Muốn thay đổi tên cho con gái - tôi phải làm gì?

ANTD.VN - Hỏi: Tôi có con gái sinh năm 2009 và được bố chồng đặt tên cho cháu. Nhưng quá trình đến trường, do cái tên ấy không hay nên cháu luôn bị bạn bè trêu chọc, giễu cợt khiến con gái tôi nảy sinh ra tâm lý buồn chán. Xin hỏi luật sư, quy định đổi tên ra sao và tôi phải làm thế nào để đổi được tên cho cháu? Nguyễn Thanh Quang (Vĩnh Phúc)   

Muốn thay đổi tên cho con gái - tôi phải làm gì? ảnh 1Luật sư Đặng Văn Sơn, VPLS Đặng Sơn và Cộng sự, Địa chỉ: Số 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội

Trả lời: Tên thông thường bao gồm họ, tên chính và tên đệm (nếu có) là để phân biệt người này với người khác hoặc để phân biệt giới tính (như nguyên tắc đặt tên “nam “Văn”, nữ “Thị” trước đây).

Theo tôi được biết, trước đây, người dân  thường có quan niệm đặt tên hay, tên đẹp hay tên “phạm húy” các vị thánh, thần thì khó nuôi. Do vậy, nhiều gia đình lấy tên các vật dụng, tên có âm tiết rất khó phát âm, có những tên đọc lên người ta nghĩ đến những vấn đề khác… gây chú ý khiến cho người có tên đó mất tự tin khi giao tiếp, làm việc. Hiện nay, việc đặt tên ngày càng phong phú, đa dạng hơn và với nhiều mục đích đặt tên cho con ngoài việc đặt tên hay, tên đẹp, còn có tên theo phong thủy, tướng số…

Về vấn đề bạn quan tâm thì theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, Điều 28: “Quyền thay đổi tên” xác định: “Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp:

Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó; theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt; theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con và thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình…”.

Ngoài ra, cũng theo quy định này thì “việc thay đổi tên cho người từ đủ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó và việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ”. 

Điều 26, Luật Hộ tịch 2014 quy định về phạm vi thay đổi hộ tịch gồm: Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự. Như vậy, về nguyên tắc cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp, theo Điều 28 - Bộ luật Dân sự năm 2015 như nêu ở trên.

Về thẩm quyền thay đổi hộ tịch thì UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước và xác định lại dân tộc (Điều 46, Luật Hộ tịch). Đối với thủ tục, người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Từ những quy định nêu trên và đối chiếu với trường hợp của bạn có thể thấy: Do con bạn chưa đủ 14 tuổi, nên bạn cần đến UBND xã, phường, thị trấn để thực hiện việc thay đổi tên cho con theo hướng dẫn của cán bộ tư pháp.