Những loại thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình

ANTD.VN - Việc trang bị cho tủ những loại thuốc thiết yếu và những y cụ cần thiết để sử dụng trong một số tình huống sơ cấp cứu ban đầu sẽ giúp can thiệp kịp thời, phòng tránh được những diễn biến xấu của bệnh. 

Những loại thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình ảnh 1Vị trí đặt tủ thuốc phải là nơi dễ nhìn thấy, tiện lợi cho việc sử dụng

Những loại thuốc và vật dụng y tế cần thiết 

Thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm: một số loại thuốc như paracetamol, aspirin,... bạn nên dự trữ một số dạng viên dành cho người lớn, dạng bột hoặc dạng sủi nếu nhà có con nhỏ. Có thể dự trữ dạng viên con nhộng hạ sốt dùng cho đường hậu môn trong trường hợp trẻ nhỏ cần được hạ sốt khẩn cấp. Lưu ý, tránh lạm dụng thuốc giảm đau, hạ sốt, dùng cần cách nhau 6 tiếng, dùng quá liều có thể gây ngộ độc.

Thuốc sát trùng, bông băng, gạc y tế: Các loại thuốc sát trùng và các thuốc mỡ kháng sinh để chống nhiễm trùng khi bị trầy xước. Ngoài ra bông băng, gạc y tế là cần thiết để băng bó các vết thương nhỏ và sơ cứu ban đầu các vết thương lớn. Trong trường hợp, vết thương hở to, vết thương nặng và sâu cần sơ cứu ban đầu và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử lý kịp thời. Nên trang bị cho mình một số kiến thức về sơ cấp cứu để có các thao tác xử lý một cách tốt nhất.

Các y cụ khác như cặp nhiệt độ, máy đo huyết áp. Cặp nhiệt độ để đo nhiệt độ khi bị sốt để có phương án chườm lạnh và uống thuốc hạ sốt hợp lý. Sử dụng máy đo huyết áp tự động trong trường hợp gia đình có người già hoặc người có các bệnh về huyết áp, tim mạch.

Dung dịch nước muối sinh lý. Nên trang bị cho tủ thuốc dung dịch nước muối sinh lý, thuốc nhỏ mắt, mũi để có thể vệ sinh mắt mũi hằng ngày khi đi đường có nhiều bụi bẩn hoặc thời điểm có nhiều dịch bệnh.

Thuốc da liễu, thuốc bôi ngoài da. Có thể trang bị cho tủ thuốc một số thuốc trị bỏng, thuốc làm liền sẹo giúp các vết bỏng dịu nhẹ, không bị phồng rộp.

Thuốc tiêu hóa: Thuốc tiêu hóa là một trong những loại thuốc cần thiết nhất mà bạn nên trang bị cho tủ thuốc gia đình mình. Bởi các vấn đề về tiêu hóa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe hàng ngày. Một số loại thuốc điều trị như: Oresol dùng để bù nước trong trường hợp tiêu chảy, Smecta, Becberin dùng khi tiêu chảy.

Những điều cần lưu ý 

Dán hoặc treo cạnh tủ thuốc hướng dẫn xử trí trong những trường hợp khẩn cấp như bị bỏng, bị đột quỵ… Dán danh sách các số điện thoại khẩn cấp, số điện thoại của bệnh viện, bác sĩ gia đình để có thể gọi hỏi thông tin cấp cứu. Nên đặt tủ thuốc ở nơi có nhiệt độ ổn định, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp để không bị ảnh hưởng đến chất lượng thuốc. Nên đặt ở vị trí cao, có khóa tủ, tránh xa tầm với của trẻ em. Vị trí đặt tủ thuốc phải là nơi dễ nhìn thấy, tiện lợi cho việc sử dụng.

Nên lau dọn tủ thuốc và khu vực xung quanh tủ thuốc thường xuyên. Thường xuyên kiểm tra tủ thuốc và cập nhật thêm các thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe gia đình và theo mùa bệnh lý. Các loại thuốc cần được sắp xếp, ghi chú rõ ràng, tránh nhầm lẫn. Trong gia đình có thành viên bị bệnh mạn tính phải dùng những thuốc đặc biệt như hạ huyết áp, trợ tim, giảm đau nên để nơi riêng biệt.

Nếu dùng thuốc thông thường trị các rối loạn nhẹ ở trẻ sau 1 ngày mà không thấy đỡ phải đưa trẻ đến bác sĩ khám bệnh. Hàng năm, bạn nên tiến hành rà soát tủ thuốc một lần để loại bỏ những thuốc đã hết hạn sử dụng. Tốt nhất là nên giữ nguyên bao bì của những loại thuốc đã mua vì trên đó bạn có thể biết thông tin quan trọng như hạn sử dụng, liều dùng, cách bảo quản.

Thận trọng khi sử dụng

Aspirin: Bạn tuyệt đối không được cho trẻ em dùng aspirin nếu không có chỉ định của bác sĩ bởi loại thuốc này có liên quan đến hội chứng Reye nguy hiểm, có thể gây tử vong ở trẻ nhỏ. Và không chỉ với trẻ nhỏ mà Aspirin cũng cần rất thận trọng khi dùng cho người lớn.

Nhiệt kế thủy ngân: Các bác sĩ nhi khoa khuyên bạn nên thay loại nhiệt kế thủy ngân bằng nhiệt kế điện tử bởi loại nhiệt kế cũ khi bị vỡ có thể gây nhiều nguy hiểm. Lưu ý rằng tủ thuốc gia đình chỉ dùng để chữa những triệu chứng bệnh vặt chứ không thể thay thế việc điều trị lâu dài; khi có dấu hiệu lạ hoặc bạn đã uống thuốc một vài lần mà vẫn chưa hết bệnh thì cần đi khám bác sĩ.