Nạn nhân đường dây bán hàng đa cấp, có đòi được tiền?

ANTĐ - Ngày 19-2, 2 lãnh đạo Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt) là Lê Xuân Giang (ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, Chủ tịch HĐQT) và Nguyễn Thị Thủy (ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc) cùng 5 đồng phạm bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can và bắt tạm giam về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Nạn nhân đường dây bán hàng đa cấp, có đòi được tiền? ảnh 1
Nội dung vụ án

Chỉ trong một thời gian ngắn, từ đầu năm 2014 đến tháng 7-2015, Công ty Liên kết Việt đã phát triển được 21 chi nhánh tại 27 tỉnh, thành phố, lôi kéo được hơn 60.000 người tham gia, thu được số tiền ước tính khoảng 1.900 tỷ đồng. Sau khi vào cuộc, cơ quan CSĐT xác minh tại ngân hàng, số dư trên tài khoản của Lê Xuân Giang chỉ còn hơn 45,5 tỷ đồng… 

Vấn đề cần trao đổi là hàng chục nghìn người dân tham gia đường dây bán hàng đa cấp của Công ty Liên kết Việt có đòi được tiền?

 Ý kiến bạn đọc 

Phải chứng minh được thiệt hại

Về nguyên tắc, mọi thiệt hại gây ra đều phải được bồi thường. Tuy nhiên, do chưa có kết luận điều tra chính thức về vụ việc nên chưa thể xác định trong 1.900 tỷ đồng, Ban lãnh đạo Công ty Liên kết Việt đã dùng bao nhiêu để chi trả hoa hồng cho những thành viên tham gia trước.

Chỉ những người bị thiệt hại về tài sản do hành vi phạm tội của những người đứng đầu Công ty Liên kết Việt gây ra mới có thể được xác định là bị hại và có quyền yêu cầu trả lại tiền. Để đòi lại tiền đã mất, bị hại trong vụ án này cần làm đơn trình báo với cơ quan tiến hành tố tụng, nêu rõ, chứng minh được thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường.

Dựa trên đơn trình báo này, cơ quan chức năng mới có cơ sở tính toán về mức thiệt hại và kết luận có được bồi thường hay không. 
                                                Hoàng Văn Thái (Ba Đình - Hà Nội)

Khả năng bị mất trắng là rất cao

Trong vụ án này, việc bồi thường sẽ căn cứ trên quy định pháp luật dân sự, tức là sẽ giải quyết dựa vào các sự thỏa thuận, hợp đồng được ký kết giữa các bên. Trong trường hợp hành vi vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, vấn đề bồi thường sẽ được căn cứ theo bản án của Hội đồng xét xử. Tùy vào từng trường hợp sẽ có những mức bồi thường khác nhau.

Tuy nhiên, trong vụ việc của Công ty Liên kết Việt, hành vi của các đối tượng đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, để lại nhiều hệ lụy nặng nề cho người bị hại. Đây là hành vi lừa đảo có tổ chức, cấu kết nhiều đối tượng.

Tổng số tiền Công ty Liên kết Việt thu vào là rất lớn, tuy nhiên do cách thức hoạt động là tiền của người tham gia sau sẽ dùng để trả lợi nhuận cho người tham gia trước nên số tiền này đã bị chia nhỏ để trả hoa hồng cho khách hàng nhằm củng cố niềm tin. Do vậy khả năng người bị hại mất trắng là rất cao. 
                                Đỗ Văn Hùng (TP Thái Nguyên - Thái Nguyên)

Phải xác định được nguồn tiền để đền bù

Liên quan đến số tiền 45,5 tỷ đồng còn lại trong tài khoản của Chủ tịch HĐQT Liên kết Việt, cơ quan chức năng phải có bằng chứng chứng minh đây là tài sản do phạm tội mà có.

Cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định được chính xác nguồn gốc của số tiền này mới có thể xử lý số vật chứng một cách đúng pháp luật, tránh xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của bị can, bị cáo cũng như những người có quyền lợi liên quan trong vụ án này.

Nếu chứng minh được số tiền này là do phạm tội mà có thì rất có thể đây cũng là một trong những nguồn để đền bù cho những người bị thiệt hại. 
                                                   Cao Thái Hòa (TP Vinh - Nghệ An)

Bồi thường toàn bộ thiệt hại

Công ty Liên kết Việt hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người này trả lãi cho người kia, người tham gia trước hưởng lợi nhuận từ tiền của người tham gia sau.

Theo tôi, trong trường hợp này, hầu hết những những người tham gia vào mô hình đa cấp của Công ty Liên kết Việt đều là nạn nhận, bởi những người vào trước cũng chỉ nghe theo lời dẫn dụ của những kẻ chủ mưu và tham gia với tư cách thành viên, sau đó thấy có lợi nhuận cao thì giới thiệu những người khác vào với mong muốn họ cũng nhận được lợi ích như mình.

Nếu cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được số thiệt hại mà Liên kết Việt gây ra thì những người đứng đầu Công ty Liên kết Việt phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ đối với thiệt hại đó. Trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền kê biên các tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của người phạm tội để đảm bảo thi hành án.
                                     Nguyễn Thái Hoàng (Hưng Hà - Thái Bình)


 Bình luận của luật sư 

Theo thông tin ban đầu, 7 đối tượng liên quan tại Công ty Liên kết Việt bị khởi tố, bắt giam để phục vụ điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội danh được quy định tại Điều 139, Bộ luật Hình sự. Số tiền các đối tượng lừa đảo thu được từ hơn 60.000 nạn nhân ước tính khoảng 1.900 tỷ đồng. Trong khi đó, hiện nay, số tiền còn lại trong tài khoản của đối tượng lừa đảo chỉ còn khoảng trên 40 tỷ đồng, vậy liệu các nạn nhân có khả năng thu hồi được tiền, tài sản bị chiếm đoạt?

Theo quy định của pháp luật, khi giải quyết vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bên cạnh việc xem xét trách nhiệm hình sự, mức hình phạt của các đối tượng lừa đảo, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để thu hồi các khoản tiền, tài sản bị lừa đảo trả lại cho các nạn nhân.

Do đó, về mặt nguyên tắc, khi những người dân tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của Công ty Liên kết Việt được xác định là người bị hại, nạn nhân trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì họ có quyền đề nghị được nhận lại số tài sản bị lừa đảo, chiếm đoạt.

Để thực hiện quyền của mình, những nạn nhân trong vụ án cần chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng, cung cấp các thông tin cần thiết, chứng cứ chứng minh họ là người bị lừa đảo trong vụ án, giá trị tiền, tài sản bị lừa đảo. Căn cứ vào kết quả điều tra, khi xét xử vụ án, cùng với việc quyết định mức hình phạt đối với các bị cáo, Tòa án sẽ buộc các bị cáo phải có trách nhiệm hoàn lại số tiền đã chiếm đoạt cho các nạn nhân. 

Tuy nhiên, trên thực tiễn, việc các nạn nhân có nhận lại được đầy đủ giá trị tiền, tài sản đã bị chiếm đoạt hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, Ví dụ như: Kết quả việc các cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm, thu hồi các khoản tiền, tài sản bị chiếm đoạt liên quan đến vụ án; Vị trí, vai trò, những quyền lợi họ đã nhận được trong quá trình tham gia vào mạng lưới...

Trong vụ án này, tổng số tiền các đối tượng lừa đảo thu về ước tính khoảng 1.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đặc thù việc trả thưởng, trả hoa hồng của hoạt động lừa đảo dưới hình thức kinh doanh đa cấp nên trên thực tế, một phần số tiền trên có thể đã được chi trả dưới hình thức tiền thưởng, tiền hoa hồng...

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có thể xem xét khoản tiền nào được chi trả đúng quy định, khoản nào là chi trả bất hợp pháp, từ đó có các biện pháp thu hồi để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các nạn nhân. Thêm nữa, đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, pháp luật còn quy định Tòa án có quyền tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của các đối tượng lừa đảo để đảm bảo quyền lợi cho những người bị hại.

Luật sư Chu Mạnh Cường, (Trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính,Đoàn Luật sư TP Hà Nội)