Nhiều tranh luận xung quanh ba phương án tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội

ANTD.VN - Trong 3 phương án tuyển sinh lớp 10 năm 2019 của Hà Nội vừa được đưa ra góp ý, ý kiến mỗi trường lại ủng hộ một phương án khác nhau, thậm chí có trường không lựa chọn phương án nào trong số này.

Theo ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT liên cấp Lê Quý Đôn, trong 3 phương án Sở GD-ĐT Hà Nội vừa đưa ra, phương án 2 chỉ thi 2 môn nên không còn phù hợp với yêu cầu hiện tại là dạy và học toàn diện. Phương án 3 đáp ứng yêu cầu học toàn diện nhưng lại quá áp lực khi học sinh phải thi đến 6 môn.

“Tôi cho rằng phương án 1 là hợp lý nhất. Do tháng Ba mới công bố môn thi thứ tư nên trong suốt năm học, các em vẫn phải học tất cả các môn. Tháng Ba, sau khi Sở công bố môn thi, thì các em có thể chỉ tập trung ôn 4 môn. Như vậy, vừa đảm bảo yêu cầu giáo dục toàn diện, vừa không quá áp lực cho học sinh” - ông Nguyễn Quốc Bình đánh giá.

Sau khi có 3 phương án, lãnh đạo trường Đoàn Thị Điểm cho rằng, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 lâu nay gây căng thẳng cho học sinh. Vì vậy, không nên thi thêm quá nhiều môn sẽ khiến học sinh cảm thấy nặng nề, căng thẳng, không cần thiết.

Hà Nội chưa chốt phương án tuyển sinh lớp 10 năm 2019

Theo đó, trường không ủng hộ phương án nào trong 3 phương án Sở GD-ĐT đưa ra mà đề nghị, chỉ nên thi 3 môn để tuyển sinh gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ vì dù có thi thêm môn nào khác ngoài 3 môn trên, học sinh cũng sẽ học để thi, học để đối phó trong khi đối với học sinh THCS kiến thức 3 môn trên là đủ để tiến tới THPT.

Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú cho rằng, việc tuyển sinh chỉ bằng 2 môn như lâu nay khiến học sinh bỏ bê hoàn toàn các môn khác, do đó ông Hà Xuân Nhâm ủng hộ một trong hai phương án còn lại.

“Phương án thi 3 bài Văn, Toán và tổ hợp, việc tổ chức bài thi tổ hợp sẽ khó khăn, vất vả. Phương án thi Văn, Toán, Ngoại ngữ và một môn nào đó cũng rất phù hợp”- ông Hà Xuân Nhâm chia sẻ.

Ông Nhâm cũng cho rằng, việc lựa chọn thi 4 môn hay có thêm bài thi tổ hợp không phải là nguyên nhân khiến kỳ thi trở nên căng thẳng, áp lực. “Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào đề thi và do quá trình học tập của học sinh. Nếu cả quá trình không học, gần thi mới mải miết ôn thì căng thẳng là đúng” - ông Nhâm cho biết.

Trước đó, ngày 13-8, Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra 3 phương án tuyển sinh lớp 10 năm 2019, trong đó, Phương án 1: Thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi thứ tư, trong đó bài thi thứ tư thuộc 1 trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Bài thi thứ tư do Sở GD-ĐT công bố vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài đối với bài thi toán và ngữ văn là 120 phút/bài, đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/bài.

Phương án 2: Giữ nguyên như phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.

Phương án 3: Tổ chức thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là toán, ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, vật lý, lịch sử và giáo dục công dân); hoặc tổ hợp 2 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, địa lý, hóa học và sinh học).