Người dân không còn nhiệt tình "giải cứu" nông sản được mùa

ANTD.VN - Chỉ trong quý I-2017, thị trường đã ghi nhận 2 cuộc “giải cứu” nông sản rầm rộ là dưa hấu ở Quảng Ngãi và chuối ở Đồng Nai. Tuy nhiên, việc làm này đã không còn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ người dân.

Các điểm bán dưa hấu giải cứu ở Hà Nội khá vắng so với mùa trước

Những ngày này, thị trường các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh… đang ghi nhận một sự kiện “nóng” khi chiến dịch giải cứu dưa hấu Quảng Ngãi diễn ra khắp nơi. Hàng chục xe tải dưa hấu lớn nhỏ được chở ra phía Bắc với những khẩu hiệu như “Giải cứu dưa hấu Quảng Ngãi”, “Cộng đồng chung tay giải cứu dưa hấu”... Với giá chỉ 7.000 đồng/kg nhưng chiến dịch “giải cứu” dưa hấu lần này không còn nhận được nhiều sự đồng tình từ người dân.

Chất “giải cứu” nhạt dần

Những ngày cuối tháng 3-2017, giá dưa hấu tại các tỉnh miền Trung, trọng tâm là Quảng Ngãi rớt thê thảm, giá bán tại ruộng có thời điểm chỉ còn 1.000-1.500 đồng/kg. Nông dân lại rơi vào cảnh khóc dở với những ruộng dưa đã chín, những đống dưa được thu hái chất đầy.

Để giúp nông dân, chiến dịch “giải cứu dưa hấu” lại rầm rộ diễn ra khắp các tỉnh, thành phố. Nhiều đoàn thể, hội tình nguyện, sinh viên các trường đại học đã liên kết với Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi để thu mua dưa giúp nông dân, chở ra Hà Nội bán. Dưa hấu “giải cứu” được bán với giá phổ biến là 7.000 đồng/kg tại nhiều nơi như Khu đô thị Nam Đô (Trương Định, Hoàng Mai), khu trường ĐH Công nghiệp Hà Nội (Nhổn, Bắc Từ Liêm), ngã tư Kim Mã - Đê La Thành…. 

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, năm nay, tinh thần “giải cứu dưa hấu” và mua dưa hấu ủng hộ của người dân không còn mạnh như các năm trước. Nhiều điểm bán dưa hấu “giải cứu” khá vắng vẻ như điểm bán ở Khu đô thị Nam Đô. Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, ở Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội bày tỏ: “Nghe mọi người giới thiệu về các điểm bán dưa hấu giải cứu nông dân miền Trung, nhưng năm nay chất lượng dưa không ngon, dưa nhạt, thậm chí có quả trắng bợt, ăn chua. Hơn nữa, tôi cũng không mấy mặn mà, nông dân phải biết rút kinh nghiệm từ các mùa vụ trước, không thể năm nào cũng trồng tràn lan rồi chúng ta lại kêu gọi người tiêu dùng giải cứu”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, để tránh tình trạng được mùa mất giá, cần phải khai thông thị trường. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xúc tiến làm việc với phía Trung Quốc để có thể xuất khẩu một số nông sản chính ngạch sang Trung Quốc như dưa hấu, lợn mỡ… 

Không chỉ chị Ngọc Lan mà cộng đồng mạng trong mùa “giải cứu” dưa hấu năm nay cũng không còn tích cực ủng hộ và nhiều người không tham gia. Anh N.N.Q, một thành viên tích cực trong các phong trào “giải cứu” dưa hấu năm 2015 và 2016 phân trần: “Hai mùa dưa hấu trước, tôi đã tham gia rất nhiệt tình, cùng nhóm tình nguyện của mình “giải cứu” hàng trăm tấn dưa hấu của bà con Quảng Ngãi, nhưng năm nay tôi không tham gia nữa. Vì không thể cứ giải cứu mãi được, nghe cũng buồn cười và không được người tiêu dùng chấp nhận”.

Không thể trông chờ mãi ở tình thương

Ghi nhận 2 cuộc “giải cứu” chuối Đồng Nai và dưa hấu Quảng Ngãi,  ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, các loại nông sản hay bị dư thừa thường liên quan đến thị trường Trung Quốc. Nông sản Việt Nam có đặc thù là thu hoạch trong thời gian ngắn và khó bảo quản. Nhiều thời điểm vụ thu hoạch trùng với vụ thu hoạch ở Trung Quốc, do vậy xuất khẩu đi thị trường này gặp khó. 

Về lâu dài, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, nên kết nối thông tin thị trường với nông dân, dự báo cho nông dân thị trường cần loại nông sản gì, kích cỡ, mẫu mã ra sao để tăng hiệu quả sản xuất, tránh để cộng đồng phải chung tay “giải cứu”. “Cần tổ chức lại sản xuất, để làm sao nông dân trước khi sản xuất nắm bắt được tín hiệu thị trường”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn bày tỏ.

Trao đổi về thực trạng này, ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi thông tin, diện tích chuyên canh tác dưa hấu trên địa bàn toàn tỉnh vào khoảng 600ha nhưng nông dân thường trồng lên tới 700-800ha, thậm chí có năm cao điểm vượt hơn 1.000ha. “Trước thực trạng dưa hấu ế ẩm do lượng cung tăng mạnh, ngành nông nghiệp tỉnh đã nhiều lần khuyến cáo bà con giảm diện tích gieo trồng, nên trồng rải vụ, chia đều trong năm để tránh dồn vào một mùa nhưng tình trạng “xé rào” vẫn cứ xảy ra, nông dân vẫn ồ ạt trồng”, ông Dương Văn Tô nói.

Cũng theo ông Dương Văn Tô, tỉnh cũng đã nhiều lần thông tin tới bà con về việc xuất khẩu dưa hấu đi Trung Quốc toàn bộ là xuất tiểu ngạch nên rất bấp bênh, phập phù. Nhưng nông dân không nghe, một phần cũng bởi đồng đất Quảng Ngãi phù hợp với cây dưa hấu và loại cây trồng này cũng mang lại kinh tế lớn nhất nên bà con vẫn theo. 

Chung tay “giải cứu” nông sản giúp nông dân nói chung, “giải cứu” dưa hấu nói riêng là hành động đẹp, giúp nông dân kết nối trực tiếp với thị trường, đến tay người tiêu dùng. Nhưng đây đã là năm thứ ba người tiêu dùng cả nước phải tham gia “giải cứu” dưa hấu hay nói cách khác phải mua dưa hấu tình thương.

Muốn tiến tới một cường quốc về nông nghiệp, về xuất khẩu nông sản bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý, nông dân cũng không thể mãi ỷ lại, trông chờ vào những cuộc “giải cứu” như hiện nay.

“Nông dân cũng phải tiến lên hiện đại, dần bắt kịp với khoa học, kỹ thuật, nắm bắt thị trường để điều tiết sản xuất thì mới mong “vươn ra thế giới”. Một nền nông nghiệp không thể phát triển, nếu còn tư duy tiêu thụ dựa vào tình thương, kiểu nền kinh tế bao dung”, một chuyên gia nông nghiệp chia sẻ.