Mùa cúm gia cầm bùng phát, cẩn trọng phòng bệnh từ những thói quen đơn giản hàng ngày

ANTD.VN - Cúm gia cầm là dịch bệnh nguy hiểm rất dễ bùng phát trong mùa lạnh, trong đó một số chủng virus cúm đặc biệt nguy hiểm có thể lây lan sang người, gây tử vong. Do đó, người dân cần đặc biệt chú ý phòng bệnh bằng cách tuân thủ đúng những khuyến cáo của Bộ Y tế.

Theo thông tin từ VTV, một ổ cúm gia cầm Chủng virus H5N6 rất độc vừa được phát hiện tại xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.

Chủng virus cúm xuất hiện tại Phú Yên đã làm đàn gia cầm của nhiều hộ gia đình chết nhanh chóng. Ảnh: Báo Dân trí

Chủng virus này đã làm đàn gia cầm của nhiều hộ gia đình chết nhanh và gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi. Hôm 27-10, đàn gia cầm của ông Nguyễn Thanh Cảnh, ở thôn Đông Bình, xã Hoà An, Phú Yên chết rải rác. Đến ngày 29-10, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Yên phối hợp thú y huyện với tiến hành kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi để xác định, đến ngày 30-10 đã có kết quả dương tính với cúm A H5N6. Đây là chủng virus có độc lực rất mạnh, có khả năng lây sang người. 

Ngày 31-10, Chi cục thú y tỉnh chỉ đạo tiến hành tiêu hủy đàn  gia cầm hơn 2.000 con của hộ ông Cảnh, đồng thời tiêu độc khử trùng, nhằm hạn chế lây lan sang các trang trại khác.

Theo một thông tin khác trên Báo Nhân dân, UBND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết vừa ban hành quyết định công bố dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N6 trên địa bàn huyện.

Theo quyết định công bố, vùng có dịch là xã Hòa Lễ; vùng bị dịch uy hiếp gồm các xã: Cư Kty, Khuê Ngọc Điền và Hòa Phong; vùng đệm gồm thị trấn Krông Kmar, xã Cư Pui và Hòa Tân.

Đàn vịt nhiễm bệnh của gia đình bà Sáu phải đưa đi tiêu hủy. Ảnh: Báo Đại đoàn kết

Ngày 17-10, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Krông Bông nhận được tin báo của gia đình bà Lê Thị Sáu ở thôn 2, xã Hòa Lễ có đàn vịt gồm 2.500 con có dấu hiệu bỏ ăn và chết với số lượng từ 50 đến 100 con. Thấy vịt bị bệnh, gia đình bà Sáu đã mua thuốc về điều trị nhưng không khỏi. Ngay sau đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Krông Bông đã xuống trại vịt kiểm tra và lấy mẫu gửi lên Chi cục Thú y vùng V xét nghiệm, kết quả đàn vịt dương tính với virus cúm A/H5N6.

Ngay khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp UBND huyện Krông Bông và xã Hòa Lễ tổ chức tiêu hủy toàn bộ số vịt bị nhiễm bệnh; đồng thời, điều tra khu vực lân cận để nắm bắt tình hình, số lượng vịt nhằm kiểm soát và có giải pháp ứng phó với dịch bệnh, tránh tình trạng lây lan và bùng phát thành dịch.

Cần chủ động phun thuốc khử trùng tại những nơi có dịch (Hình minh họa)

Tính đến ngày 28-10, tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy tại xã Hòa Lễ là 2.800 con vịt trên 40 ngày tuổi. Trước tình hình dịch bệnh cúm gia cầm H5N6 đang có nguy cơ lây lan ra diện rộng, Ban Thú y xã phối hợp cùng Ban tự quan thôn 2 đã tổ chức ba đợt phun thuốc tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực có ổ dịch và khu vực lân cận; hỗ trợ hóa chất cho người dân trong khu vực có ổ dịch chủ động phun thuốc tiêu độc, khử trùng hằng ngày để tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, hạn chế mầm bệnh phát tán và lây lan...

Một bài viết trên Báo Người lao động cho biết, theo cảnh báo của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều loại virus cúm A/H7N9 và các chủng virus độc lực cao khác như A/H5N2, A/H5N8… chưa từng xuất hiện ở Việt Nam nhưng có nguy cơ xâm nhập nước ta. Con đường lây truyền chính là từ việc nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương nhận định thời tiết lạnh, ẩm tạo điều kiện cho các loại virus cúm phát triển.

Theo các chuyên gia y tế, chủng virus cúm A/H7N9 là một trong những mối đe dọa lớn. Dịch cúm A/H7N9 ghi nhận từ năm 2013 tại Trung Quốc đến nay vẫn chưa khống chế được. Năm 2017, cúm A/H7N9 bùng phát mạnh tại quốc gia này, trong đó có 2 tỉnh giáp Việt Nam với đường biên giới khá dài và khiến gần 100 ca tử vong.

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo chủng virus cúm A/H7N9 đã biến đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao trên cả gia cầm và người, có thể gây chết 100% lượng gia cầm mắc phải và khả năng lây truyền nhanh gấp 100 - 1.000 lần so với virus cúm độc lực thấp. Người mắc cúm này có thể bị phù, suy tim, suy gan nặng, hôn mê, tử vong.

Các chuyên gia dịch tễ đánh giá diễn biến của dịch cúm rất khó dự đoán bởi các chủng cúm có độc lực khác nhau, lúc mạnh lúc yếu. Chẳng hạn, cúm A/H1N1 lúc đầu tưởng nguy hiểm nhưng thực tế tỉ lệ tử vong thấp, chỉ có 0,09%. Trong khi đó, cúm H5N1 có tỉ lệ tử vong lên đến 70%-90%, có thời điểm là 100% hay cúm H7N9 tỉ lệ tử vong cũng lên tới 50%-60%.

"Từ trước đến nay, thế giới đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm, do đó Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh cúm mùa trước tình trạng gia tăng các ca bệnh ngay đầu năm 2018" - PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cảnh báo.

Cẩn trọng phòng tránh cúm bằng những thói quen hàng ngày

Thường xuyên rửa tay với xà phòng là một trong những biện pháp đơn giản để phòng chống dịch cúm gia cầm (Hình minh họa)

Trong một bài viết trên Zing, ông Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, để chủ động phòng tránh lây nhiễm và mắc bệnh cúm gia cầm, người dân cần thực hiện một số khuyến cáo của Bộ Y tế như sau:

-      Thường xuyên rửa tay với xà phòng, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng

-      Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm ốm chết, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín

-      Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn

-      Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời

-      Người trở về nước từ khu vực có bệnh, nếu có những triệu chứng của bệnh cúm phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe và điều trị kịp thời.