Những hình phạt học sinh khác lạ

ANTD.VN - Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo tươi cười selfie bên cạnh nam sinh ngủ gật trong giờ để làm bằng chứng. Có lẽ, từ giờ cậu học sinh này sẽ không dám ngủ gật trong giờ học nữa.

Selfie với học sinh ngủ gật để làm bằng chứng

Đầu tháng 4-2019, cộng đồng mạng được dịp xôn xao trước hình ảnh cô giáo chủ nhiệm ở Cà Mau chụp selfie với nam sinh lớp 12 đang ngủ gật trong lớp, để làm bằng chứng.

Khi choàng tỉnh, học sinh này không khỏi hoảng hốt khi cô giáo đang ở bên cạnh. Chắc chắn cách xử lý nhẹ nhàng này của cô giáo sẽ khiến cậu học trò không dám ngủ gật trong giờ lần nữa.

Cô giáo tươi cười selfie bên cạnh học sinh nam ngủ gật

Nam học sinh hoảng hốt khi thấy cô giáo bên cạnh mình

Quạt cho học sinh ngủ quên

Trước đó, trên mạng cũng xuất hiện một clip về trường hợp tương tự, dù đã đến giờ vào học nhưng một học sinh nam vẫn say sưa cắm tai nghe và ngủ ngon lành. Cô giáo không trách phạt, thấy cậu học trò ngủ ngon nên cô đã dùng sách để quạt mát cho cậu ngủ tiếp. Mãi đến khi giật mình thì nam học sinh này mới tỉnh dậy. Cách xử lý “bá đạo” của cô giáo đã làm cả lớp được một trận cười sảng khoái và bạn nam trong clip chắc chắn sẽ có một kỷ niệm đẹp.

Cô giáo quạt mát cho học sinh ngủ quên trong giờ

Tự đập vỡ smatphone vì sử dụng trong giờ học

Đoạn clip dưới đây được quay tại một trường trung học tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, cho thấy các học sinh phải tự tay dùng búa đập vỡ smatphone của mình trước toàn trường. Sau khi các em lần lượt đập vỡ điện thoại của mình, thầy giáo đập lại một lần nữa để chắc chắn tất cả các điện thoại đều đã bị hủy. Đây là hình phạt của nhà trường dành cho các em học sinh bị phát hiện sử dụng điện thoại trong giờ học.

Học sinh tự tay đập vỡ smartphone vì sử dụng trong giờ học

Đoạn clip đã thu hút được đông đảo cư dân mạng với những ý kiến trái chiều. Một số ý kiến ủng hộ cho rằng: nhà trường đã ra quy định cấm sử dụng smartphone trong lớp học, phạm luật thì phải bị trừng phạt, đó là điều hoàn toàn dễ hiểu hoặc nhiệm vụ của học sinh đến trường là để học, không phải để chơi hay sử dụng smartphone đây là hình phạt thích đáng để không học sinh nào dám tái phạm.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những ý kiến không tán thành hình phạt của nhà trường. Một cư dân mạng cho rằng kiểu trừng phạt này là quá nặng và không cần thiết, cách tốt hơn là thu điện thoại và trả lại cho các em vào cuối năm học. Người khác lại cho rằng, đây là hình phạt nhằm vào phụ huynh học sinh, bởi điện thoại là do họ mua cho con cái hơn là học sinh tự mua.  

Phạt sinh viên đi học muộn chép 1000 biểu tượng cảm xúc

Đi học muộn là một trong những lỗi kinh điển của học sinh, sinh viên. Nếu không có hình phạt thích đáng thì hiện tượng này vẫn sẽ tiếp diễn. Một giảng viên trường Đại học Khoa học và Công nghệ điện tử ở Thành Đô (Trung Quốc) đã nghĩ ra hình phạt “đáng yêu” cho những sinh viên đi học muộn, bằng cách viết ra giấy 1000 biểu tượng cảm xúc, và đặc biệt là không được giống nhau.

Phạt học sinh chép 1000 biểu tượng cảm xúc không giống nhau vì đi học muộn 

Vừa squat vừa làm toán…

Tại một trường học ở Seoul, một số học sinh đã phải thực hiện 800 lần động tác ngồi xổm liên tục chỉ vì không hoàn thành bài tập về nhà. Họ phải vừa squat, vừa thực hiện những bài toán mà giáo viên đưa ra, và họ chỉ được dừng lại khi có câu trả lời đúng. Tuy nhiên, có một học sinh đã phải thực hiện đủ 800 lần và đương nhiên, cậu đã phải đến bệnh viện điều trị vì không thể đi được sau khi hoàn thành hình phạt khắc nghiệt này.

Vừa squat vừa giải toán vì không làm bài tập về nhà. Ảnh minh họa

Phạt nắm tay nhau giữa sân trường 

Thông thường, khi hai học sinh đánh nhau tại trường, họ sẽ bị đình chỉ việc học hoặc nhẹ thì cũng bị đuổi ra khỏi lớp. Tuy nhiên, hai nam sinh của trường trung học Westwood (Mỹ) đã phải nắm tay nhau và ngồi suốt 1 giờ liền ở ngay giữa khuôn viên trường vì gây gổ trong giờ thể dục

Bị phạt nắm tay giữa sân trường vì đánh nhau

Ngoài những hình phạt trên, một số hình phạt "bá đạo" mà học sinh phải chịu khi vi phạm như là quỳ trên hạt đậu (đã đông cứng), đeo vòng xấu hổ của chó hay bị phạt vẽ đầy mặt bằng bút dạ lâu phai...

Tuổi trẻ thường năng động, giáo viên và nhà trường nên áp dụng các hình phạt hướng tới vận động tập thể, hoạt động nhóm, các hành vi ứng xử có tính giáo dục nhân văn và quan trọng không để cho học sinh, sinh viên cảm thấy mặc cảm, tổn thương vì lỗi sai của mình.