Mâu thuẫn, đốt nhà xưởng làm chết người, phạm tội gì?

ANTD.VN -  Do có mâu thuẫn trong kinh doanh, Trần Quang P. (SN 1973), đã nhờ Nguyễn Quốc Q. (SN 1993) đến đốt xưởng của anh Hoàng Văn N. (SN 1974) vào ban đêm. 

Nội dung vụ việc

Hậu quả là toàn bộ nhà xưởng và máy móc của anh Hoàng Văn N. bị thiêu rụi, thiệt hại tài sản lên đến 350 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đốt, Nguyễn Quốc Q. không biết còn có 1 công nhân của Hoàng Văn N. là anh Vũ Đình T. (SN 1995) bị say rượu ngủ quên trong xưởng nên đã gây ra hậu quả chết người. 

Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này, Nguyễn Quốc Q. đã phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội giết người

Việc đốt nhà xưởng của anh Hoàng Văn N. và gây ra cái chết cho anh Vũ Đình T. đang nằm ngủ ở xưởng, theo tôi hành vi của Nguyễn Quốc Q. đã phạm tội giết người. Mặc dù mục đích ban đầu Trần Quang P. nhờ Nguyễn Quốc Q. đốt xưởng xuất phát từ mâu thuẫn trong kinh doanh với anh N., tuy nhiên trước khi thực hiện, Trần Quang P. đã không tìm hiểu ở trong xưởng lúc đó có người hay không.

Do nơi Q. phóng hỏa là xưởng làm việc, Q. cần đặt ra trường hợp có người làm việc trong xưởng, ở lại gác đêm hoặc có việc gì ở lại xưởng không. Chính vì vậy, việc làm liều lĩnh này của Q. xâm phạm đến tính mạng của anh T. là một khách thể được pháp luật bảo vệ. Do đó cần phải xử lý Nguyễn Quốc Q. về tội giết người.

Hoàng Thùy Linh (Lê Chân - Hải Phòng)

Hủy hoại tài sản với tình tiết tăng nặng

Trong vụ việc này Trần Quang P. và Nguyễn Quốc Q. đã phạm tội hủy hoại tài sản với tình tiết tăng nặng là gây chết người. Toàn bộ nhà xưởng và máy móc là tài sản hợp pháp thuộc sở hữu của anh Hoàng Văn N. Tuy nhiên chỉ vì mâu thuẫn trong kinh doanh mà Trần Quang P. đã nhờ Nguyễn Quốc Q. đốt xưởng khiến toàn bộ tài sản bị thiêu rụi, gây thiệt hại trị giá 350 triệu đồng. Có thể coi đây là hành vi phạm tội hết sức hèn hạ của Trần Quang P. nhằm mục đích phá hoại công việc kinh doanh của anh N. và đã vi phạm pháp luật theo Điều 143, Bộ luật Hình sự: Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Nghiêm trọng hơn, việc làm này của P. và Q. còn gây ra cái chết đối với anh Vũ Đình T. là công nhân đang ngủ trong xưởng. 

Vũ Quốc Tuấn (Cẩm Giàng - Hải Dương)

Hủy hoại tài sản và vô ý giết người

Trần Quang P. đã nhờ Nguyễn Quốc Q. đốt xưởng của anh Hoàng Văn N., hành vi này theo tôi đã cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143, Bộ luật hình sự. Sự việc anh Vũ Đình T. (SN 1995) bị say rượu ngủ quên trong xưởng sau đó bị chết, theo tôi là nằm ngoài ý muốn của của cả Q. và T. Mục đích của việc P. nhờ Q. đốt xưởng của anh N. là do xuất phát từ mâu thuẫn làm ăn chứ không liên quan gì với anh T. Việc anh T. ngủ lại xưởng đêm đó là do say rượu chứ không phải ngày nào anh T. cũng ngủ lại đó. Do vậy, việc anh T. bị chết không phải là do P. và Q. cố tình thực hiện hành vi phạm tội. Nên P. và Q. chỉ phạm tội vô ý làm chết người.

Vũ Đình Toán (Lý Nhân - Hà Nam)

Bình luận của luật sư

Với tình huống vụ việc chúng ta thấy là hành vi của Trần Quang P. và Nguyễn Quốc Q. phạm vào một trong những tội xâm phạm sở hữu không có mục đích tư lợi. Cụ thể, hành vi của P. và Q. phạm vào tội hủy hoại tài sản quy định tại Điều 143, Bộ luật Hình sự.

Điều 143, Bộ luật Hình sự đặc biệt hơn một số điều luật khác là cùng quy định 2 tội: Tội hủy hoại và tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Tuy nhiên cần lưu ý, mặc dù điều luật quy định chung về hành vi của 2 tội này là giống nhau, nhưng cần xem xét về mức độ thiệt hại gây ra với hành vi đó và mức độ thiệt hại là cơ sở để xác định tội danh.

Theo tinh thần của điều luật và qua thực tế xét xử thì tội làm hư hỏng tài sản được hiểu: Là hành vi làm cho tài sản bị mất một phần giá trị hoặc giảm giá trị sử dụng nhưng mức độ có thể khôi phục lại được. Đối chiếu với tình huống trên thì ta thấy rằng toàn bộ nhà xưởng và máy móc của anh Hoàng Văn N. đã bị thiêu rụi. Tức là mức độ thiệt hại là rất lớn, không phải bị thiệt hại một phần và không còn điều kiện để khôi phục được. Vì vậy, P. và Q. không thể phạm vào tội cố ý làm hư hỏng tài sản mà phải là tội hủy hoại tài sản. 

Về mặt khách quan của tội hủy hoại tài sản, đây thuộc tội có cấu thành tội phạm vật chất. Như đã phân tích ở trên, toàn bộ nhà xưởng và máy móc của anh Hoàng Văn N. đã bị thiêu rụi. Tức là mức độ thiệt hại ở đây thực tế đã mất hết giá trị và hoàn toàn càng không thể khôi phục. Thực tế thiệt hại của anh Hoàng Văn N. sau khi cháy xưởng là 350 triệu đồng.

Về mặt chủ quan của tội phạm: Nếu đối chiếu với tình huống trên thì thấy ngay đây là do lỗi cố ý của P. và Q. Bởi lẽ, P. và Q. đã có hành vi hủy hoại tài sản của anh N., đã có sự bàn bạc trước khi hành động, cụ thể là bằng cách đốt nhà xưởng và thời gian thực hiện là vào ban đêm. Cả hai đều cố ý và mong muốn làm cho toàn bộ nhà xưởng và máy móc của anh N. bị hủy hoại nên đã thực hiện vào ban đêm để không bị ai phát hiện và có thể ngăn chặn.

Chỉ vì động cơ tư thù cá nhân trong kinh doanh của P. mà cả hai bất chấp sự nguy hiểm của hành vi do mình gây ra và để mặc cho hậu quả xảy ra theo ý muốn của mình. Như vậy, với phân tích ở trên và với tình tiết thiệt hại 350 triệu đồng thì P. và Q. đủ yếu tố cấu thành tội hủy hoại tài sản theo (điểm a, khoản 3, Điều 143, Bộ luật Hình sự) có quy định rõ “Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng” với mức hình phạt từ 7 năm đến 15 năm. Để định tội danh cho P. và Q., xét theo khoản 3, Điều 8, Bộ luật Hình sự tội của P. và Q. là tội rất nghiêm trọng. 

Xét vai trò cụ thể của P. và Q. ở đây ta thấy P. đã nhờ Q. thực hiện hành vi đốt xưởng chỉ vì tư thù cá nhân là do mâu thuẫn trong kinh doanh. Như vậy, Theo Điều 20, Bộ luật Hình sự thì “người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm” và qua hành vi khách quan của P. ta thấy đủ yếu tố cấu thành đồng phạm trong tội hủy hoại tài sản với vai trò người xúi giục. Cụ thể là P. đã dụ dỗ Q. bằng cách nhờ Q. đốt xưởng. Còn Q. là người hành động phạm tội, với vai trò là người thực hành “người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm”.

Qua việc của P. thì Q. đã giúp P. thực hiện hành vi đốt xưởng của anh N. Xem xét một cách khách quan thì giữa P. và Q. đã có sự bàn bạc, lên kế hoạch trước khi đi đến hành động. Hơn nữa, cả 2 đều cố ý cùng thực hiện hành vi với những vai trò khác nhau. Bởi lẽ cả P. và Q. đều biết rõ hành vi đó là bất hợp pháp và tất yếu sẽ gây hậu quả, tuy nhiên vẫn thực hiện.

Theo nguyên tắc trách nhiệm hình phạt trong Bộ luật Hình sự có quy định rõ, mặc dù vai trò của từng người trong vụ án là khác nhưng những người đồng phạm đều phải chịu trách nhiệm hình sự chung (cùng một điều luật). Trừ trường hợp do hành vi thái quá của người khác (thường chỉ có ở là người thực hành). Như vậy P. và Q. đều phạm tội hủy hoại tài sản thuộc điểm a, khoản 3, Điều 143, Bộ luật Hình sự với mức độ là tội rất nghiêm trọng (từ 7 năm đến 15 năm tù).

Với trường hợp cái chết của anh Vũ Đình T. trong vụ việc này, có 2 quan điểm khác nhau là: Thứ nhất, đây là tình tiết tăng nặng của tội phá hủy tài sản do đã gây hậu quả chết người. Thứ hai, đây là tội vô ý làm chết người. Trường hợp này theo chúng tôi Q. phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người (Điều 98, Bộ luật Hình sự).

Theo quy định tại Điều10, Bộ luật Hình sự: Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây: “1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; 2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó”.

Qua xem xét và phân tích từng tình tiết của vụ việc từ khi thực hiện hành vi đến khi gây hậu quả làm chết người xảy ra, thì có thể khẳng định rằng Q. đã phạm tội vô ý làm chết người do lỗi vô ý vì cẩu thả (tại khoản 2, Điều 10, Bộ luật Hình sự). Bởi lẽ: 

Về lý trí: Người phạm tội không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra. Tức là không thuộc trường hợp bắt buộc phải thấy trước hay phải có nghĩa vụ thấy trước hậu quả về hành vi mình gây ra. Đối chiếu với tình huống trên, vì thực hiện đốt xưởng vào ban đêm nên Q. không biết còn 1 công nhân bị say rượu ngủ quên trong xưởng, do đó Q. không thể thấy trước hậu quả đáng tiếc sẽ gây chết người.

Bên cạnh đó, cẩu thả ở đây được hiểu là Q. thiếu trách nhiệm với việc mình làm, không nghĩ đến tính chất công việc trước khi thực hiện (rõ ràng hủy hoại tài sản đã là một hành vi sai trái, gây thiệt hại cho xã hội). Mặc dù “cẩu thả” phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả, tuy nhiên khi thực hiện hành động Q. đã thiếu suy nghĩ, thiếu thận trọng, không lường đến trường hợp có người ở lại trong coi không? Hơn nữa với tư cách là một công dân trong xã hội, Q. có nghĩa vụ và có đủ điều kiện để có thể thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình. 

Về ý chí: Người phạm tội với lỗi vô ý vì cẩu thả không mong muốn hành vi của mình gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng trên thực tế hành vi đó đã gây ra hậu quả nguy hiểm. Có thể nói hành vi của Q. ban đầu chỉ là mong muốn hủy hoại tài sản xưởng của N mà không hề có mong muốn gây bất cứ một hậu quả nào khác, nhất là gây chết người thì càng không.

Sự thực bản thân Q. không thể nhận thức được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người mặc dù Q. phải có nghĩa vụ phải thấy trước và có điều kiện đi kiểm tra và thấy trước được điều đó. Như vậy, trong trường hợp này Q. phạm thêm tội vô ý làm chết người thuộc khoản 1, Điều 98, Bộ luật Hình sự và phải chịu hình phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm tù.

Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng luật Sơn và cộng sự)