Mùa dịch, hãy có thái độ ứng xử văn minh

ANTD.VN - Mấy hôm trước, xuất phát từ vài câu nói ỡm ờ, ra vẻ thạo tin của vài tài khoản trên mạng xã hội, rồi cứ thế truyền từ nhóm kín nọ sang nhóm kín kia cuối cùng thành ra thông tin Hà Nội phong tỏa cả thành phố vì Covid-19. Tin tức thì hoàn toàn là bịa đặt, nhưng cũng làm nhiều người hoảng loạn. Việc đầu tiên để đối phó với sự bất an bắt nguồn từ tin giả vẫn lại là lao ra siêu thị mua cho thật nhiều thứ, về chất đầy tủ lạnh…

Tin vịt, tin giả như thứ bả chuột, tác động lên thần kinh nạn nhân ngay tắp lự nếu nuốt phải. Nó gây hoang mang, hậu họa khôn lường chẳng kém gì thứ virus chết người kia.

Mùa dịch, hãy có thái độ ứng xử văn minh ảnh 1Minh họa: Nguyễn Hữu Khoa

Bình tĩnh và cảnh giác trước tin vịt, tin giả

Ngay trong đêm 19-3, lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội đã trực tiếp khẳng định, hoàn toàn không có chuyện phong tỏa thành phố như lời đồn. Tất nhiên, cơ quan chức năng cũng đã nắm được việc một số tài khoản mạng xã hội tung ra thông tin thất thiệt này, và chắc chắn sẽ xử lý trong thời gian tới. Từ đầu mùa dịch đến giờ, cơ quan chức năng cũng đã xử lý nhiều vụ tung tin thất thiệt với mục đích không thể đơn giản hơn là thu hút người xem, để câu like, tỏ ra thạo tin và nghĩ “tin sớm, tin độc” sẽ khiến chủ tài khoản trở nên nổi tiếng. Kể cũng lạ, phạt nhiều thế mà các chủ tài khoản kia vẫn chưa rút ra bài học. Nhưng nếu không bác bỏ thông tin sai sự thật ngay trong đêm 19-3, thì không ít người hoang mang và bấn loạn vì tình hình dịch dã bị bóp méo, xuyên tạc như thế.

Có một bằng chứng rõ ràng, rất dễ thấy là Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang thực hiện rất tốt các biện pháp cách ly theo khu vực đối với các ca mắc Covid-19. Trường hợp phải cách ly rộng nhất và duy nhất cho tới thời điểm hiện tại mới chỉ có khu phố Trúc Bạch do khu vực này có một số ca lây nhiễm chéo. Thành phố dù có dịch vẫn trật tự và an toàn. Từ siêu thị cho tới “chợ cóc” vẫn đầy ắp hàng hóa, giá cả không giao động. Như thế còn chưa đủ an tâm sao?

Tin đồn từ xưa nay vẫn luôn có. Nó lây lan bằng nhiều con đường. Xưa là rỉ tai nhau rồi dặn “đừng nói cho ai”, cuối cùng không ai nói cho ai mà cả phố, cả làng biết. Nay là “đọc trên mạng”, mà mạng thì có trăm ngàn loại mạng. Vàng cũng có mà rác cũng có. Cái chính là tâm thế tiếp nhận tin đồn như nào. Tôi có nhiều bạn bè, hầu hết dùng mạng xã hội, nhiều người nổi tiếng hẳn hoi, nhưng cái tâm thế mà họ tham gia mạng xã hội thì cũng thật là khác nhau. Đôi khi trình độ học vấn và địa vị xã hội lại rất tỷ lệ nghịch với sự sáng suốt trong cách sử dụng mạng xã hội. Bạ gì cũng chia sẻ, chia sẻ ngay cả những trang web không rõ nguồn gốc với những thông tin đọc lên đã biết là bịa. Thế nên với tính cả tin và ngây thơ, họ bị lừa bởi những tin giả thì cũng không có gì là ngạc nhiên. Cái đáng nói ở đây là nhiều khi nhận ra việc mình vừa nói, vừa khẳng định, vừa đau đáu oán thán trách cứ kia là thứ hàng fake không hơn không kém thì họ lặng lẽ xóa bài, coi như không có chuyện gì xảy ra, coi như điện thoại thông minh chưa bao giờ tồn tại chức năng chụp màn hình. 

Những tin đồn đại loại như một ngày nuốt 7 hạt đỗ đen thì trường sinh bất lão, hay ăn tỏi thì không bao giờ sợ ma… nói chung nghe và thực hiện theo thì đương nhiên vô hại. Nhưng ở thời điểm nhạy cảm, dịch bệnh căng thẳng bây giờ chỉ một thông tin sai sự thật cũng đủ để kéo theo hệ lụy khôn lường. Vụ “đại náo” siêu thị, vét sạch không còn một gói mỳ tôm hay một cuộn giấy vệ sinh nào trên kệ hàng ngày 8-3 là một ví dụ. Không hiểu những người tích trữ mỳ tôm hôm ấy, hôm nay đã ăn hết chưa, trong khi mỳ tôm là một thực phẩm có hạn sử dụng không dài?

Đoàn kết, thống nhất để vượt qua đại dịch

Thiên tai, dịch họa vốn xưa nay là thứ chẳng ai mong muốn. Dịch Covid-19 làm bao nhiêu quốc gia khốn khổ, lao đao. Đóng cửa đường bay, hạn chế di chuyển là cách cực chẳng đã để ngăn ngừa sự lây lan theo cấp số nhân của virus… khiến mỗi quốc gia trở thành một ốc đảo. Khó khăn ở đâu cũng như nhau. Gian nan ai cũng phải đối mặt. Và đây mới là lúc để chúng ta sống cho chính chúng ta, thể hiện tấm lòng tương thân tương ái, nghĩa đồng bào cùng tinh thần kỷ luật.

Mọi thứ ngược dòng lúc này đều đáng bị lên án. Khu cách ly tập trung dù có tiện nghi và dễ chịu cũng không thể bằng được nhà mình hay khách sạn 5 sao. 14 ngày qua nhanh thôi, vì thế đừng có “dọa” nếu không cho tôi về tôi sẽ viết facebook như anh chàng bầu sô người mẫu nọ. Nếu ai cũng “khó ở” như anh thì các nhân viên y tế vốn đã vất vả rồi sẽ phải vất vả thêm gấp trăm gấp nghìn lần nữa. Anh từ tâm dịch về, anh rêu rao cách ly tại nhà, nhưng người ta lại bắt gặp anh tung tăng cà phê khắp Sài Gòn. Phải mất 3 tiếng đồng hồ mới thuyết phục được anh đi cách ly tập trung.

Cũng may cho anh và may cho cả ngành y tế là anh không dương tính với Covid-19. Nếu không thì chẳng biết chuyện gì xảy ra nữa? Đó còn là bệnh nhân 34, khai báo gian dối và nhỏ giọt khiến cho hơn chục người lây bệnh, vài khu phố bị cách ly. Chẳng biết động cơ gì khiến chị phải giấu giếm hoạt động cá nhân. Đó còn là chuyện làm giả vaccine chống Covid-19, lừa những người nhẹ dạ của Tiêu Thị Tuyết Sương (46 tuổi; trú xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Tất nhiên, công an tỉnh Bình Đình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hành vi bất chấp thủ đoạn để trục lợi kia. 

Mùa dịch đâu phải chỉ có những chuyện không vui. Ngoài kia vẫn có những điều tốt đẹp làm ta mỉm cười, tin yêu cuộc sống. Đó là hình ảnh những cán bộ công an cửa khẩu bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch, đó là hình ảnh các y bác sĩ hết lòng vì người bệnh. Đó còn là những giáo viên ở Quảng Ninh nghỉ dạy học thì tình nguyện tham gia vào các bếp ăn ở khu vực có người cách ly. Đó còn là những sinh viên năm cuối của trường Đại học Y Hà Nội xung phong lên cửa khẩu Nội Bài phòng dịch hay những y bác sĩ đã nghỉ hưu vẫn tình nguyện trở lại bệnh viện cùng chung tay đẩy lùi Covid-19. 

Những ngày cuối xuân này Hà Nội thật đẹp, đẹp như chưa bao giờ tồn tại một vị khách không mời mà đến: Covid-19. Đường phố vắng vẻ, nhiều hàng ăn nổi tiếng đóng cửa để cùng thành phố chung tay chống dịch. VOV giao thông ít còn nhắc đến tắc đường hay giao thông ùn ứ cục bộ. Nhưng cũng thật lạ, người Hà Nội lại mong và tin cái khoảnh khắc vắng vẻ này sẽ qua nhanh, để Hà Nội lại đông đúc tấp nập như thời chưa có dịch.