sẽ có những triệu chứng như sốt, đau đầu, đau mình mẩy, đau cơ, khớp (rất giống với triệu chứng của cảm sốt thông thường hay cảm cúm...) và xuất huyết. 

Aspirin có tác dụng để hạ sốt và giảm đau (mức độ nhẹ và vừa). Thế nhưng thuốc chỉ an toàn khi sử dụng ở người khỏe mạnh, bình thường, không có các bệnh lý như hen, dị ứng, loét dạ dày hoặc tá tràng đang hoạt động, suy tim vừa và nặng, suy gan, suy thận... Người có bệnh ưa chảy máu, giảm tiểu cầu tuyệt đối không được dùng.

Trong bệnh sốt xuất huyết, người bệnh sẽ bị rối loạn đông máu, khiến cơ thể dễ bị chảy máu (xuất huyết) và giảm tiểu cầu. Ở thể nhẹ sẽ bị xuất huyết dưới da với các chấm đỏ trên da hoặc vết bầm. Ở thể nặng sẽ gây chảy máu răng, chảy máu cam, nôn (ói) ra máu hoặc tiêu phân đen. Trong khi đó, aspirin lại ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu (nên sẽ chống lại quá trình cơ thể tự cầm máu khi bị chảy máu do sốt xuất huyết), gây loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày... làm cho việc chảy máu do sốt xuất huyết gây ra kéo dài hơn và không cầm được (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa). Kết quả làm cho bệnh sốt xuất huyết trầm trọng thêm, thậm chí đe dọa đến tính mạng. 

Điều nguy hiểm là các triệu chứng của sốt xuất huyết dễ bị nhầm lẫn với các ca sốt virus thông thường nên nhiều người đã tự ý mua aspirin về dùng mà không biết mình đang bị sốt xuất huyết, nên đã xảy ra tai biến... Vì vậy, khi bị những triệu chứng trên (nhất là trong mùa dịch) mà chưa loại trừ được sốt xuất huyết thì tuyệt đối không được dùng aspirin để hạ sốt. Người bệnh cần đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán để được dùng thuốc thích hợp và điều trị kịp thời.