Những món ngon giải nhiệt mùa hè làm từ quả vải

ANTD.VN - Quả vải còn được gọi là "lệ chi" - Một trong những loại quả được mong ngóng nhất mùa hè, có vị thanh mát, ngon ngọt. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ăn quá nhiều vải cùng một lúc sẽ gây nhiệt cho cơ thể, nhiều người đã nghĩ ra cách làm các món khác nhau từ quả vải. 

Sinh tố vải

Đây là món ngon hấp dẫn từ quả vải vừa có tác dụng giải nhiệt vừa đẹp da.

Nguyên liệu: 20 quả vải, 1/3 quả chanh tây hoặc chanh ta, 1 thìa đường (tăng/giảm tùy thích) và vài ba hạt muối.

Cách làm: Vải bóc vỏ và tách bỏ hạt, lấy phần thịt quả sau đó rửa sạch. Cho vải vào máy ép lấy nước và trộn đều nước ép với vài ba hạt muối. Nếu có máy xay sinh tố, bạn đổ thịt vải vào máy xay rồi xay nhuyễn, lọc bỏ bã để lấy nước cốt vải. Thêm đường và vắt thêm chanh để tăng độ chua của thức uống. Chanh còn giúp cốc nước ép vải của bạn không bị thâm. Cuối cùng, bạn cho thêm vài viên đá và tận hưởng vị thơm ngon của thứ đồ uống mát lành.

Siro vải

Nguyên liệu: 1kg vải đã lột vỏ, bỏ hạt, 500ml nước, 800gr đường.

Cách làm: Đun đường với nước cho sôi tới khi nước đường hơi sánh lại thì cho vải vào. Đun sôi khoảng 5 – 8 phút rồi tắt bếp, để nguội rồi đổ vào lọ.

Lọ siro vải này rất tiện, có thể chế biến thành đồ uống hoặc món tráng miệng rất ngon lành và tiện lợi. Để có cốc nước vải thanh mát, bạn chỉ cần đổ một chút siro vải vào cốc, thêm nước, đá và cho thêm vài lá bạc hà vào cho đẹp. Các lọ siro vải có thể bảo quản từ 1 – 3 tháng ở chỗ mát và tối. Nếu để trong tủ lạnh, có thể bảo quản tới 6 tháng.

Chè vải sương sáo

Nguyên liệu: 1 ít quả vải tươi tách hạt (khoảng 300 g), sương sáo trắng, 1 hộp sữa tươi, 1 ít nước cốt dừa, đường thốt nốt, đường cát, 150 g hạt sen khô.

Cách làm: Hạt sen khô rửa sạch ngâm khoảng 30 phút. Vải tươi bóc vỏ tách hạt. Hòa 1 gói bột sương sáo trắng với 180 ml sữa tươi, 150 ml nước lọc cùng 3 thìa đường cát cùng 2 thìa nước cốt dừa. Sau đó đợi bột sương sáo tan ra đem đun sôi. Với cách làm như này bạn sẽ có những miếng thạch sương sáo cực thơm và ngậy nhé. Đổ thạch vào khuôn đợi nguội cho vào tủ lạnh.

Canh vải

Nguyên liệu: 10 quả vải tươi; 1 quả mướp đắng; 2 cánh gà. Ngoài ra còn các gia vị khác như gừng, bột canh, bột ngọt, hạt tiêu, rượu gạo, nước tương…

Cách làm: Cánh gà chặt thành miếng nhỏ, ướp với gia vị, hạt tiêu trắng, ba thìa rượu gạo, một thìa nước tương. Mướp đắng rửa sạch, bổ đôi theo chiều dọc. Lọc bỏ ruột và hạt rồi cắt thành từng miếng có kích thước 5 x 5 cm. Vải thiều bóc vỏ, tách bỏ hạt, cùi vải để riêng ra bát.

Gà sau khi ướp gia vị chừng 20 phút, thêm khoảng 600 ml nước, cho lên bếp hầm với lửa nhỏ, mở vung. Dùng khoảng 1 lạng gừng. Sau khi gừng làm sạch, đập dập cho vào nồi hầm. Khi thấy gà đã mềm, lần lượt cho mướp đắng, quả vải và hầm thêm chừng 2 - 3 phút nữa. Sau đó nêm gia vị cho vừa miệng.

Ngoài cánh gà, bạn có thể thay bằng tôm khô, sườn non, thịt thăn, mọc... Để thay đổi khẩu vị, ngoài gia vị, thỉnh thoảng bạn có thể dùng đường phèn để nêm nếm cho món canh. Món canh mướp đắng, quả vải rất tốt khi dùng trong tiết trời mùa hè, có tác dụng phòng các bệnh thông thường như sổ mũi, cảm lạnh, sốt do thay đổi thời tiết hay do ngồi điều hòa quá nhiều.

Vải xào nhồi tôm

Nguyên liệu: 300gr tôm, 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê bột bắp, 1/4 cà phê tiêu xay, 12 quả vải đóng hộp, 1 ít ớt bột, xà lách, ngò trang trí.

Nước sốt gồm 1 chén nước dùng gà, 1 muỗng cà phê dầu, 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê bột bắp pha loãng, 2 lòng trắng trứng gà.

Cách làm: Tôm lột vỏ, sau đó ướp với muối, bột năng, bột tiêu. Quả vải rắc bột năng vào bên trong, xà lách, ngò rửa sạch. Chia tôm thành 10 viên bằng nhau. Nhồi tôm vào trong quả vải, xếp tôm ra đĩa rồi cho vào vỉ hấp với lửa lớn từ 6 - 8 phút cho tôm chín từ bên trong.

Chế nước sốt bằng cách nấu sôi nước dùng với muối và dầu ăn. Tưới bột năng và lòng trắng trứng vào, khuấy đều cho sền sệt. Lót xà lách dưới đĩa sâu, xếp quả vải lên trên, rải ngò, rắc bột ớt và rưới nước sốt lên trên… những quy trình như vậy được hoàn thiện là đã xong món vải xào nhồi tôm.