Nhìn lại chặng đường bà Lê Hoàng Diệp Thảo cùng chồng gây dựng đế chế cà phê

ANTD.VN - Phiên phúc thẩm xét xử vụ tranh chấp của “vợ chồng Trung Nguyên” diễn ra sáng 20-9 với kết quả chức danh của bà Lê Hoàng Diệp Thảo được khôi phục tại Tập đoàn Trung Nguyên đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận. Đằng sau vụ kiện, người ta một lần nữa nhìn lại chặng đường đã qua đầy thăng trầm khi bà Lê Hoàng Diệp Thảo cùng chồng gây dựng nên đế chế cà phê số 1 tại Việt Nam.

Như Zing đã đưa tin, sáng 20-9, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử vụ kiện "Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty" giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (45 tuổi) và bị đơn là Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên cùng chồng bà là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (47 tuổi). Phiên tòa được mở theo đơn kháng cáo của ông Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên.

Thông tin từ Vnexpress cho biết, theo đơn khởi kiện, bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người đồng sáng lập và sở hữu 10% cổ phần của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên. Hồi năm 2006, bà Thảo được bổ nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực công ty với vai trò điều hành quản lý theo ủy quyền của chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Tuy nhiên, đến tháng 7-2014, ông Vũ đột ngột bãi nhiệm mọi chức vụ của vợ tại Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Bà Thảo cho rằng ông Vũ còn có động thái ngăn cấm, cản trở bà đến trụ sở công ty và thực hiện quyền điều hành quản lý. Vì vậy, giữa năm 2017, bà Lê Hoàng Diệp Thảo khởi kiện chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Tập đoàn cà phê Trung Nguyên nhằm yêu cầu hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của mình.

Bà Thảo cho rằng quyết định này đã được ông Vũ ban hành trái quy định pháp luật và yêu cầu ông Vũ chấm dứt hành vi ngăn chặn bản thân thực hiện các quyền và trách nhiệm điều hành công ty với tư cách thành viên HĐQT và Phó Tổng Giám đốc thường trực.

Cuối tháng 9-2017, TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm và chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Cụ thể, bản án sơ thẩm tuyên hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ ký, khôi phục lại chức danh cho bà. Đồng thời yêu cầu ông Vũ cũng không được cản trở vợ tham gia điều hành quản lý công ty đúng chức trách.

Tuy nhiên, sau khi có bản án sơ thẩm, bà Thảo vẫn chưa thể về lại Trung Nguyên. Ngày 10-10-2017, ông Vũ và Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã gửi đơn kháng cáo và tiếp tục ra quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Thảo.

Phiên tòa phúc thẩm hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Thảo

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 20-9-2018, Sau khi nghị án, HĐXX tuyên không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Cụ thể, hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Thảo. Ông Vũ không được ngăn cấm bà Thảo tham gia điều hành, quản lý công ty.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ muốn làm những điều lớn lao hơn cho cà phê, cho đất nước

Một bài đăng trên trang KT&TD cho biết, theo lý giải của ông Vũ, Trung Nguyên cần phải rũ bỏ câu chuyện kiếm tiền đơn thuần để làm những điều lớn lao hơn cho cà phê, cho đất nước. Ông thấy không ổn khi bà Thảo vẫn vận hành công ty theo kiểu cũ - tức là kiếm tiền theo kiểu con buôn. Ông cũng không đồng tình với cách bà Thảo ứng xử kiểu chủ - tớ khiến nhiều người trẻ có năng lực phải rời bỏ công ty. Ông đã tìm nhiều cách để thuyết phục vợ lui về chăm sóc, nuôi dạy con cái cho chu đáo, cũng là cách để Trung Nguyên tháo điểm nghẽn nhân sự và quan điểm cũ, chuẩn bị cho chiến lược phát triển mới nhưng không thành công.

Từ phía bà Thảo, bà nói rằng từ sau khi ông Vũ tham gia khoá thiền 49 ngày vào tháng 10-2013, từ một người vợ được yêu thương, bà bị đối xử khác thường, càng sau này, ông càng xa vợ con.

Bất đồng trong việc vận hành Trung Nguyên và không đi đến được thoả thuận chung, ông Vũ ra quyết định bãi nhiệm vợ khỏi chiếc ghế Phó TGĐ Tập đoàn. Loạt căng thẳng và tranh chấp nổ ra tại các công ty hai vợ chồng nắm cổ phần sở hữu trong suốt 3 năm qua.

Nhìn lại chặng đường bà Lê Hoàng Diệp Thảo cùng chồng gây dựng đế chế cà phê

Theo thông tin từ trang web Trung Nguyên Legend, Tập đoàn Trung Nguyên được thành lập vào tháng 6 năm 1996 tại thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột. Năm 1998, công ty này xây dựng quán café đầu tiên của mình tại TP.HCM.

Đến năm 2010, Trung Nguyên đã xuất khẩu được sản phẩm café của mình đến hơn 60 quốc gia, bao gồm cả những thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Anh, Đức hay Nhật Bản.

Về tình hình kinh doanh theo chia sẻ với báo giới, doanh thu của Trung Nguyên trong giai đọan 2015-2017 đạt quanh mức 3.800 tỷ đồng. Về quy mô doanh nghiệp, theo bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) của Vietnam Report năm 2016, Trung Nguyên đứng vị trí số 213, xếp trên một số cái tên nổi tiếng như Dược Hậu Giang, Ngân hàng Tiên Phong, hay đại gia bất động sản Novaland.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã cùng chồng xây dựng nên thương hiệu cà phê “nghìn tỷ”

Về phía bà Thảo, chia sẻ với báo Pháp luật, để đến ngày thành công, bà đã trải qua những năm tháng làm việc không ngơi nghỉ, từ những việc không tên đến công tác quản lý, điều hành của một nhà lãnh đạo.

Bà mở quán cà phê Trung Nguyên ở số 603 Trần Hưng Đạo, Quận 1 và chọn quán này làm nơi đào tạo cho khách hàng muốn nhượng quyền, trực tiếp hướng dẫn và làm việc với khách hàng.

Chỉ trong hơn 1 năm, từ 1999 đến 2000, Trung Nguyên đã có chừng 400-500 quán cà phê trên khắp cả nước.

Từ 2003 – 2011, G7 thực sự đã là thương hiệu cà phê hòa tan số 1 Việt Nam dựa trên sản lượng bán ra của cả 3 brands tại thời điểm đó. Thương hiệu Trung Nguyên trở thành cái tên “nóng” được giới truyền thông chú ý.

Năm 2004, vợ chồng bà quyết định cho xây hai nhà máy cùng lúc, một ở Buôn Ma Thuột và một ở Bình Dương.

Từ năm 2006 bà Thảo được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên. Đây là vị trí chủ chốt quan trọng nhất của Tập đoàn được quyền phê duyệt như Tổng giám đốc, có thể trực tiếp kiểm soát điều hành toàn bộ hệ thống Trung Nguyên, từ chính sách kinh doanh, hệ thống phân phối đến kiểm soát quản trị, điều hành doanh nghiệp và quản lý tài chính...

Ngoài ra, bà Thảo còn giữ vai trò Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bình Dương.

Sự đồng lòng của hai vợ chồng, tài ngoại giao xuất sắc của ông Vũ cùng với hậu phương vững chắc của người vợ đã xây dựng thành công thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Có thể nói ở Trung Nguyên, ông Vũ là người đưa ra chiến lược, còn bà Thảo chính là người thực thi chiến lược đó một cách hoàn hảo nhất.

Năm 2008, bà Thảo qua Singapore để thành lập Trung Nguyên International, thiết lập kinh doanh quốc tế và xác lập vị trí của mình tại Singapore – một cửa ngõ kinh tế quan trọng để ra thế giới.

Khi trở về Việt Nam, bà Thảo quyết định tách chuỗi quán cà phê ra riêng và thành lập Trung Nguyên Franchise, thay đổi toàn bộ hệ thống nhận diện thương hiệu hình đôi cánh bay lên, được giới chuyên môn và người tiêu dùng yêu thích.

Năm 2011, theo đề nghị của chồng, bà đồng ý chuyển Trung Nguyên International vào hệ thống các công ty thuộc TNG để thuận lợi hơn cho công việc gia đình và phát triển, điều hành Tập đoàn.