Nhiều thay đổi trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

ANTD.VN - Sau khi tiếp thu góp ý sửa đổi, ngày 28-7, Bộ GD-ĐT cho biết dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được trình Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua có nhiều thay đổi.

Cả 3 cấp học phổ thông đều được điều chỉnh giảm thời lượng nhiều môn học

Điểm mới đáng chú ý nhất là thay đổi trong cách phân chia giai đoạn định hướng nghề trong bậc THPT cũng như việc giảm hàng chục tiết học trong năm đối với bậc tiểu học, nhiều môn học cũng được điều chỉnh tên gọi đơn giản hơn.

Giảm hàng chục tiết học đối với bậc tiểu học

Thay vì ngoại ngữ chỉ được học chính thức từ lớp 3 như hiện nay, dự thảo mới quy định môn ngoại ngữ được đưa vào một trong 2 môn học tự chọn cho học sinh ngay từ lớp 1. Với bậc tiểu học, các môn học chỉ còn phân chia thành 2 loại: Môn học hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn, bỏ môn học bắt buộc có phân hóa. Bên cạnh đó, số tiết học cũng được điều chỉnh giảm xuống.

Cụ thể, lớp 1, 2 giảm từ 1.147 tiết xuống còn 1.015 tiết; lớp 3 giảm từ 1.147 tiết xuống 1.085 tiết; lớp 4, 5 giảm từ 1.184 xuống còn 1.120 tiết. Dự thảo mới cũng đổi tên hàng loạt các môn học. Môn Giáo dục Lối sống trong dự thảo cũ được đổi tên thành môn Đạo đức, đồng thời giảm thời lượng từ 70 tiết ở các lớp 1, 2, 3 xuống còn 35 tiết.

Môn Cuộc sống quanh ta (ở các lớp 1, 2, 3) được gộp chung thành môn Tự nhiên và Xã hội. Ở lớp 4, 5, môn Tìm hiểu Tự nhiên được đổi thành môn Khoa học. Còn môn Tìm hiểu Xã hội được đổi thành môn Lịch sử và Địa lý. Thời lượng học tập không thay đổi. 

Môn Thế giới Công nghệ dự kiến dạy ở lớp 1 đến lớp 3 trong dự thảo cũ thì trong dự thảo lần này đã bị bỏ. Hai môn Tìm hiểu Công nghệ và Tìm hiểu Tin học ở lớp 4 và lớp 5 được thay thế bằng môn học Tin học và Công nghệ với thời lượng bằng thời lượng của 2 môn (70 tiết/năm). Các môn Giáo dục thể chất, Nghệ thuật vẫn giữ nguyên như dự thảo cũ…

Hướng nghiệp sớm từ bậc THCS

Điểm mới đáng chú ý là nội dung hướng nghiệp được đưa vào từ cấp THCS. Cụ thể, trong dự thảo mới quy định rõ, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đều tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp; ở lớp 8 và lớp 9, các môn học Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm và Nội dung giáo dục của địa phương có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp… Với cách tổ chức kế hoạch giáo dục mới, thời lượng giáo dục của cấp THCS cũng giảm từ 58-78 tiết/năm so với dự thảo cũ.

Cấp THPT được gọi là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp có sự thay đổi khá lớn. Nổi bật nhất là dự thảo mới không tách cấp học này thành 2 giai đoạn với 2 tính chất (dự hướng và định hướng nghề nghiệp) như dự thảo trước mà dồn chung thành một giai đoạn chung, thông suốt từ lớp 10 đến lớp 12. 

Cụ thể, giai đoạn này bao gồm các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, Nội dung giáo dục của địa phương. Trong đó, môn Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. 

Các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm môn: Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; nhóm môn Khoa học tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học; Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật. Đáng chú ý, như ở 2 bậc học trên, với lớp 11-12, dự thảo mới giảm đáng kể thời lượng các môn học so với dự thảo cũ, kể các các môn học bắt buộc cũng như tự chọn. Tổng số tiết học của cấp THPT là 1.015 tiết/năm, trung bình 29 tiết/tuần.

Theo Bộ GD-ĐT, dự thảo lần này là căn cứ để xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình tổng thể sẽ được tiếp tục xem xét để ban hành chính thức cùng với các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.