Ngạc nhiên khi các học viên cai nghiện cùng lên sân khấu hoặc kiểm tra chéo nhau

ANTD.VN - “Cuộc thi này đã thực sự thay đổi suy nghĩ và cuộc sống của tôi. Tôi như được tiếp thêm sức mạnh, sự quyết tâm để cai nghiện” - đó là chia sẻ của anh Nguyễn Minh Nam (SN 1980), phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội sau khi tham dự Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy cho học viên tại các cơ sở cai nghiện TP Hà Nội.

Các học viên của 7 cơ sở cai nghiện tại Hà Nội tham gia cuộc thi tìm hiểu pháp luật phòng, chống ma túy

Những câu chuyện trên sân khấu cuộc thi chẳng phải xa lạ gì, chẳng phải tô vẽ ra những tình tiết cầu kỳ mà chính là câu chuyện đời thực của nhiều học viên. Thiếu sự quan tâm chăm sóc, buồn chán, đua đòi theo bạn bè, tò mò muốn thử cảm giác lạ… - có vô vàn con đường dắt dẫn họ đến với ma túy. Tất cả đã được tái hiện một cách chân thực, sinh động qua hình thức sân khấu hóa. Nghe những học viên từng là những sinh viên trẻ với bao ước mơ, hoài bão kể về câu chuyện đời mình, chia sẻ những tâm tư của mình trên sân khấu, không ít học viên đang ngồi ở hàng ghế khán giả rơm rớm nước mắt...

Ngẫm lại cuộc đời sau những bi - hài trên sân khấu

Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về phòng chống ma túy cho học viên tại các cơ sở cai nghiện thành phố Hà Nội do Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội tổ chức đã tạo một sân chơi bổ ích cho người nghiện có cơ hội tìm hiểu sâu các kiến thức pháp luật về ma túy. Qua đó, tuyên truyền mạnh mẽ nhằm tác động vào tâm lý, ý thức của người nghiện cũng như cộng đồng tránh xa ma túy.

Cuộc thi được tổ chức gồm 3 phần thi lý thuyết, hùng biện và sân khấu. Điểm đặc biệt của phần thi lý thuyết là nhiều câu hỏi liên quan đến quyền của học viên ở các cơ sở cai nghiện ma túy như ngoài thời gian chữa bệnh, học tập và lao động, học viên được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, đọc sách, báo và các ấn phẩm văn hóa có nội dung lành mạnh.

“Cuộc thi nhằm phổ biến kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy, các quy định pháp luật về xử lý tội phạm và tệ nạn ma túy; nâng cao nhận thức của học viên tại cơ sở cai nghiện về hậu quả, tác hại của ma túy để mỗi học viên có ý thức tích cực hơn trong việc quyết tâm từ bỏ ma túy, hạn chế tái nghiện khi trở về cộng đồng; đồng thời góp phần tạo nên phong trào hành động phòng, chống ma túy rộng khắp, từng bước góp phần làm giảm thiểu tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố”.

Hồ Xuân Hương (Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội)

Học viên cũng được khám sức khỏe định kỳ, được quyền thăm gặp thân nhân… Sau khi chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, được cấp chứng chỉ, bằng cấp học văn hóa, học nghề (nếu có), học viên là thân nhân của người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp tiền ăn đi đường, tiền tàu xe để trở về nơi cư trú.

Ở phần thi hùng biện và năng khiếu, mỗi học viên, mỗi đội thi đều thể hiện được hiểu biết của mình về tác hại của ma túy, các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, quyền và trách nhiệm của học viên ở các cơ sở cai nghiện ma túy. 

Trong phần thi năng khiếu, qua các tiểu phẩm như “Ánh sáng cuối con đường”; “Kinh động đến thiên đình”; “Tìm lại chính mình”; “Lời sám hối”; “Vượt lên số phận”; “Tỉnh ngộ”… ; những học viên cai nghiện đã đem câu chuyện cuộc đời mình gửi vào tác phẩm sân khấu, mang đến cho người xem những tiếng cười, cũng như những giọt nước mắt thấm thía nhằm đưa ra thông điệp hãy bảo vệ giới trẻ trước hiểm họa ma túy.

Dường như trong mỗi câu chuyện được kể lại ở đây đều có bóng dáng câu chuyện cuộc đời họ. Có lẽ hơn ai hết, mỗi học viên đều hiểu ma túy đã hủy hoại sức khỏe, tương lai, tuổi trẻ của bản thân, làm ảnh hưởng đến gia đình, xã hội như thế nào. Tất cả họ cũng bày tỏ mong muốn sớm được quay trở lại cộng đồng, được người thân, xã hội bao dung, tin tưởng và sớm tìm được việc làm ổn định cuộc sống, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Các học viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 TP Hà Nội đọc sách trên thư viện để chuẩn bị cho cuộc thi

Ý nghĩa nhân văn của một cuộc thi

Trao đổi với phóng viên, bà Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết: “Cuộc thi nhằm phổ biến kiến thức pháp luật về phòng chống ma túy, các quy định pháp luật về xử lý tội phạm và tệ nạn ma túy; Nâng cao nhận thức của học viên tại cơ sở cai nghiện hậu quả, tác hại của ma túy để mỗi học viên có ý thức tích cực hơn trong việc quyết tâm từ bỏ ma túy, hạn chế tái nghiện khi trở về cộng đồng; đồng thời góp phần tạo nên phong trào hành động phòng chống ma túy rộng khắp, từng bước góp phần làm giảm thiểu tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố”.

Một buổi học của các học viên cai nghiện

Để chuẩn bị cho cuộc thi, các học viên đã chuyên tâm học tập từ nhiều tháng trước. Ngoài giờ học trên lớp, học viên thường xuyên đến thư viện, học nhóm để trao dồi kiến thức về pháp luật, ma túy. Cuộc thi này thật sự có ý nghĩa rất lớn với những người đang điều trị nghiện. Bởi lẽ, qua đây họ biết được nhiều kiến thức bổ ích về các quy định của pháp luật, về tác hại của ma túy, góp phần nâng cao ý chí, quyết tâm không tái nghiện và làm những việc vi phạm pháp luật. 

“Có một thực tế, không ít học viên đang cai nghiện vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn cai nghiện xong lại tái nghiện. Bởi vậy, thông điệp lớn nhất mà mỗi học viên gửi tới cộng đồng thông qua cuộc thi là “Đừng thử ma túy, dù chỉ một lần”. Đó có lẽ cũng là lời nhắc nhở với bản thân mỗi học viên”.

Ông Đỗ Trọng (Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 TP Hà Nội)

Chia sẻ về điều này, anh Đinh Trọng Nghĩa (SN 1982, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là học viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 cho biết: “Tôi đã nghiện khoảng 20 năm. Từ ngày vào trung tâm, tôi được các thầy cô ở đây giúp lao động trị liệu, uống thuốc... Khi biết kế hoạch tổ chức cuộc thi, chúng tôi đã háo hức tham gia. Cuộc thi thực sự đã cung cấp thêm cho các học viên các kiến thức về pháp luật. Các thầy cô đã cung cấp đầy đủ mọi thông tin, thường xuyên hỗ trợ tư vấn. Nhiều câu hỏi liên quan đến Luật Hình sự học viên không biết, trên thư viện cũng không có, các thầy lại tìm hiểu để cung cấp bổ sung cho các học viên. Chúng tôi thường xuyên học nhóm mỗi ngày, trước khi đi ngủ tôi và các anh em lại mở sách ra đọc cho nhớ. Thậm chí, ngay cả lúc ăn cơm, các anh em cũng tranh thủ ngồi kiểm tra chéo lẫn nhau”.

Tích cực tham gia cuộc thi này, học viên Đinh Minh Đức (SN 1982, trú tại đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội) tâm sự: “Tôi đóng vai Táo Xã hội trong vở “Kinh động thiên đình”. Lúc đó, tôi mới bắt đầu vào điều trị tại cơ sở, thấy cuộc thi rất hay nên đã xung phong đăng ký tham gia. Cuộc thi trước hết là để các học viên tự soi lại bản thân mình, sau đó là tuyên truyền để mọi người không đi vào vết xe đổ nữa. Qua những tình huống trong vở kịch, trước hết tôi cảm thấy tự lên án bản thân mình. Kể cả khi đã diễn xong tôi vẫn hay nhẩm lại các câu thoại để nhắc nhở bản thân. Thật sự bây giờ tôi cảm thấy sợ ma túy”.