Người chèo đò tận tụy của những học sinh cá biệt

ANTD.VN - Có rất nhiều câu chuyện buồn xảy ra hàng ngày mà nếu vô tình bỏ qua, một nhà giáo sẽ thực sự áy náy bởi đã để vuột mất cơ hội vực dậy ý chí, niềm tin của những học sinh được coi là… “cá biệt”. Cô Nguyễn Lương Thiện, giáo viên chủ nhiệm nhiều năm trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đã chia sẻ những khoảnh khắc đáng suy ngẫm ấy.

Theo cô Nguyễn Lương Thiện, đằng sau sự ngỗ nghịch của một học sinh cá biệt lẩn khuất một câu chuyện khác

Lời xin lỗi đúng lúc

Giáo viên, các bậc phụ huynh có thể dễ dàng đưa ra những lời phê bình với học sinh và con em mình, nhưng để nói câu xin lỗi thì không phải ai cũng thực hiện được một cách tự nguyện và đúng lúc. Cô Nguyễn Lương Thiện đã chứng minh việc nhận lỗi đối với học sinh một cách thẳng thắn sẽ giúp thầy trò thực sự hiểu nhau, từ đó mở ra con đường tiến bộ vượt bậc.

“Năm học lớp 11, một học sinh của trường THPT Hoàng Diệu tên là V.L được chuyển về lớp tôi phụ trách. Cậu học sinh này thường đến lớp với vẻ mặt mệt mỏi, đầu tóc bù xù, ánh nhìn ít thân thiện. Trong các tiết học, em ấy không nghe giảng mà luôn gục đầu xuống ngủ, sách vở ghi chép thì cẩu thả, lúc thiếu, lúc đủ khiến tôi đã rất vất vả khi tiếp cận và làm việc. Trong quá trình học, L vô lễ với hầu hết các thầy cô. Câu ta luôn sẵn sàng phản ứng kiểu chợ búa, nói là cãi, thậm chí cãi rất hỗn. Sau lần thứ 3 cãi nhau tay đôi với giáo viên dạy Lý, tôi quyết định chuyển L đến Phòng Tư vấn của trường.

Tuy nhiên, khi bị buộc phải sang Phòng Tư vấn, L đối phó bằng cách trả lời qua quýt và bất hợp tác. Trưởng Phòng tư vấn đã phải ghi nhận xét về L: “Suy nghĩ rất bất cần”. Trong các câu hỏi tư vấn, L trả lời cụt ngủn: “Chẳng thích trường Đinh Tiên Hoàng; Chẳng có ấn tượng gì về thầy cô; Chẳng yêu thích điều gì…”. Nhưng có một điều khiến tôi phải suy nghĩ, đó là khi L nhận xét về cô chủ nhiệm, em ấy nói: “Cô ấy chỉ sợ lớp bị điểm kém, sợ mất thi đua nên hay phê bình chúng em”. Tuy nhiên, nhận xét về năng lực học sinh, Phòng Tư vấn lại khẳng định: “L có chỉ số IQ, EQ cao, nhưng khả năng kiềm chế kém”. Đấy chính là lý do khiến tôi trăn trở. Học sinh có EQ cao thì mình sẽ phải làm gì?” - cô Thiện nhớ lại.

Cái kết đẹp đã thực sự đạt được khi cô Thiện quyết tâm đồng hành với học trò bằng tình yêu, sự bao dung và không đầu hàng trước những phản ứng ngỗ nghịch của lũ học trò.

Phương án được cô Thiện lựa chọn chính là gặp trực tiếp học sinh và xin lỗi về những lời phê bình không đúng lúc của mình. Trong buổi nói chuyện, cô đã chia sẻ với học trò về cảm giác khi bị phê bình, đồng thời đề nghị L chia sẻ cảm giác của giáo viên khi bị học sinh cãi hỗn. Cô cũng kể luôn suy nghĩ bức xúc của bản thân khi giữ cương vị giáo viên chủ nhiệm nhưng lớp lại luôn bị điểm thi đua kém vì có học sinh chưa ngoan. Sau buổi tâm sự ấy, L  đã tỏ ra thân thiện hơn, hòa đồng bạn bè trong lớp hơn và không còn ngủ trong giờ học. Cậu học trò đã thực sự thay đổi, tiến bộ trong học tập, đạt học sinh tiên tiến và hạnh kiểm tốt. Niềm vui đã đến với cô chủ nhiệm cùng gia đình học sinh và quan trọng là chính bản thân L đã biết vươn lên.

Thành công ở… “phút 89”

Một câu chuyện buồn khác nhưng lại có cái kết đẹp được cô Thiện chia sẻ là những kỷ niệm về cậu học sinh H.A. Đó là một học sinh thông minh nhưng thì không đỗ trường công lập. Học ở trường Đinh Tiên Hoàng, H.A tỏ ra chán nản, lười học, trốn tiết và phản ứng lại thầy cô bằng sự lầm lì, chống đối dù gia đình em rất quan tâm, thường xuyên trao đổi với giáo viên về tình hình học tập của con.

Cô Thiện kể: “Thông thường với những trường hợp này, giáo viên có thể cho rằng H.A không biết nghĩ, không thương bố mẹ. Nhưng sau này tôi tìm hiểu thì đằng sau sự ngỗ nghịch của H.A lẩn khuất một câu chuyện khác. Đó là bố H.A không tin cậu bé là con ruột của mình. Trong gia đình, H.A là đứa trẻ cô đơn”. Sự nghi ngờ của bố H.A đến từ một việc rất vô lý, đó là tóc cậu bé hơi xoăn còn tóc bố cậu thì lại thẳng. Sự nghi ngờ làm cho hạnh phúc gia đình rạn nứt. Và bố mẹ H.A cũng không ngờ điều đó ngấm ngầm tác động vào tâm lý khiến cậu bé cảm thấy “đáng lẽ mình không nên xuất hiện trên cuộc đời”.

Cô đơn, hoang mang, H.A trượt dài dẫn tới hậu quả từ một học sinh học khá ở cấp THCS, cậu thi không đạt vào trường công lập. Tệ hại hơn, H.A không chịu thay đổi mà để mặc cho bản thân mình trôi xuống dốc. Khi  phát hiện ra bố có người khác bên ngoài, thương mẹ, cậu bé cố chôn giấu bí mật đó. Nhưng càng giấu, nỗi bức bối, đau khổ càng lớn hơn và ngày ngày giày vò cậu.

Cùng với lòng cảm thông, tình thương yêu, thấu hiểu, bao dung những việc làm “tréo ngoe” của H.A, cô Thiện đã dần chinh phục trái tim cậu học trò.  H.A đã hòa nhập với lớp, phấn đấu học tập. Tuy nhiên, đúng lúc đó một sự kiện khác lại khiến H.A thêm lần nữa lại rơi vào bế tắc. Sang năm lớp 12, cậu tìm thấy sự đồng cảm với M - một bạn gái mồ côi bố, gia cảnh rất khó khăn.

Cô Thiện biết và chia sẻ với tình bạn đặc biệt đó. Cô cũng nhận thấy từ khi có M, cậu học trò của mình có vẻ vui hơn, đi học đều, tiến bộ rõ rệt. Nhưng rồi do gia đình không có tiền cho học tiếp, M phải nghỉ học. Vì quá lo sợ, H.A  đã cầu cứu bố mẹ giúp đỡ M để cô bé được đi học tiếp, nhưng gia đình cậu từ chối. Còn M cũng bị áp lực vì chuyện này nên đã quyết định chia tay. Vậy là H.A bỏ học ở nhà đóng cửa suốt ngày và không chịu gặp ai. 

Cô Thiện nén một tiếng thở dài: “Tôi tìm đến tận nhà nhưng gọi thế nào H.A cũng không ra. Thế là đều đặn hàng ngày tôi nhờ những bạn thân của H.A mang tài liệu, đề cương ôn tập tới nhà cho cậu. Tôi cũng nhờ giáo viên bộ môn hướng dẫn, rồi viết những lời dặn dò H.A cần ghi nhớ rồi bỏ cả vào trong đó. Đấy là thời điểm học sinh sắp thi tốt nghiệp THPT. H.A nhận tài liệu tôi chuyển, nhưng không hồi âm và vẫn không quay lại trường. Biết H.A chỉ tiếp xúc với duy nhất chị gái, tôi nhắn tin vào số máy người chị rồi dặn chuyển cho em ấy đọc: Cô tin em sẽ vượt qua mọi chuyện để có quyết định sáng suốt. Cô sẽ chờ em nhưng đừng để cô chờ quá lâu vì ngày thi đến gần rồi”. 

Sau khi H.A được chị gái đưa tin nhắn của cô chủ nhiệm cho đọc, cô Thiện vẫn không nhận được tín hiệu gì từ học trò. Những ngày sau đó cô vẫn gửi bài tập, đề cương ôn tập các môn cho H.A và kiên nhẫn nhắn tiếp từng mẩu tin. “Cả ngày tôi chỉ thắc thỏm chờ tin nhắn từ của cậu bé, nhưng vô ích. Tôi đã tuyệt vọng khi nghĩ học trò của mình sẽ đánh mất tất cả” - cô Thiện nhớ lại.

Nhưng đến ngày thi, H.A đã không phụ lòng mong mỏi của gia đình và  cô Thiện. Những tin nhắn, những tập tài liệu, đề cương được cô kiên nhẫn gửi đến đã không vô ích. Ở trong căn phòng đóng kín cửa, H.A đã tự đọc, tự ôn bài và cậu bé đã vượt qua được kì thi. Giờ đây H.A đã vững chãi, trưởng thành hơn khi là một sinh viên trường cao đẳng. Cái kết đẹp đã thực sự đạt được khi cô Thiện quyết tâm đồng hành với học trò bằng tình yêu, sự bao dung và không đầu hàng trước những phản ứng ngỗ nghịch của lũ học trò.