Mùa Tết trên núi Tản

ANTD.VN - Cuối tháng 12 Âm lịch hằng năm, nếu ai có dịp đến với bản người Dao (xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) sẽ được chiêm ngưỡng nét văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây. Gắn với Tết Nguyên đán thì nhiều lễ Tết khác của người Dao cũng được diễn ra mà người ta quen gọi là… mùa Tết.

Người Dao đón nhiều cái Tết trong năm, ngoài Tết Nguyên đán, Tết độc lập và Tết rằm tháng 7… thì còn có Tết của người Dao và Tết nhảy. Những cuộc vui như vậy thể hiện sự sung túc, no ấm, là nét đẹp truyền thống văn hóa và điều đáng nói, những hủ tục đang dần được xóa bỏ, tình hình ANTT luôn được đảm bảo…

Mùa Tết trên núi Tản ảnh 1Tết nhảy trước kia diễn ra trong 3 ngày liên tiếp nhưng nay đã được rút xuống còn 1 ngày 1 đêm để tiết kiệm nhưng vẫn đầy đủ các thủ tục nghi lễ

Những ngày gian khó

Sau gần 30km quanh co men theo đường đồi, đường núi cùng tổ công tác Đội An ninh, CAH Ba Vì, chúng tôi cũng đã có mặt ở bản đồng bào dân tộc Dao tại thôn Yên Sơn. Quanh khu vực núi Ba Vì có khoảng hơn 2.000 người Dao quần chẹt đang sinh sống. Cách gọi này dựa vào trang phục quần bó sát chân để phân biệt với các nhánh Dao quần trắng, Dao tiền, Dao thanh y hay Dao đỏ… Theo cuốn sách được chép lại bằng chữ Hán, người Dao có nguồn gốc xa xưa từ đảo Hải Nam (Trung Hoa), họ bắt đầu di cư sang Việt Nam vào thời Lê (khoảng cuối thế kỷ 17).

Ông Dương Trung Liên - Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết, xã hiện có 3 thôn, chiếm 98% là đồng bào dân tộc Dao. Trước kia, người Dao đến Ba Vì chủ yếu cư trú trên sườn núi và sống bằng đốt rừng, làm nương. Sau cuộc vận động “hạ sơn” năm 1968, đặc biệt từ khi Nhà nước có quyết định thành lập Khu bảo tồn Vườn Quốc gia Ba Vì năm 1990 thì toàn bộ người Dao sống rải rác trên cao đều định cư xuống quanh chân núi. Từ đây, họ thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ phá rừng làm rẫy sang trồng và bảo vệ rừng, làm lúa nước, định canh, định cư. Dù thay đổi nơi cư trú, nhưng người Dao ở Ba Vì vẫn còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống với các bài cúng độc đáo trong Tết nhảy, lễ Khai quan, lễ Tạ mả, lễ Cấp sắc, lễ đặt tên âm… 

Cũng theo một số tư liệu ghi lại, để đến được đất Việt và sống ở vùng núi như ngày nay, người Dao đã phải trải qua cuộc hành trình muôn phần gian khổ, vượt núi, vượt sông, vượt biển. Biển to, sóng lớn, thuyền bè thô sơ, sức người yếu đuối, con cu li buộc ở mũi thuyền để báo gió bão bỗng ôm mặt khóc như người, 12 dòng họ vượt biển bị bão táp cuồng phong đe dọa nhấn chìm. Cả đoàn người mang bát hương ra rồi nhảy múa để cầu khấn Bàn Vương (tổ tiên người Dao), cầu khấn thánh thần như những nghi lễ mà thủy tổ loài người xa xưa đã từng thực hiện. Rồi bể lặng, trời êm, người họ Triệu Mốc nguyện từ nay về sau sẽ làm đám Chay tập đàng. Bốn nhánh họ Triệu và các họ còn lại hứa sẽ làm Tết nhảy, sẽ mổ gà, lợn, múa hát trong 3 ngày 3 đêm để tạ ơn tiên tổ. Mỗi độ làm Tết nhảy, câu chuyện trên lại được mang ra kể để ôn lại truyền thống trong ánh lửa bập bùng.

Ông Lý Sinh Vượng - Phó Chủ tịch xã Ba Vì cho biết, Tết nhảy được chuẩn bị khá công phu. Hiện nay để tránh lãng phí, Tết nhảy đã được rút ngắn xuống còn 2 ngày 2 đêm và chỉ thực hiện trong 1 năm duy nhất, nhưng vẫn đầy đủ các thủ tục. Nhà nào kinh tế khá, có khả năng lo được  thì đăng ký với cả làng. 

Mùa Tết trên núi Tản ảnh 2Cán bộ công an địa bàn thăm hỏi, chuyện trò với ông Lý Văn Phủ “Người uy tín” của bản Dao Yên Sơn

Xuân về trên bản người Dao

Nói đến đồng bào dân tộc Dao trên núi Tản không ai không biết đến ông Lý Văn Phủ (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì), người được tôn vinh là “Người có uy tín” của bản người Dao nơi đây. Ông cho biết, Tết của người Dao và Tết Nhảy (ở các bản Hợp Nhất, Yên Sơn, Hợp Sơn) xã Ba Vì thường được bắt đầu từ 1-12 Âm lịch, sau đó là Tết Nguyên Đán. Tết Nguyên đán thì nhà nào nhà nấy lo, còn Tết nhảy thì phải có đủ điều kiện mới đăng cai được, đến lượt nhà nào tổ chức thì nhà ấy vinh dự lắm. Với người Dao ở Ba Vì, đời người dù sớm, dù muộn cũng phải một lần làm Tết nhảy tạ ơn Bàn Vương đã cứu giúp tính mạng để con cháu được sinh sôi cho đến ngày nay. Nghi lễ dần trở thành lễ hội, bà con trong bản chuẩn bị gạo thơm, lợn béo, rượu nếp để làm Tết nhảy được trang trọng, chu đáo, giữ bản sắc văn hóa độc đáo của mình. Nhưng ông Phủ cũng hiểu cái khó, cái nghèo của bà con xuất phát từ chính cuộc sống du canh, du cư. Vì vậy, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, gia đình ông là một trong những hộ dân đầu tiên “hạ sơn”, trả lại rừng cho Nhà nước để thành lập Vườn Quốc gia Ba Vì để làm gương cho cộng đồng. 

Trung tá Phan Thị Hoài Thanh - Đội trưởng Đội An ninh (CAH Ba Vì) cho biết: “Ở bản người Dao Yên Sơn, ông Phủ ngoài việc làm kinh tế giỏi còn là người đi đầu trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhiều năm qua, ông Phủ cần mẫn sao chép hàng chục cuốn sách của tổ tiên dạy cách bốc thuốc, thờ cúng, xem lịch… Ông cũng lặng lẽ dạy cho thế hệ trẻ cách viết, diễn xướng nghi thức cúng lễ truyền thống của người Dao trong các dịp lễ, Tết”.

“Nếu trước đây, người Dao ở Ba Vì thường tổ chức đám chay, Tết nhảy 3 ngày 3 đêm thì hiện nay, ông Phủ đã vận động được người dân giảm thời gian xuống còn 1 ngày, làm cỗ đơn giản, gọn nhẹ hơn. Vì vậy, người dân không chỉ tiết kiệm thời gian, tiền bạc mà vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc...”, Trung tá Phan Thị Hoài Thanh chia sẻ.