Những kỹ năng giúp con chống lại bạo lực học đường

ANTD.VN - Bạo lực học đườn đang khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ về hành vi ứng xử trong môi trường mô phạm. Trước tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng phụ huynh cần làm gì để giúp con vượt qua những cách mà “mẹ hổ” đang áp dụng hàng ngày.

Gần đây, hàng loạt các vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra khiến cho nhiều người bức xúc. Đặc biệt, vụ cô giáo bắt học sinh tát 231 cái tát ở Quảng Ngãi khiến nam sinh nhập viện, hay cô giáo ở Hà Nội bị tố bắt học sinh tát 50 cái đang gióng lên hồi chuông về nạn bạo lực học đường.

Những kỹ năng giúp con chống lại bạo lực học đường ảnh 1 

Bạo lực học đường diễn ra với mức độ ngày càng nhiều và dày đặc

Trong thời gian qua, những vụ bạo lực học đường do trẻ gây ra hay là nạn nhân của bạo lực học đường đều do thiếu kỹ năng trước các hoàn cảnh bạo lực cụ thể. Đó chính là các cách ứng xử, hành vi, lời nói thích ứng có hiệu quả tìm ra lối thoát khỏi bế tắc trong tình huống nảy sinh bạo lực như bắt nạt, cô lập, hành hung…

Tạo môi trường an toàn tại trường học

Theo thông tin trên báo VNN, để giúp con chống lại bạo lực học đường cha mẹ cần xây dựng mối quan hệ với trường học và các tổ chức cộng đồng để thúc đẩy sự an toàn của trẻ. Hãy làm quen với các phụ huynh khác và thảo luận các vấn đề an toàn. Cha mẹ phải là người đứng ra bênh vực cho con cái.

Những kỹ năng giúp con chống lại bạo lực học đường ảnh 2 

Khuyến khích con chơi với tất cả mọi người không nên chơi theo nhóm hội

Tham dự đầy đủ các cuộc họp của trường. Điều này trở nên quan trọng hơn khi những đứa trẻ càng lên lớp lớn.

Làm việc với trường để thúc đẩy các chương trình an toàn trường học.

Tìm hiểu về các chính sách về kỷ luật, bạo lực học đường. Yêu cầu trẻ thông báo khi có bất kỳ sự bắt nạt hay bạo lực nào.

Khuyến khích con chơi với tất cả mọi người, kể cả những bạn có vẻ khác biệt thay vì chơi theo nhóm.

Dạy trẻ kiểm soát cảm xúc, không hung hăng khi đối mặt với những kẻ bắt nạt. Đặt tình huống và giúp trẻ thực hành để biết cách xử lý những tình huống bạo lực này.

Dạy trẻ tránh xa những kẻ có hành vi bạo lực. Nếu kẻ bắt nạt gây ra những tổn hại về thân thể, hãy dạy trẻ cố gắng tránh xa và tìm sự giúp đỡ.

Chiến đấu với kẻ bắt nạt có thể gây hại nhiều hơn. Vì vậy không nên khuyến khích trẻ làm điều này. Hãy để trẻ biết rằng đó không phải lỗi của chúng nếu chúng bị bắt nạt. Những kẻ bắt nạt thường chọn những đứa trẻ một mình. Dạy trẻ nên đi cùng những người khác.

Kiềm chế tối đa khi xử lý mâu thuẫn trong nhà ngoài ngõ

Không những phải tạo môi trường an toàn trong các trường học mà môi trường sinh hoạt, môi trường sống cũng ảnh hưởng đến tâm lý, phát triển của trẻ.

Theo thông tin trên báo VNE, trẻ con học hỏi rất nhanh nên nếu thấy các cha mẹ hành xử "giang hồ", chúng cũng "giang hồ" ngay. Ví dụ chứng kiến một vụ va chạm taxi với xe máy. Xe máy đi sai luật, đâm vào taxi rồi lăn kềnh ra đất. Chủ nhân của chiếc xe máy khoảng 35-40 tuổi hoàn toàn không bị thương nhưng nằm nguyên dưới đất hét váng lên ăn vạ anh lái taxi. Cũng may là có mấy tài xế ôtô khác quát "Ông đi sai đâm vào người ta còn gì", anh ta mới ngừng ăn vạ nhưng vẫn còn cố chửi anh lái taxi một câu.

Trong trường hợp này, nếu anh lái taxi cũng thuộc loại anh chị thì kiểu gì cũng sẽ có một vụ "bạo lực kiểu mẫu" diễn ra và đám trẻ con lại được phen học hỏi. Vì thế, kiềm chế và chịu thiệt một chút sẽ giúp cho mình an toàn, cho con tránh khỏi một vụ học hỏi không đáng có. Tránh voi chẳng xấu mặt nào.

Làm bạn cùng con

Nhiều cha mẹ chẳng hay biết một chút gì cả những sự việc xảy ra ở trường của con. Điều này vô cùng tai hại. Nếu cha mẹ luôn áp sát, biết mọi việc xảy ra với con, cha mẹ cũng sẽ biết khi nào con có mâu thuẫn với bạn. Khi mâu thuẫn còn rất nhẹ nhàng, với sự hướng dẫn của cha mẹ, con đã có thể làm hòa với bạn rồi, thì làm sao có vụ bạo lực nào xảy ra với con nữa. Thế nhưng cha mẹ không biết gì thì chuyện con bị bạo lực hay con đánh người khác cũng dễ dàng xảy ra.

Dạy con biết tẩu thoát khi không may trở thành nạn nhân

Ý tưởng cho con học võ để tránh một vụ bạo lực là rất thú vị. Tuy nhiên, các cụ đã nói: “Tẩu vi là thượng sách”. Cha mẹ nên dạy con tìm cách thoát khỏi bạo lực thật nhanh. Khi con mình là nạn nhân của một vụ bạo lực nào đó, chạy thoát và tuyệt đối không tìm cách trả thù sẽ giúp con thoát khỏi rắc rối nhanh hơn. Bạo lực chỉ nối tiếp bạo lực, các cha mẹ hãy khuyên con giải quyết mọi khúc mắc trong hòa bình.

Tránh cho con khỏi bạo lực là tránh biết bao nhiêu điều phiền phức. Học võ chỉ giúp ích phần nào thôi. Các cha mẹ hãy để ý một chút thì con sẽ có cuộc sống thật sự an lành.

Kỹ năng cần để chống lại bạo lực học đường

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, để giúp trẻ chống lại tình trạng bạo lực học đường cần dạy cho trẻ kỹ năng hòa nhập và tham gia các nhóm bạn, hội bạn nhằm phòng chống bạo lực học đường. Biết tham gia vào các nhóm bạn khác nhau như nhóm bạn học tập, nhóm bạn học tiếng Anh, nhóm bạn chơi thân…

Những kỹ năng giúp con chống lại bạo lực học đường ảnh 3 

Những vụ ẩu đả dễ làm cho trẻ dẫn đến stress và trầm cảm

Duy trì và phát triển sự thân thiện các mối quan hệ bạn bè giúp trẻ tương tác một cách tích cực với những người xung quanh. Kỹ năng này cũng hướng trẻ biết chọn bạn mà chơi, cùng bạn tìm cách né những trận ẩu đả và nhờ bạn thông tin đến người khác nếu có dấu hiệu của việc gây sự, xung đột. Tránh những người bạn “trái tính, trái nết” có nguy cơ tiềm ẩn bạo lực học đường.

Ngoài ra, kỹ năng làm chủ và ứng phó với hệ lụy do bạo lực học đường. Học sinh các cấp trung học cơ sở và đầu trung học phổ thông thì hoạt động chủ đạo là thiết lập các mối quan hệ bạn bè. Các em rất coi trọng tình cảm trong tình bạn. Một chút bất hòa cũng làm cho chúng “mất ăn, mất ngủ”, thậm chí rơi vào trạng thái stress.

Thường trực có suy nghĩ bất mãn là bị bạn bè sỉ nhục thì không còn gì thể diện nên xuất hiện ý định tiêu cực. Vì thế người lớn phải gần gũi, quan tâm, chia sẻ động viên trẻ biết vượt qua, bản lĩnh hơn mà sống và học tập. Kỹ năng này giúp học sinh cân bằng tâm lý, tránh được trạng thái nổi loạn, ẩu đả gây bạo lực, tránh được sự trầm cảm - nguy cơ cao nhất dẫn đến tự tử.