Nhận diện để tránh xa những trò chơi khuyến khích người chơi tự sát

ANTD.VN - Game online tưởng chừng chỉ là những trò chơi trong không gian ảo vô hại, nhưng hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều các loại hình game dưới dạng các thử thách đời thường, đã khiến nhiều người chơi tự làm hại chính mình, thậm chí là tự sát.

Thử thách Cá voi xanh

Nhận diện để tránh xa những trò chơi khuyến khích người chơi tự sát ảnh 1

Trò chơi "Thử thách Cá voi xanh" đã khiến khoảng 130 người tự sát 

"Thử thách Cá voi xanh", trò chơi đã khiến khoảng 130 bạn trẻ ở Nga và các nước Châu Âu tự sát, là chuỗi các nhiệm vụ dành cho người chơi trong 50 ngày liên tiếp. 

Trò chơi này bắt nguồn từ Nga, người dùng tải phần mềm trò chơi về máy. Thông qua đó, người quản trị trò chơi có thể đánh cắp thông tin cá nhân từ máy tính hay điện thoại người chơi. 

Trong 50 ngày liên tiếp, mỗi ngày vào lúc 4h sáng, người chơi sẽ nhận được một nhiệm vụ mới. Ban đầu là những yêu cầu đơn giản như nghe một bản nhạc hay xem 1 đoạn video kinh dị mà chủ trò gửi tới. Nhưng dần dần, các thử thách sẽ được nâng lên buộc người chơi tự làm hại bản thân bằng cách dùng dao lam hay dùng kim đâm liên tục vào tay, dành 24h đồng hồ trong phòng kín chỉ để xem phim kinh dị, đứng trên nóc tòa nhà chọc trời nhìn xuống dưới... Đến ngày thứ 50, nhiệm vụ cuối cùng sẽ là tự sát.

Mỗi khi người chơi thực hiện một thử thách đều cần phải ghi lại quá trình làm việc này và gửi cho người quản trị. Nếu bỏ dở giữa chừng, họ sẽ phải mất 1 khoản tiền không nhỏ để chuộc lại thông tin cá nhân từ chủ trò. 

Trò chơi tự sát Momo

Nhận diện để tránh xa những trò chơi khuyến khích người chơi tự sát ảnh 2

Ảnh đại diện đầy ám ảnh của các tài khoản WhatsApp trong thử thách MoMo

Sau "Thử thách Cá voi xanh", Momo cũng là một trò chơi khuyến khích người chơi tự sát đang phổ biến trong nhiều ngày gần đây. Trường hợp tự sát đầu tiên của trò chơi này là một bé gái 12 tuổi đến từ Arghentina. Cảnh sát đã điều tra và phát hiện trong chiếc smart phone của bé gái này có ghi lại nhiều hoạt động và khoảnh khắc cô bé treo cổ tự sát. 

Theo điều tra của Đơn vị Điều tra tội phạm mạng của bang Tabasco (Mexico), trào lưu MoMo được bắt nguồn từ Facebook. Tại đây những người chơi sẽ chấp nhận thử thách gửi tin nhắn tới những số điện thoại không xác định trên ứng dụng WhatsApp. 

Một số người đã thử nhắn tin và nhận được nhiều phản hồi đáng sợ như những hình ảnh bạo lực hay dòng tin nhắn đe dọa. Điểm chung của các tài khoản "ảo" này là tấm hình đại diện một người phụ nữ với đôi mắt lồi to tròn và miệng rộng đến mang tai vô cùng ám ảnh.

Hiện này cảnh sát vẫn đang tiến hành điều tra về mục đích trò chơi này cũng như người đứng đằng sau đó. 

Thử thách Nghẹt thở

Nhận diện để tránh xa những trò chơi khuyến khích người chơi tự sát ảnh 3

Nhiều nhóm bạn trẻ cùng nhau tham gia trò chơi Nghẹt thở đầy nguy hiểm

Trò chơi Nghẹt thở xuất hiện ở Mỹ trong nhiều năm. Những đứa trẻ tham gia trò chơi bằng cách tự bóp cổ mình đến một lúc nhất định để cảm nhận sự hưng phấn từ bộ não. 

Trò chơi này ban đầu được chơi theo cặp hoặc nhóm, khi một đứa trẻ cố gắng bóp cổ một đứa trẻ khác trong nhóm đến ngưỡng nguy hiểm sẽ thả ra. Tuy nhiên, ngày càng nhiêu các video trực tuyến hướng dẫn cách chơi trò này, khiến nhiều trẻ em tự mình tham gia thử thách bằng cách tự thắt cổ mình với thắt lưng hay dây giày trong phòng ngủ. Điều này đã khiến con số thiệt mạng bởi Thử thách Nghẹt thở tăng lên nhanh chóng, bởi khi ở một mình những đứa trẻ này sẽ không biết đâu là điểm dừng đúng lúc dẫn đến tử vong. 

Chỉ tính riêng ở Mỹ, trò chơi ngày ước tính đã lấy đi khoảng 250 đến 1000 mạng sống mỗi năm.

Câu lạc bộ văn học Doki Doki 

Nhận diện để tránh xa những trò chơi khuyến khích người chơi tự sát ảnh 4

Đồ họa bắt mắt của trò chơi "Câu lạc bộ văn học Doki Doki"

"Câu lạc bộ văn học Doki Doki" là trò chơi đã được cảnh báo "không phù hợp với trẻ em hoặc những người dễ bị ám ảnh", dù có thẩm mỹ hấp dẫn, với đồ họa nhân vật dễ thương và dựa trên câu chuyện về một câu lạc bộ văn học.

Được mô tả là "tiểu thuyết hình ảnh", câu chuyện kể về một nam sinh trung học tham gia câu lạc bộ văn học của trường cùng bốn thành viên nữ khác. Người chơi sẽ tự xây dựng diễn biến cho câu chuyện này và tự tạo một cái kết riêng cho mình. 

Nghe có vẻ chỉ là một trò chơi bình thường cho đến khi một nhân vật nữ trong game chết, kéo theo hàng loạt các sự kiện khác ảnh hưởng tới tâm lý người chơi, bao gồm cả việc nhân vật tự làm hại bản thân và tự sát. 

Một cậu bé 15 tuổi đến từ Anh đã tự sát, được cho là do ảnh hưởng sau khi chơi trò chơi này.