Năm học mới và những yêu cầu bắt buộc phải đổi mới

ANTD.VN - Đối với bậc phổ thông, gần 20 triệu học sinh cả nước sẽ chính thức bước vào năm học mới 2018-2019 từ hôm nay (5-9). Trước yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao, hướng tới công dân toàn cầu, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục đào tạo bắt buộc phải đổi mới căn bản, toàn diện.

Năm học mới 2018-2019 chưa thực hiện chương trình sách giáo khoa mới theo dự kiến ban đầu sau khi Quốc hội đồng ý hoãn với thời hạn chậm nhất đến năm học 2020-2021 sẽ triển khai đầu tiên ở bậc tiểu học. Vậy với thời gian 2 năm học nữa, liệu có cần phải lo lắng về đổi mới hay cứ dạy và học như cũ cho an toàn? 

Thực tế, đổi mới giáo dục không đơn giản. Mỗi một thay đổi về thi cử, hay đơn giản là áp dụng một mô hình giáo dục, phương pháp giáo dục mới vào là dư luận lại dậy sóng. Xu hướng có phần lấn át là phản đối nhiều hơn ủng hộ. Nhiều người vẫn lý luận: Lâu nay vẫn học như vậy, học sinh vẫn trưởng thành, thành đạt cả có sao đâu mà phải đổi mới. Và nhất là khi đổi mới nhưng không hoàn toàn thuận lợi, có chút vấp váp thì dư luận luôn tạo ra sức ép lớn đối với sự đổi mới đó.

Mới đây, kỳ thi THPT quốc gia sau 3 năm thực hiện được đánh giá là thành công thì gặp phải sự cố gian lận nâng điểm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Ngay lập tức, nhiều người nghi ngờ hình thức thi này, đòi phải bãi bỏ cách thức này ngay năm sau. Trong khi đó, một điều ai cũng hiểu là đòi hỏi sự hoàn hảo của bất cứ điều gì cũng là không thể.

Mới đây nhất là sự đồng loạt phản đối sách tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Nguyên nhân của đa số ý kiến này là vì sao lại phải thay đổi cách học phát âm khi cách học truyền thống vẫn tốt, vẫn học được? Có một điều mà mọi người ít xem xét tới trước khi phản đối cái mới là liệu mục tiêu giáo dục của nó có đồng nhất với những giá trị mà nền giáo dục muốn đạt tới hay không?

Lâu nay, giáo dục trong nước vẫn kiên trì với quan điểm cả nước áp dụng cùng một chương trình, một bộ sách giáo khoa. Điều này đã được nhìn nhận là không còn phù hợp với yêu cầu mới. Với cùng một mục tiêu là dạy trẻ lớp 1 biết phát âm, biết đọc lưu loát thì cách dạy của công nghệ giáo dục hay cách dạy truyền thống nếu cùng đạt được và đạt được nhanh hơn, tốt hơn thì vì sao lại không ủng hộ cái mới? 

Ngay cá nhân mỗi người cùng đi học một chương trình, nội dung như nhau nhưng vẫn tự nhào nặn cho mình một cách thức riêng để tiếp thu, tận dụng kiến thức được truyền thụ. Vậy, cái mới trong giáo dục càng nên khuyến khích và nên sớm thực hiện ngay khi bước vào một năm học mới thay vì chờ đợi đến khi có sách giáo khoa, có chương trình mới.